Có nhiều ý kiến cho rằng việc Grab thâu tóm Uber Đông Nam Á vi phạm Luật cạnh tranh. DĐDN đã có cuộc trao đổi với ông Lâm Tuấn Minh, Giám đốc điều hành của LP Investments (LP Group) về vấn đề này.
- Nhiều người nhìn nhận việc Grab “thâu tóm” Uber tại Đông Nam Á có liên quan đến vấn đề tập trung kinh tế, pháp luật Việt Nam quy định thế nào về vấn đề này, thưa ông?
Luật Cạnh tranh hiện tại quy định hành vi tập trung kinh tế bao gồm 4 hoạt động cơ bản: Mua lại, sáp nhập, hợp nhất và liên doanh. Đối tượng áp dụng bao gồm toàn bộ doanh nghiệp sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích, hoạt động trong các ngành, lĩnh vực thuộc độc quyền nhà nước, hiệp hội ngành nghề và doanh nghiệp nước ngoài hoạt động ở Việt Nam. Vì vậy, có thể nhận định việc thâu tóm của Grab đối với Uber tại khu vực Đông Nam Á được xem là hoạt động tập trung kinh tế.
Việc tập trung kinh tế sẽ bị cấm nếu thị phần kết hợp của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế chiếm trên 50% trên thị trường liên quan trừ một số trường hợp đặc thù.
- Thương vụ thâu tóm này có vi phạm pháp luật cạnh tranh Việt Nam hay không, thưa ông?
Tại thời điểm hiện tại, chưa thể kết luận việc Grab thâu tóm Uber tại Việt Nam là có vi phạm pháp luật cạnh tranh hay không.
Điều cơ bản nhất để xác định vi phạm chính là chứng minh thị phần kết hợp của Uber và Grab tại Việt Nam sẽ chiếm hơn 50% thị trường liên quan, bao gồm thị trường sản phẩm liên quan và thị trường địa lý liên quan.
Thị trường sản phẩm liên quan là thị trường của những hàng hoá, dịch vụ có thể thay thế cho nhau về đặc tính, mục đích sử dụng và giá cả. Như vậy, cần phải xem xét thị trường trong loại hình dịch vụ mà Uber và Grab cung cấp là thị trường nào. Nếu đây là ứng dụng công nghệ trong quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng thì hoàn toàn có khả năng vượt quá 50% thị phần. Nếu mở rộng thành thị trường của dịch vụ taxi chở khách, nghĩa là cùng sân chơi với các hãng taxi như Mai Linh, Vinasun thì tỷ lệ sẽ nhanh chóng giảm xuống.
Kết luận của cơ quan quản lý cạnh tranh về thương vụ tập trung kinh tế này bị cấm hay không sẽ là yếu tố then chốt để Grab và Uber hoàn tất thủ tục.
Đối với thị trường địa lý liên quan, hiện tại có việc thí điểm Grab và Uber đang được áp dụng tại Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Ninh. Với đặc thù khác biệt lớn của từng tỉnh thành, việc chứng minh đây là thị trường địa lý liên quan gần như là bất khả thi.
Có thể nhận định thương vụ thâu tóm của Grab có dấu hiệu vi phạm về tập trung kinh tế tại Việt Nam nhưng chưa đủ cơ sở để kết luận tại thời điểm này.
- Trong trường hợp thương vụ này bị kết luận là có vi phạm, rủi ro cho các bên như thế nào, thưa ông?
Có hai rủi ro cơ bản: Phạt tiền tối đa lên đến 10% tổng doanh thu năm tài chính trước đó và buộc tiến hành chia tách doanh nghiệp đã sáp nhập hoặc bán lại phần tài sản đã mua.
Tuy nhiên, việc xác định các vấn đề liên quan đến doanh thu của loại hình dịch vụ này cũng không hề đơn giản, đặc biệt là 02 vấn đề: Xác định tư cách kinh doanh chính thức tại Việt Nam và xác định mốc doanh thu để xử phạt.
Grab và Uber vẫn cho rằng, họ không phải là loại hình taxi chở khách mà hoạt động dưới dạng phần mềm cung ứng và kết nối, tuy nhiên đây chỉ là ý kiến đơn phương từ doanh nghiệp. Vì vậy cần có văn bản xác định chính thức của cơ quan chức năng.
- Liệu có con đường nào khác để tiến hành thương vụ này một cách hợp pháp tại Việt Nam hay không?
Việc tập trung kinh tế này sẽ không bị xem là vi phạm hoặc được miễn trừ nếu Uber chứng minh được mình đang có nguy cơ bị giải thể (hoặc lâm vào tình trạng phá sản) hoặc việc tập trung kinh tế có tác dụng mở rộng xuất khẩu hoặc góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tiến bộ kỹ thuật, công nghệ.
Một trường hợp khác là Grab sau khi thâu tóm vẫn thuộc phạm vi doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định. Cả 03 trường hợp này tôi cho rằng là không khả thi.
- Xin cảm ơn ông!