Để phục vụ mục tiêu tăng trưởng giai đoạn 2021-2025, Hải Dương đang đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư nhằm phấn đấu thu hút vốn đầu tư trực tiếp FDI đạt 500 triệu USD trong năm 2022.
>>>Hải Dương: Cần xử lý nghiêm sai phạm trong hoạt động kinh doanh bến bãi
>>>Hải Dương: Xúc tiến đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp Hàn Quốc
Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư
Để có thể thu hút được nguồn lực đủ lớn phục vụ mục tiêu tăng trưởng giai đoạn 2021-2025, Hải Dương đang đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư,... nhằm hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Chia sẻ rõ hơn về kế hoạch thu hút đầu tư của Hải Dương trong năm 2022, ông Triệu Thế Hùng - Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cho biết: “Năm 2022, Hải Dương phấn đấu thu hút vốn đầu tư FDI đạt 500 triệu USD, tăng hơn 180 triệu USD so với năm trước; tổng vốn đầu tư thực hiện đạt trên 700 triệu USD. Doanh thu từ các doanh nghiệp FDI ước đạt 6 tỷ USD, nộp ngân sách nhà nước trên 300 triệu USD”.
Theo ông Hùng, Hải Dương hiện có nhiều dư địa về hạ tầng để sẵn sàng thu hút vốn FDI. Tính đến hết năm 2020, tỉnh Hải Dương có 10 KCN, 40 CCN đang hoạt động với tỷ lệ lấp đầy trên 82%. Trong năm 2021, Hải Dương hoàn thiện hạ tầng 6 KCN mới với tổng diện tích 1.176 ha, cùng với 2 CCN được thành lập. Tính chung, tổng diện tích đất công nghiệp của tỉnh hiện có và sẵn sàng thu hút đầu tư đạt trên 2.000 ha.
Để đạt mục tiêu trên, tỉnh Hải Dương chủ động đổi mới, nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư bằng việc thiết lập các tiền đề về hạ tầng. Tập trung quy hoạch vùng công nghiệp động lực, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hạ tầng các KCN, CCN, tạo quỹ đất thu hút đầu tư. Rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, cải cách thủ tục hành chính. Tăng cường quản lý, giám sát đầu tư và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Được biết, ngày 17/4/20222 UBND tỉnh Hải Dương vừa ban hành quyết định số 773/QĐ-UBND phê duyệt Chương trình Xúc tiến đầu tư năm 2022 tỉnh Hải Dương. Theo đó, tỉnh Hải Dương sẽ nghiên cứu, đánh giá tiềm năng thị trường, xu hướng đối tác đầu tư; xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu phục vụ cho hoạt động xúc tiến đầu tư; xây dựng danh mục dự án thu hút đầu tư; xây dựng các ấn phẩm, tài liệu phục vụ cho hoạt động xúc tiến đầu tư; tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về môi trường, chính sách, tiềm năng và cơ hội đầu tư; Đào tạo, tập huấn, tăng cường năng lực xúc tiến đầu tư; hỗ trợ, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư; hợp tác trong nước và quốc tế về xúc tiến đầu tư.
Theo ông Phạm Xuân Thăng - Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương cho biết: Tỉnh Hải Dương xác định, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh là một trong những khâu đột phá và là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt của tất cả các cấp, ngành, các cơ quan, đơn vị. Hải Dương đã ban hành nghị quyết chuyên đề về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và chuyển đổi số.
“Nếu không thu hút được dòng vốn thì không thể tạo ra tăng trưởng. Như vậy, trong thời gian tới, Hải Dương sẽ phải đẩy nhanh tiến độ thu hút đầu tư vào hạ tầng, qua đó thúc đẩy thu hút dòng vốn FDI có chất lượng”, ông Thăng khẳng định.
Đồng hành cùng doanh nghiệp
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hải Dương, địa phương hiện thu hút 490 dự án vốn FDI từ 26 quốc gia, vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký 9.024 triệu USD, tổng vốn đầu tư thực hiện ước đạt 7.000 triệu USD. Giai đoạn 2021 - 2030, địa phương này sẽ phát triển tiếp 15 KCN, 50 CCN, với tổng diện tích gần 10.000 ha.
Đặc biệt, tỉnh Hải Dương đã quy hoạch 1 vùng công nghiệp động lực tại vị trí chỉ cách Hà Nội 25 phút đi ô tô đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, với tổng diện tích 10.000 ha. Trong đó, có 5.000 ha đất công nghiệp, 2.000 ha đất đô thị, dịch vụ và logistics. Hải Dương cũng đang trong quá trình đề nghị Chính phủ cho thành lập KKT tại các huyện Bình Giang, Thanh Miện với nhiều ưu đãi.
Theo bà Nguyễn Thị Thuý Hằng - Phó Trưởng ban BQL KCN tỉnh Hải Dương cho biết, phương án phát triển hệ thống KCN trên địa bàn đang hoàn thiện cùng với quy hoạch tỉnh. Trong đó, các KCN thuộc vùng công nghiệp động lực được xây dựng bổ sung với diện tích gần 7.500 ha. Khi nhà đầu tư đề xuất thực hiện dự án phù hợp với quy định, UBND tỉnh Hải Dương sẽ chỉ đạo cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp để hoàn thiện các thủ tục đầu tư, GPMB trên cơ sở rút ngắn thời gian thực hiện. Đồng thời, tạo điều kiện tốt nhất để nhà đầu tư thực hiện dự án.
Ông Kim Ye Soo - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn GBS cho biết: Doanh nghiệp mong muốn không chỉ lãnh đạo, mà các sở ban ngành, các cấp chính quyền cũng ủng hộ, tạo điều kiện, quyết tâm mạnh mẽ để cùng góp sức xây dựng tỉnh Hải Dương phát triển mạnh mẽ, điểm sáng về thu hút đầu tư FDI.
Còn theo ông Kim Sungsoo - Tổng giám đốc Công ty TNHH Hyundai Kefico Việt Nam: “Về định hướng thu hút đầu tư, tỉnh Hải Dương cần bảo đảm hạ tầng tốt nhất để cạnh tranh với các tỉnh, thành phố lân cận. Đồng thời, tạo điều kiện hỗ trợ về pháp lý, giải quyết nhanh gọn các vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính, quản trị lao động; hỗ trợ người nước ngoài nhằm tăng thêm các điều kiện hấp dẫn, khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào tỉnh”.
Ông Triệu Thế Hùng - Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương chia sẻ thêm, để có thể cải thiện quy mô và chất lượng dòng vốn, Hải Dương vẫn cần phải tập trung cao độ để xóa các điểm nghẽn về môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; tháo gỡ khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển. Cùng với đó, phải đẩy nhanh xây dựng hạ tầng cho 6 KCN và 20 CCN; tiếp tục hoàn thiện thủ tục đầu tư các khu, CCN mới từ nguồn vốn của doanh nghiệp.
“Để tăng sức hút, không chỉ chính quyền nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường hoạt động xúc tiến, mà bản thân doanh nghiệp đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN cũng cần có sự thay đổi, điều chỉnh để tăng sức hấp dẫn của chính mình”, ông Hùng nhấn mạnh./.
Có thể bạn quan tâm