Hải Dương thúc đẩy thu hút đầu tư FDI có chất lượng. Trong đó ưu tiên thu hút vào lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp sinh học, vật liệu mới, công nghiệp chế biến, chế tạo, thân thiện với môi trường.
>>>Hải Dương: Khu công nghiệp Cộng Hòa dọn tổ đón “đại bàng”
Sàng lọc dự án đầu tư
Theo tỉnh Hải Dương, tỉnh rất thiện chí trong thu hút đầu tư nhưng cũng rất khắt khe trong sàng lọc dự án đầu tư. Hải Dương ưu tiên thu hút đầu tư có chọn lọc, thu hút các nhà đầu tư lớn, có tiềm năng trong và ngoài nước; các nhà đầu tư từ các quốc gia thuộc nền kinh tế lớn, có tiềm lực về vốn, công nghệ và trình độ quản lý...
Thu hút đầu tư, nhất là dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Điều này đã được minh chứng tại Hải Dương khi tỉnh có gần 30 năm kinh nghiệm và là một trong những địa phương đi đầu cả nước về thu hút FDI.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hải Dương, để tỉnh trở thành “địa chỉ đỏ” với các doanh nghiệp, nhà đầu tư, với chức năng, nhiệm vụ được giao, sở đã đề xuất với tỉnh các giải pháp liên quan đến cải cách hành chính, xúc tiến đầu tư, quy hoạch, đầu tư công, hỗ trợ doanh nghiệp và đạo đức công vụ. Việc thực hiện cải cách hành chính thực chất, hiệu quả, bền vững được đặt lên hàng đầu.
Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư, công khai các quy hoạch, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư tìm hiểu, nghiên cứu. Coi các công trình đầu tư công là yếu tố dẫn dắt, chất xúc tác để thu hút đầu tư cũng như đáp ứng các nhu cầu của doanh nghiệp...
Được biết, hiện tỉnh có hơn 500 dự án FDI đến từ 26 quốc gia, vùng lãnh thổ với tổng vốn đầu tư hơn 9 tỷ USD. Hiện có 12 khu công nghiệp đã đầu tư xây dựng hạ tầng và đi vào khai thác, kinh doanh, với tổng diện tích 1.650 ha. Hiện, tỷ lệ lấp đầy bình quân 12 khu công nghiệp đạt gần 80%. Các khu công nghiệp này đã thu hút được 318 dự án của các nhà đầu tư đến từ 20 quốc gia và vùng, lãnh thổ. Trong đó, có 250 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 5 tỷ USD và 68 dự án DDI với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 10.982 tỷ đồng, tạo việc làm cho gần 11 vạn lao động.
Nhờ vào dòng vốn FDI mà hơn 200.000 lao động trực tiếp cùng hàng chục vạn lao động gián tiếp có việc làm ổn định. Doanh nghiệp FDI có đóng góp lớn vào thu ngân sách nhà nước, tạo tiềm lực giúp tỉnh kiến thiết hạ tầng, đầu tư cho các hoạt động xã hội. Sự phát triển của Hải Dương không thể phủ nhận đóng góp của các doanh nghiệp FDI. Do đó tỉnh luôn coi trọng, tập trung các giải pháp để mời gọi, thu hút đầu tư.
Nhìn thẳng thực tế
Thống kê của UBND tỉnh Hải Dương tính đến nay, trên địa bàn tỉnh thu hút các dự án FDI từ 26 quốc gia và vùng lãnh thổ, xếp thứ 4 trong khu vực Đồng bằng sông Hồng và đứng 11 cả nước.
Mục tiêu, ngành nghề tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với 437 dự án, tổng vốn 8.672,6 triệu USD, chiếm 94% vốn đăng ký. Lĩnh vực dịch vụ có 42 dự án với số vốn 316,2 triệu USD, chiếm 3,4% tổng vốn đăng ký. Lĩnh vực nông nghiệp có 17 dự án với số vốn 226,9 triệu USD, chiếm 2,6% tổng vốn đăng ký.
Trong 26 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư trên địa bàn, các nhà đầu tư đến từ các nước châu Á, chiếm 90%, còn lại là đến từ các nước châu Mỹ, châu Âu. Trong đó, Hồng Kông (Trung Quốc) là nhà đầu tư lớn nhất với số vốn đầu tư chiếm 40% tổng vốn đăng ký; thứ hai là Nhật Bản chiếm 16,3%; thứ ba là Hàn Quốc chiếm 15,4%; thứ tư là Đài Loan (Trung Quốc) chiếm 7,8% tổng vốn đầu tư đăng ký...
Những năm gần đây, vốn đầu tư nước ngoài luôn chiếm từ 35% - 40% cơ cấu vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. Với trên 90% tổng vốn đầu tư nước ngoài thuộc lĩnh vực công nghiệp chế tạo, các doanh nghiệp FDI hiện đang đóng góp trên 60% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh, góp phần nâng cao năng lực sản xuất công nghiệp trên địa bàn, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Song thực tế có một số dự án FDI đầu tư tại Hải Dương hoạt động không hiệu quả, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống người dân. Thậm chí có dự án trở thành điểm nóng, gây bức xúc trong dư luận và tạo tiền lệ xấu ngáng đường những dự án có cùng quốc gia, vùng lãnh thổ, lĩnh vực mong muốn đầu tư vào tỉnh.
Điển hình là dự án Việt Hòa - Kenmark (ở TP Hải Dương). Có dự án mới chỉ đang ở bước tìm hiểu đầu tư nhưng người dân lo ngại về vấn đề ô nhiễm nên có ý kiến phản đối dù chưa nắm bắt thông tin cụ thể. Điều này gây khó khăn, tạo ra rào cản lớn trong thu hút đầu tư về sau của tỉnh.
Năm 2022, Hải Dương được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) xếp hạng thứ 6 cả nước về chỉ số xanh (PGI). Lần đầu tiên công bố PGI nhưng tỉnh đã đạt được thứ hạng ấn tượng dù chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) bị sụt giảm.
Đây là kết quả đáng khích lệ khi tỉnh kiên định mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội theo hướng tăng trưởng xanh. Trước đó, UBND tỉnh Hải Dương đã ban hành Quyết định số 390/QĐ-UBND ban hành Danh mục dự án thu hút đầu tư và tạm dừng thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021-2025. Theo đó, tỉnh ưu tiên những dự án đầu tư theo mô hình sản xuất xanh, giảm thiểu tối đa tác động đến môi trường và "nói không" với những dự án có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường như dệt nhuộm (dệt có công đoạn nhuộm), giặt mài; sản xuất da, giầy da và các sản phẩm có liên quan mà trong quá trình sản xuất có công đoạn thuộc da, sơ chế da, nhuộm; lọc hóa dầu... Điều này cho thấy, Hải Dương rất thiện chí trong thu hút đầu tư nhưng cũng rất khắt khe trong sàng lọc các dự án đầu tư.
Theo đại diện Công ty CP Hùng Phát: Thời gian qua, tỉnh Hải Dương rất nỗ lực thực hiện các giải pháp để lấy lại lợi thế thu hút đầu tư. Không chỉ đẩy nhanh việc triển khai hạ tầng kỹ thuật các khu công nghiệp, cụm công nghiệp chào đón các nhà đầu tư, lãnh đạo tỉnh còn trực tiếp gặp mặt, đối thoại với doanh nghiệp nhằm chủ động cung cấp thông tin hay giải đáp thắc mắc, kiến nghị giúp nhà đầu tư an tâm, tin tưởng. Những hạn chế trong cải thiện chỉ số PCI cũng được tỉnh nghiêm túc “mổ xẻ”, kiểm điểm, giao trách nhiệm, nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ban, ngành và địa phương khắc phục.
Được biêt, Hải Dương đang gấp rút hoàn thiện hồ sơ quy hoạch tỉnh. Khi quy hoạch được phê duyệt sẽ là nền tảng để tỉnh có định hướng, hoạch định cụ thể trong thu hút đầu tư và lựa chọn nhà đầu tư. Từ đó, tỉnh cũng có căn cứ, cơ sở trong việc thẩm định các dự án đầu tư. Khi nghiêm túc thực hiện sàng lọc đầu tư thì những rủi ro trong quá trình đầu tư sẽ được hạn chế ở mức tối đa. Các dự án đầu tư chất lượng, hiệu quả chính là cách thiết thực, hữu hiệu nhất nhằm lấy lại niềm tin của người dân, uy tín của doanh nghiệp và vị thế của tỉnh trong thu hút đầu tư.
Có thể bạn quan tâm