Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Dương vừa đề nghị các cơ quan chức năng liên quan tăng cường quản lý nhà nước về khai thác khoáng sản trong dịp nghỉ Tết.
>>>Hải Dương: Hạ tầng giao thông phải đi trước một bước
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Dương, các đối tượng khai thác khoáng sản (cát, sỏi lòng sông, đất đồi, đất sét, đất bãi, cát, đá…) trái phép thường lợi dụng thời gian nghỉ Tết để hoạt động nhằm tránh sự phát hiện, kiểm tra, xử lý của các cơ quan chức năng, chính quyền các cấp. Vì vậy, trong dịp nghỉ Tết Giáp Thìn 2024, Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng công an tăng cường tuần tra, kiểm tra, phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ UBND cấp huyện ngăn chặn, bắt giữ, xử lý các trường hợp khai thác cát, sỏi lòng sông trái phép, khoáng sản khác trái phép và việc mua bán, vận chuyển, tiêu thụ, tàng trữ khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp.
Phối hợp các ngành trong xử lý hành vi khai thác khoáng sản trái phép, bố trí lực lượng tham gia giải tỏa, xử lý các điểm nóng về hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn tỉnh khi có chỉ đạo của UBND tỉnh hoặc đề xuất của UBND cấp huyện. Phối hợp chặt chẽ với UBND các cấp, ngành trong công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác.
UBND cấp huyện tuyên truyền, vận động các tổ chức, nhân dân tham gia phát hiện, ngăn chặn việc khai thác khoáng sản trái phép. Thành lập lực lượng thường trực, lập đường dây nóng, phân công lãnh đạo và cán bộ chuyên môn phụ trách, bảo đảm việc tiếp nhận thông tin liên lạc thông suốt 24/24 giờ, kịp thời xử lý hoặc phối hợp xử lý hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn. Tổ chức lực lượng tiến hành giải tỏa, ngăn chặn hoạt động khai thác khoáng sản trái phép ngay sau khi phát hiện hoặc nhận được tin báo...
Các doanh nghiệp hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh tuân thủ đúng quy định của pháp luật; không mua bán, vận chuyển, tiêu thụ, tàng trữ khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp…
Mới đây, tại Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hải Dương ông Hoàng Văn Thực - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường đã thông tin: Hải Dương đã đóng cửa 26 mỏ khai thác khoáng sản.
Trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan khẩn trương triển khai, rà soát, thống kê các cơ sở khai thác khoáng sản đang hoạt động nhưng chưa có phương án cải tạo, phục hồi môi trường được phê duyệt.
Từ đó, yêu cầu các cơ sở lập phương án cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định. Kiểm tra, rà soát các cơ sở khai thác khoáng sản đang hoạt động nhưng chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép môi trường thành phần để xử lý hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định. Hướng dẫn các chủ cơ sở này lập hồ sơ, đề nghị cấp giấy phép môi trường theo quy định tại Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Sở Tài nguyên và Môi trường tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện phương án cải tạo, phục hồi môi trường của cơ sở khai thác khoáng sản trên địa bàn. Đôn đốc các cơ sở khai thác khoáng sản đã hết hạn giấy phép khai thác thực hiện đóng cửa mỏ và cải tạo, phục hồi môi trường. Chủ động xử lý hoặc phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường theo quy định.
Mới đây, ông Triệu Thế Hùng - Chủ tịch UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo về việc tăng cường công tác quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản trên địa bàn Hải Dương. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu giám đốc các sở, thủ trưởng các ngành liên quan, Chủ tịch UBND cấp huyện chỉ đạo, triển khai đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật khoáng sản. Công khai xử lý trách nhiệm đối với cán bộ, người đứng đầu cơ quan, tổ chức có hành vi bao che, tiếp tay để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn quản lý; qua đó nâng cao nhận thức, khuyến khích nhân dân trong công tác đấu tranh, tố giác tội phạm.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các hành vi khai thác khoáng sản khi không có thiết kế mỏ, không đúng thiết kế và công nghệ khai thác đã duyệt; khai báo sai sản lượng khoáng sản khai thác thực tế, không thực hiện công tác thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản.
Đình chỉ hoặc thu hồi giấy phép theo quy định đối với tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản gây mất an toàn lao động, tổn thất lớn khoáng sản, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và tác động xấu đến cảnh quan môi trường, di tích lịch sử - văn hóa, di sản địa chất.
Thực hiện nghiêm phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác đã phê duyệt. Phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả với các địa phương liên quan trong việc thực hiện quy chế phối hợp trong quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động khoáng sản nhằm ngăn chặn hoạt động khai thác khoáng sản trái phép tại khu vực giáp ranh, đặc biệt là khoáng sản cát, sỏi lòng sông. Nghiêm cấm lợi dụng việc nạo vét, khơi thông luồng để khai thác cát, khai thác khoáng sản trái phép. Kiên quyết xử lý trách nhiệm người đứng đầu chính quyền địa phương, nhất là cấp xã khi để xảy ra hoạt động khai thác khoáng sản trái phép kéo dài gây hậu quả nghiêm trọng.
Có thể bạn quan tâm