Hà Nội sẽ cải tạo 10 khu chung cư cũ

PHƯƠNG UYÊN 25/09/2021 21:54

Sở Xây dựng Hà Nội đang nghiên cứu lập kế hoạch cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ. Trong đó, giai đoạn 2021-2025 dự kiến cải tạo, xây dựng lại 10 khu chung cư cũ.

Trong giai đoạn 2021-2025, Hà Nội dự kiến lựa chọn triển khai 10 khu chung cư cũ, trong đó 6 khu có tính khả thi cao là: Kim Liên, Trung Tự, Khương Thượng, Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam, Nghĩa Tân, và 4 khu có nhà nguy hiểm cấp D (Giảng Võ, Thành Công, Ngọc Khánh, tập thể Bộ Tư pháp - quận Ba Đình).

Kế hoạch cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ đang được Sở Xây dựng nghiên cứu, dự kiến hoàn thành trước ngày 15-12 (Ảnh: LV)

Kế hoạch cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ đang được Sở Xây dựng nghiên cứu, dự kiến hoàn thành trước ngày 15-12 (Ảnh: LV)

Đồng thời, thành phố đôn đốc 14 dự án cải tạo xây dựng lại nhà chung cư đang triển khai; rà soát bổ sung nhà chung cư đơn lẻ nguy hiểm cấp D (phát sinh trong quá trình kiểm định); xem xét, triển khai dự án quy gom tái định cư các chung cư cũ đơn lẻ trên địa bàn quận Hoàn Kiếm.

Kế hoạch cũng sẽ xác định tiến độ chuẩn bị đầu tư, tiến độ khởi công, thời hạn hoàn thành của từng dự án. Cụ thể, với chung cư cũ dự kiến cải tạo, xây dựng lại trong giai đoạn 2021-2025, sẽ hoàn thành kiểm định và lập quy hoạch chi tiết xong trong quý II hoặc quý III-2022, lựa chọn nhà đầu tư trong quý IV-2022, khởi công trong quý I và quý II-2023, thời hạn hoàn thành khoảng 2-3 năm. Với các chung cư cũ còn lại sẽ triển khai theo kế hoạch trong những năm tiếp theo.

Với các dự án nằm trong danh mục 14 dự án đang triển khai, đủ điều kiện tiếp tục thì đẩy nhanh tiến độ để khởi công trong năm 2021 và 2022.

Thực tế cho thấy, công tác cải tạo chung cư cũ là chính sách đã được Đảng và Nhà nước quan tâm nhiều thập kỷ qua, tuy nhiên xuất phát từ một số nguyên nhân cả chủ quan và khách quan đã dẫn đến việc triển khai còn ì ạch kéo dài.

Nhà E6 khu tập thể Thành Công, sau 8 năm kiến nghị thì mới được xác định mức nguy hiểm cấp C để được gia cố chống đỡ. Ảnh: Lê Sáng

Nhà E6 khu tập thể Thành Công, sau 8 năm kiến nghị thì mới được xác định mức nguy hiểm cấp C để được gia cố chống đỡ. Ảnh: Lê Sáng

Theo TS. Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, việc sau cả 2 thập kỷ Hà Nội mới cải tạo được 1% nhà chung cư cũ đang đặt ra bài toán cần có cơ chế chính sách đặc thù cho Thủ đô để tạo ra sự hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và chủ đầu tư, trong đó tiếp cận ở góc độ quy hoạch cần có sự tập trung vào một số điểm như sau:

Thứ nhất, quy hoạch cải tạo, tái thiết chung cư cũ phải được lập quy hoạch cho toàn khu, xác định rõ phạm vi nghiên cứu và phạm vi lập quy hoạch.

Thứ hai, quy hoạch cải tạo khu chung cư cũ phải tuân thủ quy hoạch của Thành phố (quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch ngành, với các tiêu chí chính là: Dân số, không gian và hệ số sử dụng đất), cấu trúc khu chung cư sau cải tạo không nhất thiết phải là mô hình đơn vị ở phổ biến mà có thể là khu đô thị đa chức năng. Việc điều chỉnh quy hoạch cần xem xét vị trí đặc thù.

Thứ ba, thành phố tổ chức xây dựng nhiệm vụ thiết kế, lấy ý kiến cộng đồng, tổ chức thẩm định và phê duyệt nhiệm vụ thiết kế. Để có nhiệm vụ thiết kế phù hợp cần phân loại các khu chung cư hiện nay, căn cứ diện tích, vị trí, lợi thế, quy mô dân số để xác định các chỉ tiêu kỹ thuật đặc thù.

Thứ tư, xã hội hoá việc lập quy hoạch chi tiết và dự án thông qua lựa chọn chủ đầu tư hoặc đấu thầu. Thí điểm mô hình "doanh nghiệp cộng đồng" với sự tham gia của Nhà nước và doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, doanh nghiệp về xây dựng.

Thứ năm, các đồ án quy hoạch chi tiết đã lập cần công bố công khai, lấy ý kiến của cộng đồng dân cư khu vực quy hoạch và ý kiến rộng rãi của các cơ quan, đơn vị tổ chức. Từ đó thẩm định phê duyệt có tính đến cân đối, hài hoà lợi ích của nhà đầu tư, Nhà nước và cộng đồng không chỉ trong khu vực lập quy hoạch mà có thể cân đối trong phạm vi toàn thành phố.

Trao đổi với DĐDN, PGS.TS Vũ Thị Minh - Tổng Thư ký Hội Khoa học Kinh tế Hà Nội cho rằng, Nghị định 69/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/9/2021 về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư đang được dư luận hy vọng là "liều thuốc" hiệu nghiệm đẩy nhanh tiến độ cải tạo các chung cư cũ. Tuy nhiên vấn đề quan trọng hơn đặt ra là triển khai ra sao? Vận dụng và có những hướng dẫn cụ thể thế nào để doanh nghiệp nhìn thấy lợi ích mà bỏ vốn đầu tư, người dân đồng thuận về nơi ở mới khang trang hơn, thoải mái hơn, còn nhà nước đạt được mục tiêu phát triển các thành phố, các đô thị tiên tiến và hiện đại.

Cũng theo PGS.TS Vũ Thị Minh, TP cần tiếp tục kiểm định, đánh giá, thu thập và xây dựng các thông số về hiện trạng toàn bộ các khu chung cư cũ trên địa bàn để chuẩn bị cho việc triển khai nhân rộng mô hình thí điểm sau khi thực hiện thành công là cần thiết.

Có thể bạn quan tâm

  • Hỗ trợ dự án mất cân đối tài chính trong cải tạo chung cư cũ

    Hỗ trợ dự án mất cân đối tài chính trong cải tạo chung cư cũ

    01:00, 11/09/2021

  • Hà Nội chi 500 tỷ kiểm định toàn bộ chung cư cũ: Có cần thiết?

    Hà Nội chi 500 tỷ kiểm định toàn bộ chung cư cũ: Có cần thiết?

    12:07, 08/09/2021

  • Hải Phòng chi hơn 2.700 tỷ đồng cải tạo chung cư cũ Vạn Mỹ

    Hải Phòng chi hơn 2.700 tỷ đồng cải tạo chung cư cũ Vạn Mỹ

    03:00, 02/09/2021

  • [eMagazine] “Liều thuốc mới” đẩy nhanh tiến độ cải tạo chung cư cũ

    [eMagazine] “Liều thuốc mới” đẩy nhanh tiến độ cải tạo chung cư cũ

    05:30, 30/08/2021

  • Ai là nhà đầu tư được giao xây mới chung cư cũ ở Kinh thành Huế?

    Ai là nhà đầu tư được giao xây mới chung cư cũ ở Kinh thành Huế?

    03:00, 19/08/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Hà Nội sẽ cải tạo 10 khu chung cư cũ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO