Theo báo cáo của UBND tỉnh, 6 tháng đầu năm 2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn Hà Tĩnh chỉ đạt 0,1%. Nguyên nhân nào khiến GRDP của Hà Tĩnh thấp nhất so với các tỉnh Bắc Trung Bộ?
Công nghiệp tăng chậm, thương mại dịch vụ giảm mạnh
Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã đưa tin, báo cáo của UBND tỉnh cho thấy 6 tháng đầu năm 2020, GRDP Hà Tĩnh ước đạt 0,1%, trong đó khu vực nông nghiệp tăng 1,5%, công nghiệp - xây dựng tăng 2,6%; khu vực dịch vụ giảm 3,6%.
Tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa XVII, trả lời nguyên nhân khiến tốc độ tăng trưởng chậm, ông Trần Tú Anh, Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư Hà Tĩnh cho rằng nguyên nhân chính là do ngành công nghiệp tăng thấp và khu vực thương mại, dịch vụ giảm mạnh.
Theo vị “tư lệnh” ngành này thì những năm qua kinh tế Hà Tĩnh tăng trưởng cao, năm 2018 tăng trưởng kinh tế đạt mức 20,65%, năm 2019 đạt gần 10% những kết quả đó tạo kỳ vọng cho năm 2020 Hà Tĩnh sẽ có đà tăng trưởng kinh tế cao. Nhờ sự đóng góp từ khu vực sản xuất công nghiệp, thương mại dịch vụ và các dự án lớn.
Tuy nhiên, năm 2020 Hà Tĩnh phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, đặc biệt dịch Covid-19 tác động sâu rộng trực tiếp đến kết quả thực hiện các chỉ tiêu kinh tế 6 tháng đầu năm 2020. Tốc độ tăng trưởng ước đạt 0,1%, thấp nhất so với các tỉnh trong khu vực Bắc Trung Bộ.
Cũng theo vị Giám đốc Sở, trong 6 tháng đầu năm 2020, ngành công nghiệp đóng góp 0,7 điểm phần trăm trong tăng trưởng chung; xây dựng góp 0,4 điểm phần trăm; khu vực thương mại, dịch vụ giảm 1,21 điểm phần trăm; khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản ước tính đóng góp 0,23 điểm phần trăm.
“Những năm qua, kinh tế Hà Tĩnh tăng trưởng cao nhờ hoạt động sản xuất công nghiệp, trong đó chủ yếu là thép của Công ty Formosa (FHS) và bia Sài Gòn. Trong khi đó, GRDP của Công ty Fomosa 6 tháng đầu năm 2020 giảm 102 tỷ so với cùng kỳ 2019, trong khi 6 tháng 2019 tăng 33,7% so với cùng kỳ năm 2018.”, ông Tú Anh thông tin.
Lý giải tốc độ tăng trưởng Hà Tĩnh đạt thấp nhất so với các tỉnh Bắc Trung Bộ, ông Tú Anh cho rằng có sự chênh lệch này là do quy mô các tỉnh khác nhau. Đối với các tỉnh có quy mô nhỏ thì với bất kỳ tác động nào cũng có thể làm thay đổi chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng. Ngoài ra, khi thực hiện giãn cách xã hội, Hà Tĩnh thuộc nhóm nguy cơ cao, buộc phải kéo dài thêm 1 tuần so với các tỉnh khác nên hoạt động sản xuất kinh doanh cũng chậm hơn.
Sau khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát, tốc độ tăng trưởng đã bắt đầu có dấu hiệu tích cực. Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp tháng 5 tăng trở lại ước tính tăng 14,4% so với tháng trước. “Một số dự án công nghiệp mới hoạt động trong năm 2020 sẽ góp phần nâng cao chỉ số tăng trưởng. Đặc biệt, các vướng mắc, điểm nghẽn về đất đai đầu tư đang tháo gỡ, một số dự án lớn như khu đô thị Hàm Nghi, Nam Cầu Phủ... đã lựa chọn nhà đầu tư. Vì vậy việc đạt tốc độ tăng trưởng 10% vào cuối năm là có cơ sở”, ông Tú Anh nhấn mạnh.
Bí thư Tỉnh ủy phản ứng trước thời gian thực hiện dự án là 5 năm
Một số đại biểu cho rằng, trên địa bàn tỉnh hiện có nhiều dự án đầu tư công và xã hội hóa đã được đồng ý chủ trương nhưng chậm hoặc không triển khai thực hiện; một số đã quá thời hạn cam kết đầu tư được UBND tỉnh gia hạn nhiều lần nhưng vẫn chậm triển khai.
Trả lời vấn đề này, ông Trần Tú Anh cho rằng quá trình thực hiện một dự án rất nhiều bước, thời gian thực hiện đối với một dự án phải mất 2 – 5 năm. Điều này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố”.
Phản ứng trước thời gian thực hiện dự án quá lâu, ông Lê Đình Sơn, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng “Phải chăng dự án nhanh hay chậm phụ thuộc vào thái độ của chúng ta”.
Đối với những dự án chậm tiến độ, giải ngân chậm, ông Tú Anh cho biết, hiện có 11 dự án 12 dự án sử dụng vốn nước ngoài với tổng số vốn 701,8 tỷ đồng, nhưng mới giải ngân được 178,8 tỷ đồng; vốn chương trình MTQG xây dựng NTM mới giải ngân được 23,291 tỷ đồng. Một số dự án được giao kế hoạch vốn lớn nhưng tiến độ triển khai và giải ngân còn chậm như Dự án Hệ thống thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang, Kênh chính Linh Cảm thuộc Hệ thống thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang giai đoạn II...
Hiện vẫn còn 23 dự án với tổng số vốn còn thiếu là trên 440 tỷ đồng đã được bố trí vốn nhưng chưa triển khai và 40 dự án đã được thống nhất, phê duyệt chủ trương đầu tư nhưng chưa được bố trí vốn có 40 dự án với tổng mức đầu tư 1.330 tỷ đồng.
Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư, nguyên nhân là do nhu cầu đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn lớn, trong khi đó, nguồn lực đầu tư từ ngân sách hạn chế; quy trình thủ tục thực hiện đầu tư rườm rà; còn có sự chồng chéo giữa quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch xây dựng, quy hoạch ngành. Ngoài ra, còn vì nhiều nguyên nhân chủ quan khác như: các địa phương vào cuộc chậm, vướng giải phóng mặt bằng…
Có thể bạn quan tâm