Tỉnh Hải Dương cần thực hiện tốt GPMB, tổ chức đối thoại, đồng hành, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp để tạo bứt phá, phấn đấu đạt mức cao nhất chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2021.
Đó là khẳng định của ông Phạm Xuân Thăng – Bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương khi nói về kế hoạch phục hồi hoạt động ngành kinh tế sau ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Theo ông Phạm Xuân Thăng – Bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương, để bảo đảm phát triển kinh tế an toàn thì nhiệm vụ hàng đầu mà tỉnh Hải Dương phải triển khai đó là chủ động, quyết liệt trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19; tuyệt đối không để dịch bệnh bùng phát trở lại.
Quý I/2021, tỉnh Hải Dương chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19. Sự xuất hiện của các ca nhiễm COVID-19 trong các khu, cụm công nghiệp lớn đã khiến hoạt động sản xuất công nghiệp của tỉnh bị “tê liệt”. Tuy nhiên, sang đến quý II/2021, dịch bệnh được được kiểm soát, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp được tái khởi động. Nền kinh tế tỉnh Hải Dương cũng đã có nhiều khởi sắc.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, tổng thu ngân sách trên địa bàn bằng 68% dự toán năm, tăng 19,7% so với cùng kỳ; thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt 248 triệu USD, tăng 5,4%... Đặc biệt, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh Hải Dương ước tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2020.
Theo Cục Thống kê tỉnh Hải Dương, sản xuất công nghiệp của tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2021 tăng 8,2% so với cùng kỳ. Nhiều ngành sản xuất có mức tăng trưởng cao như: ngành sản xuất kim loại tăng 17%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 20,8%; sản xuất xe có động cơ tăng 18,9%.
Đặc biệt, trong những tháng vừa qua, thị trường các nước EU, Mỹ, Hàn Quốc… đang dần phục hồi, nhu cầu mua sắm quần áo tăng mạnh, đo đó đã kéo theo ngành sản xuất trang phục trên địa bàn tăng 9,4%. Đây là con số tăng trưởng khá cao trong thời điểm các ngành sản xuất đều chịu ảnh hưởng của đại dịch.
Tiếp tục đà tăng trưởng, tỉnh Hải Dương phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn năm 2021 tăng từ 8% trở lên, thu ngân sách nội địa cả năm đạt trên 14.000 tỷ đồng. Đặc biệt, phấn đấu chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tăng tối thiểu 5 bậc so với năm 2020.
Để hoàn thành mục tiêu đề ra, tỉnh Hải Dương đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm khôi phục lại hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Trong đó, tập trung tín dụng cho các ngành, lĩnh vực ưu tiên, khu vực sản xuất, kinh doanh, dự án, phương án có khả năng phục hồi cao; tăng cường hoạt động tư vấn và xúc tiến đầu tư. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch tỉnh, nghiên cứu lập quy hoạch một vùng công nghiệp động lực, công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao với diện tích khoảng 3.000 - 4.000 ha…
Đặc biệt, tỉnh Hải Dương sẽ chủ động thực hiện các giải pháp đồng hành cùng doanh nghiệp, rút ngắn ít nhất 50% thời gian giải quyết thủ tục hành chính về đầu tư của một dự án.
Theo ông Phạm Xuân Thăng – Bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương, UBND tỉnh cần chỉ đạo các cấp, ngành nâng cao chất lượng, hiệu quả cải cách hành chính, đặc biệt là các thủ tục hành chính liên quan đến người dân, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, phấn đấu hoàn thành mức cao nhất mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2021.
"Để giúp doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh trong điều kiện an toàn với dịch bệnh, UBND tỉnh Hải Dương và chính quyền các cấp cấp cần tổ chức đối thoại, đồng hành với doanh nghiệp. Từ đó, chia sẻ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp trong khu vực kinh tế dịch vụ", ông Thăng nhấn mạnh.
Cũng theo ông Thăng, trong năm 2021, tỉnh Hải Dương sẽ quyết liệt trong công tác GPMB để triển khai các công trình dự án trọng điểm, các khu, cụm công nghiệp, khu đô thị lớn. Hải Dương quyết tâm trong quý IV/2021 sẽ đẩy nhanh tiến độ quy hoạch vùng chuyên ngành, quy hoạch vùng huyện để tích hợp hoàn thiện quy hoạch tỉnh Hải Dương tầm nhìn tới năm 2050. Đồng thời, khởi công một số dự án trọng điểm...
Theo đại diện Tập đoàn An Phát Holdings cho biết, thời gian qua, tỉnh Hải Dương đã không ngừng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; nâng cấp cơ sở hạ tầng, giao thông; hỗ trợ doanh nghiệp về cơ chế, chính sách trong quá trình phát triển, xây dựng KCN tại địa phương. Doanh nghiệp mong muốn, tỉnh Hải Dương sẽ tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện để các KCN mới được cấp phép do doanh nghiệp làm chủ đầu tư sẽ sớm đi vào khai thác thuận lợi.
Theo ông Nhữ Hồng Chuyên - Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương, để có mặt bằng sạch phục vụ các dự án lớn, địa phương sẽ thường xuyên rà soát, xây dựng kế hoạch, tiến độ cụ thể với từng dự án; chủ động nắm bắt tình hình để giải quyết những khó khăn, vướng mắc của các địa phương trong bồi thường GPMB. Đồng thời, vận dụng các chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của Nhà nước để bảo đảm đầy đủ quyền lợi và nghĩa vụ cho tổ chức, cá nhân...
Có thể bạn quan tâm
Tất cả vì miền Nam ruột thịt, TP HCM gọi - Hải Dương trả lời
20:27, 01/07/2021
Hải Dương có tân Chủ tịch UBND tỉnh
10:59, 29/06/2021
Hải Dương: Quỹ đầu tư Actis “rót” 20 triệu USD vào KCN An Phát 1
03:26, 29/06/2021
Hải Dương: Kết nối doanh nghiệp xuất nhập khẩu tìm đầu ra cho nông sản
09:33, 26/06/2021
Hải Dương: Doanh nghiệp chủ động sản xuất gắn với phòng dịch
01:12, 16/06/2021