Chú trọng phát triển dịch vụ chất lượng cao, gắn dịch vụ du lịch sinh thái với thương hiệu cây vải thiều.
>>>Hải Dương cải thiện chỉ số PCI như thế nào?
Đó là ý kiến của ông Triệu Thế Hùng - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hải Dương tại Lễ Công bố huyện Thanh Hà đạt chuẩn nông thôn mới.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hải Dương nhấn mạnh, bên cạnh chú trọng sản xuất quả vải đảm bảo chất lượng, Thanh Hà cần quan tâm phát triển dịch vụ homestay và các gói sản phẩm du lịch gắn với vùng vải.
Đồng thời, huyện Thanh Hà cần mở rộng quy mô sản xuất, khai thác hiệu quả quỹ đất để phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để thu hút nhà đầu tư có hàm lượng công nghệ cao; phát triển dịch vụ chất lượng cao, nhất là những dịch vụ du lịch sinh thái gắn với dòng sông Hương để phát triển du lịch hai bên bờ sông Hương, du lịch cộng đồng gắn với thương hiệu cây vải.
Đây cũng là định hướng phát triển du lịch chất lượng cao, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025 đang dần giúp Thanh Hà hình thành mạng lưới du lịch chuyên nghiệp.
Trước đó, năm 2021 huyện Thanh Hà đã phê duyệt đề án “Phát triển các điểm du lịch sinh thái sông Hương giai đoạn 2021-2025. Theo đó, huyện thực hiện 3 nhiệm vụ: xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch đặc thù; xây dựng và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch; xây dựng, bảo đảm môi trường góp phần phát triển du lịch bền vững.
Nhiều năm nay, khách đến tham quan vườn vải không chỉ là người địa phương mà còn có du khách ở các tỉnh, thành phố khác và cả nước ngoài. Thanh Hà chính là nơi có cây vải tổ ở thôn Thúy Lâm (xã Thanh Sơn), quả vải Thanh Hà nổi tiếng thơm ngon nên ai cũng muốn một lần về thăm, thưởng thức. Hiện nay di sản cây vải tổ được đầu tư các công trình như nhà đón tiếp khách, xây ao và kè bờ, khu vực sân.
Đến với Du lịch tham quan vười vải ở Thanh Hà, tỉnh Hải Dương, du khách sẽ được thưởng thức những chùm vải thiều thơm ngon. Vừa tham quan, du khách có thể lựa chọn những cây vải ngon để đặt mua về làm quà biếu. Những vườn vải sum suê trái ngọt giúp du khách vơi đi những căng thẳng trong công việc hằng ngày, thấy thoải mái, gần gũi với thiên nhiên hơn.
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp ông Nguyễn Minh Xô - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Hải Dương cho biết, xuống miệt vườn Thanh Xá du khách sẽ được tận mắt chứng kiến cả một cánh đồng vải thiều rộng mênh mông, xanh bạt ngàn của lá, đỏ của quả. Với diện tích hơn 3.600ha các cánh đồng vải ở Thanh Hà trải dài nối tiếp nhau hơn 20km dọc theo 2 bên bờ sông Hương. Nhờ phù sa bồi đắp từ dòng Hương này nên đất đai màu mỡ, cây vải thiều nơi đây mang hương vị đặc biệt khó nơi nào sánh kịp. Nhờ hệ thống sông ngòi dày đặc, đan xen, các vườn cây ăn quả ở Thanh Hà tạo nên một “miệt vườn” xứ Bắc. Vài năm nay, mô hình “du lịch vải thiều” thu hút rất đông du khách về với Thanh Hà, đặc biệt các du khách tỉnh bạn và khách nước ngoài.
Anh Nguyễn Văn Dũng, người dân xã Thanh Sơn chia sẻ, trước đây chúng tôi làm vải thuần thì chỉ chăm bón tốt, đúng kĩ thuật để ngày thu hoạch cho đúng tiêu chuẩn nhưng làm du lịch thì mình thêm một công việc nữa là trở thành đại sứ du lịch của địa phương. Sự mến khách, nồng hậu phải làm sao cho khách du lịch đến hài lòng trở thành một phần của vẻ đẹp mùa vải chín Thanh Hà.
Trước đó, Hải Dương đã đầu tư dự án xây dựng công trình hạ tầng du lịch sinh thái sông Hương với 3 điểm đón tiếp đã được hoàn thiện và đưa vào sử dụng với tổng kinh phí 59,9 tỷ đồng.
Huyện hướng đến liên kết, hình thành chuỗi tuyến các du lịch sinh thái; trong đó lấy tuyến Du lịch sinh thái sông Hương - Cây vải Tổ thôn Thúy Lâm, xã Thanh Sơn - khu Đồng Mẩn, xã Thanh Khê - nghệ thuật múa rối nước Thanh Hải, xã Thanh Hải là trục trung tâm...
Bên cạnh đó, huyện đã thành lập Tổ cộng tác viên hướng dẫn du lịch với 15 thành viên. Tổ có nhiệm vụ giúp UBND huyện hướng dẫn, giới thiệu, cung cấp các thông tin về văn hóa, lịch sử, địa lý cho du khách đến tham quan, trải nghiệm tại các điểm du lịch. Đây cũng là kỳ vọng của huyện vào sự đổi mới hướng dẫn du lịch sinh thái miệt vườn chuyên nghiệp hơn.
Theo ông Ngô Bá Định - Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà, bên cạnh sự vào cuộc tích cực của huyện thì một số xã còn chưa chủ động khai thác tiềm năng du lịch, có tâm lý trông chờ, ỷ lại. Vì vậy, chưa khuyến khích được nhiều người dân phát triển du lịch, chỉ có một số HTX tham gia. Bên cạnh đó, một số chính sách của Nhà nước về phát triển du lịch sinh thái chưa đồng bộ, đầu tư cho du lịch sinh thái còn thấp, chưa tạo động lực cho chính quyền, nhân dân.
Được biết, vải thiều Thanh Hà cũng là nông sản duy nhất của tỉnh Hải Dương nằm trong 39 sản phẩm của Việt Nam được bảo hộ độc quyền chỉ dẫn địa lý tại thị trường các nước EU; là sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 5 sao (cấp Quốc gia).
Vụ này Thanh Hà có 3.265ha vải; trong đó 1.700ha vải sớm. Chất lượng vải thiều không ngừng được nâng cao. Toàn huyện có khoảng 500ha vải đã được công nhận đạt tiêu chuẩn GAP; trong đó có 400ha VietGAP và 50ha GlobalGAP còn hiệu lực.
Năm 2023, dự kiến tiếp tục sản xuất và chứng nhận đạt chuẩn GAP khoảng 200ha. Hiện Hải Dương đã có 21 mã số cơ sở đóng gói vải thiều xuất khẩu sang Trung Quốc, Hoa Kỳ, Australia, Newzeland, Nhật Bản và Thái Lan. Ước tính sản lượng năm nay đạt khoảng 40.000 tấn, trong đó trà vải sớm khoảng 25 nghìn tấn, vải chính vụ 15 nghìn tấn, tương đương với sản lượng vải niên vụ 2021-2022…
Có thể bạn quan tâm