Nhà máy chế biến dừng hoạt động vì thiếu nguyên liệu sản xuất, trong khi người nuôi thỏ lại loay hoay tìm đầu ra. Đó là nghịch lý đang tồn tại nhiều năm nay tại xã Sơn Trường (Hương Sơn, Hà Tĩnh).
Năm 2015, UBND tỉnh Hà Tĩnh chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Phát triển chăn nuôi thỏ - chế biến sản phẩm từ thỏ theo chuỗi giá trị thị trường ổn định tại xã Sơn Trường, huyện Hương Sơn, do công ty CP thương mại sản xuất thực phẩm Hà Nội làm chủ đầu tư.
Dự án có tổng mức đầu tư 6 tỷ đồng bao gồm hỗ trợ mua con giống, chuyển giao các kỹ thuật nuôi, xây dựng cơ sở vật chất… Trong đó, nhà máy chế biến thịt thỏ có diện tích 11.400m2, công suất chế biến từ 400.000 – 800.000 con thỏ/năm.
Tại quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, dự án xây dựng sẽ hình thành chuỗi liên kết từ sản xuất chăn nuôi đến thị trường ổn định, bền vững. Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn đi vào hoạt động, nhà máy đã ngừng sản xuất và bỏ hoang nhiều năm nay. Khuôn viên nhà máy cây cối mọc um tùm, trở thành nơi chăn thả trâu bò cho người dân xung quanh. Bên trong hệ thống dây chuyền sản xuất, máy móc không hoạt động, chỉ còn vài hộp sản phẩm còn tồn đọng từ trước. Toàn bộ nhà máy được giao cho một người dân sống gần nhà máy trông coi.
Theo tìm hiểu, nhà máy dừng hoạt động vì không có nguồn nguyên liệu để sản xuất. Bà Nguyễn Thị Mai, người trông coi nhà máy cho biết: “Nhà máy chỉ chế biến thịt từ thỏ lai, nhưng người dân chỉ trồng thỏ cỏ nên nguồn nguyên liệu tại chỗ không có. Để đảm bảo sản xuất, nhà máy buộc phải nhập nguyên liệu từ các tỉnh khác với chi phí cao khiến giá thành sản phẩm cũng cao hơn”.
Được biết, Nhà máy chế biến thịt thỏ được xây dựng sau khi ban điều phối dự án phát triển nông thôn bền vững vì người nghèo Hà Tĩnh (gọi tắt là SRDP) triển khai mô hình nuôi thỏ Newzland tại huyện Hương Sơn, Vũ Quang theo hình thức liên kết với doanh nghiệp. Thời điểm đó, vùng nguyên liệu để phục vụ nhà máy rất lớn với khoảng 12.000 con giống được thả nuôi tại 1.100 hộ trên địa bàn toàn tỉnh.
Tuy nhiên, sau một thời gian thả nuôi thì giống thỏ ngoại này có sức đề kháng kém, dịch bệnh nhiều, không thích hợp với vùng đất ở Hương Sơn, Vũ Quang. Người dân dần bỏ cuộc sau lứa nuôi đầu tiên và chỉ tập trung nuôi thỏ cỏ. Thế nhưng giống thỏ cỏ này nhà máy lại không thu mua. Thiếu nguyên liệu, dây chuyền sản xuất xúc xích vừa đầu tư cũng đành “đắp chiếu”.
Ông Lê Đức Thuận, Chủ tịch UBND xã Sơn Trường cho biết: “Nhà máy đã dừng sản xuất từ lâu, người dân cũng có ý kiến về vấn đề này. Đặc biệt, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, nhà máy đã gây ảnh hưởng đến môi trường, bởi không có người chăm sóc, sẽ khiến khu vực nhà máy trở nên nhếc nhác. Địa phương mong muốn nhà máy có thể chuyển đổi sản xuất sang lĩnh vực khác hoặc thay đổi hình thức phù hợp hơn”.
Doanh nghiệp chỉ thu mua thỏ ngoại trong khi người dân chỉ nuôi thỏ cỏ khiến nghịch lý nhà máy bỏ hoang còn người dân vẫn phải loay hoay tìm đầu ra. Vì vậy, dù có tiềm năng phát triển nghề nuôi thỏ nhưng người dân không dám đầu tư, mở rộng quy mô. Việc doanh nghiệp cần thay đổi nguyên liệu sản xuất hay người dân thay đổi giống nuôi đang là bài toán khó cần được tính toán kỹ để doanh nghiệp và người dân đều không phải gánh chịu thua thiệt.
Có thể bạn quan tâm