Đối với những bến bãi tồn tại không phù hợp với mục tiêu phát triển của địa phương cần kiên quyết xử lý, giải tỏa.
Đó là ý kiến chỉ đạo của ông Lưu Văn Bản - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hải Dương tại phiên họp thường kỳ UBND tỉnh Hải Dương tháng 8 (lần 5), về tiến độ thực hiện dừng, chấm dứt hoạt động và giải tỏa bến bãi trong 6 tháng đầu năm.
PCT Thường trực UBND tỉnh yêu cầu phải phân loại, xử lý bến bãi vi phạm trên địa bàn tỉnh phải thực hiện thống nhất theo nguyên tắc chung. Từ đó, nâng cao vai trò quản lý nhà nước đối với hoạt động bến bãi, bảo đảm quy định của pháp luật, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội. Các bến bãi phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Theo ông Lương Văn Cảnh - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương cho biết, kết quả bến bãi dừng, chấm dứt hoạt động, xử lý vi phạm tồn tại đạt tỷ lệ chưa cao.
Theo đó, hiện các huyện, thị xã, thành phố đã giải tỏa 33 bến bãi không phù hợp quy hoạch. Bên cạnh đó vẫn còn 60 bến bãi không phù hợp quy hoạch vẫn chưa chấm dứt hoạt động (nhiều nhất là Kinh Môn với hơn 30 bến bãi, Tứ Kỳ 10 bến bãi, Ninh Giang 8 bến bãi); còn 7 bến bãi không phù hợp quy hoạch nhưng có thủ tục pháp lý chưa dừng, chưa thực hiện thu hồi thủ tục liên quan.
Đồng thời, còn 158 bến bãi phù hợp quy hoạch, chưa đủ thủ tục pháp lý vẫn hoạt động. Các bến bãi hoạt động vi phạm chất tải vật liệu khối lượng lớn, chưa giải tỏa trong mùa lũ năm 2024 tập trung tại địa bàn thị xã Kinh Môn, huyện Kim Thành, thành phố Hải Dương.
Các bến bãi còn tồn tại vi phạm chủ yếu, gồm 131 trường hợp vi phạm lĩnh vực đầu tư, 152 trường hợp tồn tại vi phạm lĩnh vực đất đai, 112 trường hợp tồn tại vi phạm lĩnh vực môi trường, 306 trường hợp tồn tại vi phạm lĩnh vực đê điều, thủy lợi, 192 trường hợp vi phạm lĩnh vực giao thông, 5/10 bến bãi tồn tại vi phạm lĩnh vực khác.
Được biết, sau khi tiếp nhận ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, UBND thị xã Kinh Môn ra văn bản yêu cầu các tổ chức, cá nhân kinh doanh bến bãi ngoài đê, ven sông di chuyển, giải toả ngay toàn bộ thiết bị, vật liệu, nguyên liệu, nhiên liệu và các vật cản, chướng ngại vật lấn chiếm bãi sông, lòng sông để đảm bảo an toàn công trình đê điều, khả năng thoát lũ sông trong thời gian mùa lũ từ 15/6 đến ngày 15/10/2024 theo quy định thời gian mùa lũ trên sông thuộc Bắc Bộ.
Lãnh đạo thị xã Kinh Môn cho biết, hiện trên địa bàn thị xã Kinh Môn có hơn 30 trường hợp không thuộc diện trong quy hoạch bến bãi do đó, UBND thị xã yêu cầu UBND các xã, phường đôn đốc đến các tổ chức, cá nhân có bến bãi không phù hợp với quy hoạch chung thị xã, không có thủ tục pháp lý dừng hoạt động và giải tỏa xong trước ngày 15/9/2024 theo chỉ đạo của UBND tỉnh Hải Dương.
Theo đó, các phòng ban, cơ quan, đơn vị liên quan nghiêm túc khẩn trương thực hiện các nội dung được phân công theo chỉ đạo của UBND thị xã ban hành tại Kế hoạch số 55/KH-UBND ngày 12/3/2024 về triển khai thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TU ngày 29 tháng 12 năm 2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong quản lý hoạt động của các bến, bãi ven sông trên địa bàn thị xã Kinh Môn.
Bên cạnh đó, phối hợp với UBND các xã, phường thuộc diện bến bãi không phù hợp quy hoạch phải xóa bỏ, chấm dứt hoạt động và giải tỏa theo quy định; đối với bến bãi đã được UBND cấp huyện cho thuê đất xây dựng phương án đền bù, giải tỏa xong trước ngày 15/9/2024 theo chỉ đạo của UBND tỉnh Hải Dương.
Về việc xử lý những bến bãi không đúng quy hoạch, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hải Dương Lưu Văn Bản nhấn mạnh, việc xử lý bến bãi vi phạm không được triển khai một chiều mà phải xem xét, cân nhắc dựa trên nhiều điều kiện, yếu tố. Có như vậy mới bảo đảm không thất thoát tài sản nhà nước và bảo vệ lợi ích hợp pháp của chủ bến bãi.