Theo báo cáo tỷ lệ chỉ số chi phí không chính thức của các doanh nghiệp của Hải Dương đã giảm xuống còn 41,4%. Đây là một trong những điểm sáng nổi bật trong báo cáo PCI cấp tỉnh năm 2021.
>>>Điểm năng động của chính quyền Hải Dương thay đổi rất ấn tượng
>>>Hải Dương: Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư
Điểm sáng…
Được biết nhờ các nỗ lực chống tham nhũng của Chính phủ, tình trạng nhũng nhiễu doanh nghiệp đã giảm đáng kể. Số liệu từ điều tra PCI 2021 một lần nữa khẳng định tính vững chắc của các thành quả này trên nhiều lĩnh vực.. Đặc biệt chỉ số này của tỉnh Hải Dương đạt 7,24 điểm, cao nhất kể từ năm 2012. Chỉ trong 1 năm, Hải Dương từ vị trí thứ 47, tăng tốc 34 bậc, vươn lên vị trí số 13 trên Bảng xếp hạng Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2021.
Những con số trên cho thấy nỗ lực của các tỉnh, thành phố trên cả nước nói chung, Hải Dương nói riêng trong việc thúc đẩy cải cách, tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp. Nỗ lực cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh của Hải Dương được ghi nhận khi trong 10 chỉ số thành phần, thì địa phương này có đến 8 chỉ số tăng điểm. Trong đó, có 2 chỉ số tăng điểm mạnh và đứng đầu cả nước.
Đó là chỉ số Tính năng động của chính quyền (đạt 8,24 điểm, tăng 3,15 điểm); Chỉ số Cạnh tranh bình đẳng đạt 8,38 điểm, tăng 3,25 điểm). Theo khảo sát, doanh nghiệp ở cả 2 khối đều đánh giá rất cao (khối tư nhân đạt 87,9 điểm - đứng thứ 6; khối FDI là 85,7 điểm - đứng thư 4 cả nước), khoảng cách điểm số giữa 2 khối chỉ là 2,2 điểm - mức rất thấp. Bên cạnh đó, nhiều chỉ số khó cải thiện như tiếp cận đất đai, tính minh bạch, chi phí thời gian, chi phí không chính thức… cũng đều ghi nhận sự tăng điểm.
Ông Triệu Thế Hùng - Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, đây được xem là kết quả rất tích cực, cho thấy nỗ lực và quyết tâm của tỉnh trong việc cải thiện môi trường đầu tư của toàn tỉnh. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đã tác động mạnh đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, thì sự đồng hành, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp của chính quyền tỉnh đã được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao.
“Căn cứ vào tình hình thực tiễn, công tác chống dịch của Hải Dương trong năm 2021 đã có những điều chỉnh phù hợp, tháo gỡ vướng mắc để doanh nghiệp ổn định hoạt động sản xuất. Trong đó, với việc sớm phủ vaccine, tại Hải Dương, không doanh nghiệp nào phải đóng cửa, dừng sản xuất trong đợt dịch bùng phát lần thứ tư. Nhờ đó, thu ngân sách tỉnh năm 2021 đạt trên 21.000 tỷ đồng, vượt 7.000 tỷ đồng so với kế hoạch năm đề ra. Tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm 2021 đột phá lên 2 con số và đưa tăng trưởng cả năm 2021 lên 8,6%”, ông Hùng chia sẻ.
Minh bạch…
Theo báo cáo PCI năm 2021, trung bình cứ 10 doanh nghiệp thì 6 doanh nghiệp phải trả chi phí không chính thức trong hoạt động thanh tra xây dựng, cấp giấy phép kinh doanh có điều kiện. Nhìn chung trên cả nước chi phí không chính thức của các doanh nghiệp tuy đã giảm song vẫn còn những hạn chế. Vẫn còn đó hiện tượng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp.
Theo số liệu trong báo cáo PCI cũng xác nhận xu hướng các doanh nghiệp không phải mất nhiều thời gian như trước cho việc tuân thủ các thủ tục, quy định. Chi phí không chính thức là loại chi phí phát sinh khi doanh nghiệp giao dịch với cơ quan nhà nước để thực hiện quy định pháp luật trong quá trình hoạt động kinh doanh.
Chi phí này có thể tính bằng tiền hoặc dưới dạng tiêu tốn thời gian do bị gây khó khăn, làm tăng gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp mà lẽ ra không đáng có. Chi phí không chính thức có thể khiến doanh nghiệp hủy bỏ những quyết định đầu tư, mở rộng quy mô, làm giảm hiệu quả trong thu hút đầu tư của các địa phương.
Cơ quan quản lý nhà nước gây phiền hà, khó khăn khiến doanh nghiệp phải “bôi” thì công việc mới “trơn. Đó là một mặt, mặt còn lại là chi phí không chính thức do chính doanh nghiệp “tự nguyện” chi trả. Như vụ việc Công ty Việt Á “chi” tiền hoa hồng hàng trăm tỷ đồng trong đại án “thổi giá” kit test gây bức xúc dư luận thời gian qua. Ngoài Việt Á, chắc chắn sẽ còn những doanh nghiệp cũng "rải tiền" như vậy nhưng chưa bị phát hiện.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Hải Dương: Với phương châm “chính quyền phục vụ nhân dân, đồng hành cùng doanh nghiệp”, môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh Hải Dương đã có nhiều chuyển biến tích cực thời gian qua. Tuy nhiên thẳng thắn nhìn nhận, vẫn còn đó một số hạn chế cần sớm khắc phục.
Để nâng cao hơn nữa tính minh bạch trong môi trường đầu tư kinh doanh, loại bỏ chi phí không chính thức, tỉnh cần xây dựng, triển khai có hiệu quả nhiều kênh độc lập để người dân, doanh nghiệp tương tác, phản ánh những vướng mắc trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính. Đẩy mạnh hơn nữa số hóa trong phục vụ người dân, doanh nghiệp. Nghiên cứu, xây dựng lộ trình sớm triển khai đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện, sở, ngành (DDCI) nhằm đo lường chất lượng quản lý, điều hành kinh tế của các cơ quan chính quyền cấp huyện và sở, ngành.
Để loại bỏ tình trạng chi phí “bôi trơn” của doanh nghiệp, cái gốc ở đây là công tác quản lý cán bộ. Chỉ khi xóa sổ những loại chi phí nêu trên, môi trường đầu tư kinh doanh mới thực sự minh bạch, công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực mới thực sự hiệu quả.
Có thể bạn quan tâm