Trong 3 tháng cuối năm 2019, Ban ATGT TP Hà Nội cùng các đơn vị liên quan cố gắng không để xảy ra ùn tắc kéo dài trên 30 phút.
Đây là thông điệp mới nhất của Ban ATGT TP Hà Nội khi yêu cầu các đơn vị tăng cường đảm bảo ATGT, cố gắng không để xảy ra ùn tắc kéo dài trên 30 phút.
Theo đó, Ban ATGT TP Hà Nội cho biết, 9 tháng đầu năm 2019, trên địa bàn thành phố xảy ra 958 vụ TNGT đường bộ, đường sắt, làm chết 375 người, bị thương 602 người. So với cùng kỳ năm 2018, giảm 29 vụ (2,94%), giảm 8 người chết (2,09%), giảm 45 người bị thương (6,96%).
Để đảm bảo mục tiêu kéo giảm từ 5-10% số người chết do TNGT trong những tháng cuối năm, Ban ATGT TP Hà Nội đề nghị các cơ quan chức năng tiếp tục tập trung triển khai nhiều giải pháp đồng bộ.
Cụ thể, lực lượng liên ngành cần tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm về trật tự, ATGT đường bộ, đường thủy nội địa; đặc biệt xử lý nghiêm tình trạng người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm quy định về nồng độ cồn, ma túy và các chất kích thích khác.
Đồng thời, tăng cường lực lượng chỉ huy, điều khiển giao thông, đảm bảo không để ùn tắc tại các tuyến đường, nút giao trọng điểm, nhất là trong các khung giờ cao điểm, các kỳ nghỉ lễ, Tết.
Đặc biệt, Ban ATGT yêu cầu các đơn vị liên quan cần thường xuyên rà soát, điều chỉnh tổ chức giao thông phù hợp với lưu lượng thực tế, tránh để xảy ra tình trạng ùn tắc kéo dài. Trong 3 tháng cuối năm 2019, cố gắng không để xảy ra ùn tắc kéo dài trên 30 phút.
Người dân Hà Nội nói riêng và cả nước đã quá quen với sự ùn tắc giao thông bấy lâu nay, nó diễn ra hàng ngày, như "cơm bữa". Nguyên nhân đã được các chuyên gia giao thông chỉ ra là do quá tải của hạ tầng giao thông vận tải.
Việc hàng loạt tuyến đường tại Hà Nội sáng sớm ngày 10/9 vừa qua đã xảy ra tình trạng ùn tắc nghiêm trọng, đặc biệt tại khu vực Cầu Tó (Thanh Trì – Hà Nội) nhiều người đã phải "chôn chân" suốt 2 giờ mới di chuyển khỏi khu vực. Hay cái tít “Hà Nội ùn tắc khắp nơi, dân công sở “chôn chân” suốt mấy tiếng không đến nổi cơ quan” trên báo Dân trí mới đây đã phần nào lột tả được bức tranh giao thông TP Hà Nội ở thời điểm hiện tại.
Thực tế cho thấy, Hà Nội đã có 7 lần quy hoạch từ năm 2004 đến nay. Trong tất cả những lần quy hoạch đều đặt ra đảm bảo hài hòa việc phân bố dân cư, phân bố không gian và quy hoạch giao thông.
Gần đây nhất là quy hoạch được duyệt năm 2011, đến năm 2016 Thủ tướng Chính phủ có xác định quy hoạch giao thông, trong đó có xác định rõ quy hoạch nào được ưu tiên và mạng lưới giao thông sẽ phải điều chỉnh như thế nào. Đây là thách thức rất lớn cho thành phố Hà Nội bởi lịch sử để lại cho Hà Nội mạng lưới đường giao thông thấp hơn rất nhiều đối với định mức những đô thị khác.
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm (nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị Việt Nam) nêu ví dụ: “Bình thường một đô thị phải có 20 – 25% diện tích đất tự nhiên dành cho giao thông, nhưng Hà Nội mới đạt dưới 10%. Nên việc phát triển giao thông là nhu cầu rất lớn, đòi hỏi nguồn lực rất lớn".
"Chỉ tính riêng những tuyến đường trong nội đô tính đến năm 2030 phải cần đến trên 70.000 tỷ mới giải quyết nhu cầu cơ bản để hạn chế việc ách tắc giao thông. Trong khi đó, vừa thực hiện mạng lưới giao thông cho hoàn chỉnh nhưng vừa phải phát triển, phân bố dân cư. Tuy nhiên, quy hoạch trong nội đô hiện nay gia tăng vượt quá mức trong kế hoạch dự định". - Ông Nghiêm phân tích.
Ở một góc độ khác, ông Phạm Hoài Chung - Giám đốc Trung tâm giao thông đô thị và nông thôn, Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông Vận tải cũng cho rằng: “Ùn tắc giao thông chính là thủ phạm thiệt hại hơn 1 triệu giờ lao động/năm và thiệt hại do ùn tắc giao thông đối với Hà Nội tính toán được dao động từ 1-1,2 tỷ USD/năm”. Cùng đó, "về mặt xã hội, sức khỏe người dân đô thị đang bị ảnh hưởng vì chỉ số ô nhiễm không khí gấp hơn 5 lần so với quy định, nồng độ bụi pm2.5 đang gấp khoảng 3 lần. Theo đó, môi trường đầu tư và các vấn đề phát triển xã hội khác cũng bị ảnh hưởng".
Theo ông, muốn giải quyết triệt để vấn đề này chỉ bằng cách: Giảm phương tiện giao thông cá nhân đi bằng phương tiện giao thông công cộng, đồng thời làm thêm đường, tăng quỹ đất phù hợp cho giao thông là việc làm khẩn thiết ở vùng đô thị…
Trước đó, hồi tháng 3/2018, Hà Nội cũng đã từng đặt quyết tâm không để ùn tắc giao thông kéo dài quá 30 phút với hàng loạt các giải pháp cụ thể như: đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình giao thông trọng điểm, cấp bách; tăng cường quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng giao thông, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào quản lý, điều hành giao thông và tổ chức giao thông khoa học, hợp lý; đồng thời tiếp tục triển khai dịch vụ đỗ xe thông minh ở 4 quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa…
Tuy nhiên, đến thời điểm này, các giải pháp trên vẫn chưa được triển khai rốt ráo và người dân Thủ đô nói riêng, người dân cả nước và du khách nói chung khi đến với Hà Nội vẫn phải “sống chung” với cảnh tắc đường bất kể sáng, trưa, chiều tối.