Ô nhiễm không khí diễn ra liên tục nhiều năm, nhiều tháng và tiếp tục tái diễn nhưng chưa được cải thiện do thiếu công cụ quản lý hiệu quả.
Hơn một tuần vừa qua, hầu hết các điểm quan trắc ở Hà Nội đo được mức chỉ số chất lượng không khí AQI ở ngưỡng tím. Đây là ngưỡng rất có hại cho sức khỏe mọi người.
Số liệu trích dẫn trong báo cáo về chất lượng không khí tại một số đô thị lớn trong nước 2 tháng đầu năm 2020 của Tổng cục Môi trường cho thấy, tại Hà Nội từ ngày 1-20/2 có 11 ngày vượt giới hạn cho phép tại QCVN 05:2013/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí xung quanh (viết tắt là QCVN).
Cụ thể, trong khoảng thời gian gần đây (từ ngày 14/2/2020 đến 21/2/2020), kết quả quan trắc cho thấy, giá trị thông số PM2.5 có xu hướng liên tục tăng, đặc biệt trong ngày 20/2 và 21/2 giá trị PM2.5 rất cao. Giá trị trung bình 24h thông số PM2.5 ngày 20/2 vượt quá gần 3 lần giới hạn cho phép tại QCVN.
Kết quả tính toán chỉ số AQI ngày tại các trạm tại Hà Nội từ 1/1/2020 đến 18/2/2020 cho thấy, có khoảng 50% số ngày có chất lượng không khí ở mức kém đến rất xấu (AQI>100), riêng ngày 13/01 là ngày chất lượng không khí kém nhất trong khoảng thời gian nêu trên (mức rất xấu ở đa số các trạm).
Kết quả tính toán AQI giờ trong thời gian gần đây (từ ngày 18/02/2020 đến 21/02/2020) cho thấy, chất lượng không khí đang có xu hướng bị suy giảm, trong ngày 20/02 và 21/02, chỉ số AQI giờ ở mức rất xấu (AQI >200) ở nhiều trạm. Đặc biệt tại trạm Mỹ Đình, chất lượng không khí đã ở mức nguy hại vào 2h sáng ngày 21/02.
Có thể bạn quan tâm
01:00, 23/02/2020
09:16, 22/02/2020
21:34, 08/10/2019
12:00, 25/12/2019
05:03, 19/12/2019
03:25, 18/12/2019
14:48, 16/12/2019
00:00, 16/12/2019
16:00, 14/12/2019
11:00, 13/12/2019
Trao đổi với Tiền Phong, TS. Hoàng Dương Tùng cho biết, đợt ô nhiễm xảy ra đúng vào thời điểm trẻ em vẫn đang nghỉ học, lượng người tham gia giao thông không tăng đột biến cho thấy nguồn ô nhiễm từ các cơ sở sản xuất, các làng tái chế xung quanh Hà Nội rất đáng lo ngại. Các điểm ô nhiễm đột biến lên ngưỡng nâu có thể gần nơi đang có hoạt động đốt ngoài trời.
Ô nhiễm không khí được cảnh báo nhiều năm nay ở Việt Nam, nhất là trong thời gian gần đây nhưng tình hình chưa được cải thiện. Một trong những nguyên nhân là công cụ chính sách chưa đầy đủ, chưa phát huy được hiệu quả.
Luật Bảo vệ Môi trường hiện tại (đã qua 3 lần sửa đổi) nhưng còn chung chung với các nguồn ô nhiễm khác nhau, chưa đi sâu và cụ thể vào quản lý ô nhiễm không khí, thiếu công cụ quản lý hiệu quả và phân tán trách nhiệm đối với các nguồn khí thải, mức xử phạt không đủ tính răn đe.
Ngay một số điều đã được nêu rõ trong luật nhưng thực thi không tốt như quy định về kiểm kê khí thải, đăng ký các nguồn thải khí. Cho đến nay vẫn không biết được có bao nhiêu cơ sở sản xuất phát thải khí thải, vẫn chưa có văn bản dưới luật quy định phương pháp kiểm kê khí thải.
Do đó các địa phương chưa thực hiện kiểm kê khí thải, vẫn không biết những nguồn ô nhiễm nào là chính để có các chính sách kiểm soát cần thiết. Đầu tư về nguồn lực tài chính và con người cho hệ thống quan trắc không khí, quản lý chất lượng không khí, xử lý ô nhiễm không khí là rất hạn hẹp.
Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách Tài nguyên và Môi trường cho biết, Việt Nam đang thiếu những định hướng cụ thể cho giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí. Hiện nay, công cụ giám sát, kiểm soát khí thải giao thông, đặc biệt với phương tiện cũ, khí thải từ làng nghề, cụm công nghiệp chưa được kiểm soát chặt.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang dự thảo Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi. Tuy nhiên, theo TS. Tùng, dự thảo cũng chưa có những bước đột phá để giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí. Nhiều vấn đề chưa được làm rõ, ví dụ kiểm soát khí thải đối với các cơ sở sản xuất trong làng nghề thế nào? Với các nguồn ô nhiễm nhỏ, chưa đến mức phải yêu cầu lắp quan trắc tự động thì quản lý như nào? Tại sao tiêu chuẩn phát thải, khí thải các phương tiện giao thông lại do Bộ Giao thông Vận tải phụ trách? Các mức xử phạt đối với các nguồn ô nhiễm không khí có đủ tính răn đe hay chưa.
“Nếu chúng ta không tạo ra được đột phá trong dự thảo luật lần này thì vấn đề ô nhiễm không khí sẽ không thể có bước cải tiến thực sự”, ông Tùng nói.