UBND TP Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch trên kênh CNN, các kênh truyền thông quốc tế, trang website và trên các nền tảng mạng xã hội.
>>Du lịch phục hồi
UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch về hội nhập quốc tế thành phố Hà Nội năm 2023. Theo đó, thành phố đặt trọng tâm phát triển du lịch bền vững, cơ cấu lại ngành du lịch cả về hạ tầng du lịch, môi trường du lịch, doanh nghiệp du lịch và sản phẩm du lịch để khai thác có hiệu quả các giá trị vật thể và phi vật thể nhằm phát triển du lịch Thủ đô thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Thông điệp xuyên suốt "Hà Nội - Đến để yêu" và "Hà Nội - Điểm đến du lịch an toàn, hấp dẫn"
Thành phố Hà Nội sẽ đẩy mạnh hoạt động truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch, như tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch, các điểm đến, các sản phẩm du lịch mới của Thủ đô trên các kênh CNN quốc tế, các kênh truyền thông quốc tế, trang website, các nền tảng mạng xã hội (Youtube, Facebook…) và các hình thức tuyên truyền quảng bá phù hợp để tạo sức lan tỏa lớn và thu hút khách đến Hà Nội với thông điệp xuyên suốt "Hà Nội - Đến để yêu" và "Hà Nội - Điểm đến du lịch an toàn, hấp dẫn".
Bên cạnh đó, phối hợp với các đại sứ quán, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tham gia, tổ chức các chương trình xúc tiến, quảng bá sản phẩm tại các thị trường trọng điểm; thực hiện tích cực các chương trình quảng bá du lịch đối ứng…
Theo Sở Du lịch Hà Nội, năm 2023, Hà Nội phấn đấu đón khoảng 22 triệu lượt khách, tăng 17,6% so với năm 2022; trong đó có 3 triệu lượt khách quốc tế (có 2,1 triệu khách quốc tế có lưu trú), tăng 100% so với năm 2022 và 19 triệu lượt khách nội địa, tăng 10,5% so với năm 2022. Tổng thu từ khách du lịch năm 2023 đạt khoảng 77 nghìn tỷ đồng, tăng 28,2% so với năm 2022. Công suất sử dụng phòng trung bình của cơ sở lưu trú, khách sạn đạt 45%, tăng 5 điểm % so năm 2022.
Để đạt mục tiêu này, Hà Nội tập trung triển khai kế hoạch nâng cấp chất lượng sản phẩm du lịch, điểm đến du lịch gắn với di sản - di tích, làng nghề tại các quận, huyện, thị xã; chú trọng nâng cấp, phát triển sản phẩm du lịch tại 4 tuyến chính từ trung tâm TP đến làng nghề gốm sứ Bát Tràng (Gia Lâm), Hương Sơn (Mỹ Đức), Thạch Thất - Quốc Oai và Sơn Tây - Ba Vì.
Cùng với đó, Thủ đô sẽ đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch đêm như làm mới các hoạt động tại không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận; triển khai tuyến đi bộ xung quanh hào Thành cổ Sơn Tây; tuyến phố đi bộ tại khu đô thị Nam vành đai 3, quận Hoàng Mai; không gian đi bộ khu vực hồ Thiền Quang - công viên Thống Nhất, quận Hai Bà Trưng… Phối hợp với các DN lữ hành, các điểm đến du lịch, đặc biệt là các điểm đến di tích, di sản xây dựng các sản phẩm du lịch đêm, du lịch trải nghiệm trên nền tảng khai thác các giá trị truyền thống.
Đẩy mạnh triển khai các loại hình du lịch mới
Bên cạnh đó, Sở Du lịch Hà Nội đẩy mạnh triển khai các loại hình du lịch mới như: Du lịch thể thao mạo hiểm, du lịch trải nghiệm, du lịch sông Hồng, du lịch bay trực thăng, bay khinh khí cầu, du lịch ứng dụng thực tế ảo... Thúc đẩy phát triển du lịch MICE tại các địa điểm có lợi thế về du lịch nghỉ dưỡng, du lịch golf gắn với việc tổ chức, đăng cai các sự kiện văn hóa, thể thao, chính trị, xã hội, các chương trình lễ hội lớn của quốc gia và quốc tế; Triển khai một số mô hình thí điểm phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2022 - 2025.
Trong năm 2023, thành phố Hà Nội tiếp tục khai thác lợi thế, khắc phục các hạn chế, khó khăn nhằm tận dụng cơ hội và giảm thiểu thách thức, tác động tiêu cực trong quá trình hội nhập quốc tế, phấn đấu đưa nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững ngang tầm với thủ đô và thành phố lớn của các nước phát triển trong khu vực, đẩy mạnh và nâng cao vị thế của Thủ đô Hà Nội.
Thành phố đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình hội nhập và triển khai các cam kết về hội nhập kinh tế quốc tế, kịp thời lắng nghe ý kiến và phản hồi của các doanh nghiệp về các vấn đề chính sách, vướng mắc trong hội nhập kinh tế quốc tế và trong quá trình đàm phán, thực thi các Hiệp định thương mại tự do (FTA).
Bên cạnh đó, thành phố đổi mới, nâng cao hiệu quả các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch tạo điều kiện cho các doanh nghiệp giới thiệu, quảng bá sản phẩm và tìm kiếm đối tác đẩy mạnh cơ hội hợp tác, xuất khẩu; hỗ trợ doanh nghiệp về thông tin thị trường, về đăng ký, bảo hộ và phát triển thương hiệu, về áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế; tập trung kêu gọi đầu tư các dự án có quy mô lớn, tạo giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường. Có cơ chế, chính sách để khuyến khích thu hút các tập đoàn đa quốc gia đặt trụ sở, phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển trên địa bàn Thủ đô.
Có thể bạn quan tâm
04:00, 07/01/2023
03:00, 05/01/2023
23:00, 04/12/2022
12:05, 26/11/2022