Hải Dương luôn tạo sự khác biệt trong thu hút đầu tư FDI như, thu hút công nghiệp CNTT; công nghệ điện tử; công nghiệp chế biến, chế tạo; công nghiệp hỗ trợ; công nghiệp 4.0 và công nghiệp xanh.
>>>Hải Dương: Phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch phân khu xây dựng KCN Tân Trường mở rộng
Thu hút nhiều dự án FDI mới
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, 8 tháng năm 2023, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Hải Dương đạt gần 300 triệu USD, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước, đạt 73% kế hoạch năm.
Tỉnh cấp phép cho 44 dự án mới với tổng vốn đăng ký 184,5 triệu USD, điều chỉnh tăng 105,9 triệu USD cho 25 lượt dự án, còn lại là vốn mua cổ phần của 9 lượt góp vốn. Các dự án FDI đầu tư chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Các dự án mới chủ yếu đến từ các quốc gia, vùng lãnh thổ là Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Hàn Quốc, Đức…Hiện toàn tỉnh có 514 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 9,38 tỷ USD.
Năm 2023, Hải Dương đặt mục tiêu thu hút vốn đầu tư nước ngoài đăng ký đạt 410 triệu USD, vốn đầu tư thực hiện đạt 750 triệu USD trở lên. Doanh thu của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài ước đạt 7 tỷ USD, nộp ngân sách nhà nước trên 400 triệu USD.
Theo BQL các khu công nghiệp tỉnh Hải Dương (HIZA): Tính đến hiện tại, Hải Dương có 496 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, với tổng vốn trên 9,2 tỷ USD đến từ 26 quốc gia và vùng lãnh thổ, xếp thứ 4 trong khu vực Đồng bằng sông Hồng và đứng thứ 11 cả nước. Lĩnh vực thu hút vốn chủ yếu là công nghiệp chế biến, chế tạo, với 437 dự án, tổng vốn hơn 8,672 tỷ USD, chiếm 94% vốn đăng ký. Bên cạnh đó, lĩnh vực dịch vụ có 42 dự án với số vốn 316,2 triệu USD; lĩnh vực nông nghiệp có 17 dự án với số vốn 226,9 triệu USD.
Trong 26 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư trên địa bàn tỉnh Hải Dương, các nhà đầu tư đến từ châu Á chiếm 90%, còn lại là nhà đầu tư đến từ châu Mỹ, châu Âu. Trong đó, Hồng Kông (Trung Quốc) là nhà đầu tư lớn nhất, với số vốn đầu tư chiếm 40% tổng vốn đăng ký; tiếp đến là Nhật Bản chiếm 16,3%, Hàn Quốc chiếm 15,4%, Đài Loan (Trung Quốc) chiếm 7,8% tổng vốn đầu tư đăng ký....
Theo theo ông Gu Bao Hong - Tổng Giám đốc công ty bày tỏ ấn tượng với ưu thế nổi trội là vị trí địa lý thuận lợi và nguồn lao động dồi dào của Hải Dương. Đây chính là lợi thế để tỉnh ghi điểm trong mắt các nhà đầu tư. Còn ông Nagai Toshiyuku - Tổng giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp Brother Việt Nam (Nhật Bản) cho biết: “Công ty được thành lập từ năm 2006, cũng có nghĩa chúng tôi và Hải Dương đã đồng hành được 17 năm. Khi mới đi vào hoạt động, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn, nhưng với sự giúp đỡ nhiệt tình, nhanh chóng, kịp thời của lãnh đạo tỉnh, chúng tôi đã có thể sản xuất một cách ổn định và phát triển được như hôm nay.
Bên cạnh những kết quả đạt được, thu hút đầu tư nước ngoài của tỉnh Hải Dương hiện vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: các dự án quy mô nhỏ và vừa chiếm tỷ lệ khá lớn; còn có doanh nghiệp lỗ lũy kế gần bằng vốn chủ sở hữu nhưng vẫn đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh; còn tình trạng nợ lương công nhân, nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế …
Ông Triệu Thế Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương thẳng thắn thừa nhận những hạn chế trong thu hút đầu tư nước ngoài của địa phương. Với phương châm “thành công của doanh nghiệp cũng là thành công của tỉnh, mọi khó khăn của doanh nghiệp đều được chia sẻ tháo gỡ”, ông Hùng khẳng định, tỉnh cam kết sẽ luôn gắn bó, đồng hành và tiếp tục giành sự thân thiện, ủng hộ các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp đầu tư sản xuất - kinh doanh.
“Hải Dương phấn đấu đến năm 2025 là tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, chuyển đổi mô hình theo hướng tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, năm 2030 là tỉnh công nghiệp hiện đại. 4 lĩnh vực mà tỉnh tập trung thu hút vốn đầu tư nước ngoài là công nghiệp công nghệ thông tin, công nghệ điện tử; công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ; công nghiệp 4.0 và công nghiệp xanh”, ông Hùng cho biết.
Điểm đến tin cậy
Ông Nguyễn Trung Kiên – Trưởng BQL HIZA cho biết, Hải Dương tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư. Tỉnh luôn dành những điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp “an cư” trên địa bàn tỉnh. Chúng tôi mong muốn thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp hiện đại và các lĩnh vực khác theo hướng công nghệ sạch, công nghệ xanh. HIZA cam kết luôn đồng hành, hỗ trợ hết mức cho các nhà đầu tư. Ông Kiên nhấn mạnh!
Theo Nghị quyết số 08-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hải Dương về cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế phát triển có hiệu quả, thu hút các tập đoàn kinh tế lớn, các nhà đầu tư chiến lược. Về môi trường đầu tư, tiếp tục khắc phục điểm nghẽn về thể chế, nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh, từ đó có các giải pháp đột phá khai thông điểm nghẽn về môi trường đầu tư; tạo bước chuyển biến đột phá, nhất là thời gian giải quyết các thủ tục hành chính.
Về hạ tầng công nghiệp, trên địa bàn tỉnh có 5 KCN đang triển khai công tác giải phóng mặt bằng khoảng 938,35 ha, trong đó, diện tích đất công nghiệp, dịch vụ có thể cho thuê khoảng 649 ha, gồm các KCN: Phúc Điền mở rộng (235,64 ha); Gia Lộc (197,94 ha); Kim Thành (164,98 ha); Đại An mở rộng - giai đoạn 2 (227,19 ha); Tân Trường mở rộng (112,6 ha).
Bên cạnh đó, có 2 KCN với tổng diện tích quy hoạch 300 ha, gồm KCN Lương Điền - Ngọc Liên, huyện Cẩm Giàng (150 ha) và KCN Bình Giang, huyện Bình Giang (150 ha), đã được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng. Được biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xem xét, thẩm định hồ sơ Dự án KCN Bình Giang và KCN Lương Điền - Ngọc Liên để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư theo quy định.
Ngoài ra, có 6 KCN đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận điều chỉnh, bổ sung vào quy hoạch phát triển các KCN ở Việt Nam, với tổng diện tích khoảng 1.590 ha, gồm các KCN: Hoàng Diệu (250 ha), Hưng Đạo (200 ha), Thanh Hà (150 ha), Thanh Hà 2 (250 ha), Bình Giang 2 (303,27 ha), Kim Thành 2 (437,24 ha).
Theo ông Triệu Thế Hùng – Chủ tịch UBND tỉnh, Hải Dương đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 là tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, chuyển đổi mô hình theo hướng tăng trưởng xanh, chuyển đổi số.
Đến năm 2030 là tỉnh công nghiệp hiện đại. Mục tiêu chính của tỉnh hướng đến là 4 lĩnh vực: công nghiệp công nghệ thông tin, công nghệ điện tử; công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ; công nghiệp 4.0 và công nghiệp xanh.
Để thực hiện được mục tiêu trên, Hải Dương sẽ tập trung huy động mọi nguồn lực để mở rộng và nâng cao chuỗi giá trị, tận dụng liên kết vùng cho các ngành công nghiệp chủ lực. Xây dựng năng lực cạnh tranh chiến lược, tiến tới phát triển các ngành công nghiệp có tiềm năng trong tương lai. Đồng thời, duy trì và tái cơ cấu các ngành công nghiệp giá trị sản xuất nhỏ, đảm bảo an sinh xã hội. Xây dựng Hải Dương thành trung tâm công nghiệp động lực của vùng đồng bằng sông Hồng, gắn với với khu kinh tế chuyên biệt, cụm công nghiệp hiện đại và là lõi trung tâm đổi mới sáng tạo.
Tiếp tục duy trì một số ngành công nghiệp hiện có như: dệt may, da giày, sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp khai khoáng; sản xuất và phân phối điện, nước, xử lý rác thải, nước thải.
Với sự quyết tâm, thống nhất cao của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh và các sở, ngành, địa phương cả hệ thống chính trị, tỉnh Hải Dương sẽ đạt được các mục tiêu đã đề ra, góp phần to lớn trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Có thể bạn quan tâm