Hải Dương: Ưu tiên nguồn lực cho chuyển đổi số cơ sở

TRUNG THÀNH 27/04/2023 00:30

Mới đây tại Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hải Dương, các đại biểu đã đề xuất nhiều giải pháp để thực hiện tốt công cuộc chuyển đổi số.

>>>Hải Dương: Tăng trưởng kinh tế lọt top toàn quốc

Theo báo cáo Chỉ số đánh giá chuyển đổi số cấp bộ, cấp tỉnh Hải Dương tăng 5 bậc so với trước khi thực hiện Đề án, tiếp tục duy trì vị trí thứ 14 cả nước về chuyển đổi số, tỉnh Hải Dương đã có phiên thảo luận tổ tại Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hải Dương, các đại biểu đề xuất nhiều giải pháp để thực hiện tốt công cuộc chuyển đổi số.

Còn nhiều khó khăn ở cấp cơ sở

Theo ông Nguyễn Cao Thắng - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hải Dương, một trong những nguyên nhân điều chỉnh một số chỉ tiêu Nghị quyết số 06-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hải Dương về chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 là để ưu tiên nguồn lực đầu tư thực hiện các nhiệm vụ, dự án quan trọng, cần thiết để tạo cơ sở hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đến cuối nhiệm kỳ.

Mục tiêu phấn đấu năm 2030 có trên 300 doanh nghiệp công nghệ số (ảnh báo Hải Dương)

Mục tiêu phấn đấu năm 2030 có trên 300 doanh nghiệp công nghệ số (ảnh báo Hải Dương)

Các ngành, địa phương cần tăng tính chủ động, bám sát vào các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong nghị quyết, kế hoạch để tổ chức triển khai thực hiện. Ông Thắng cho biết hiện quy định trong cơ chế thuê dịch vụ công nghệ thông tin còn nhiều bất cập. Ví dụ, hiện chỉ có thể lập, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ trong 1 năm mà không có căn cứ lập, phê duyệt trên 1 năm đến 5 năm. Trong trường hợp thực hiện đấu thầu thuê dịch vụ không quá 1 năm, dịch vụ sẽ bị gián đoạn trong thời gian thực hiện các thủ tục và quy trình thực hiện đấu thầu ở các năm tiếp theo. Nếu năm tiếp theo, nhà thầu khác trúng thì sẽ phải thay đổi toàn bộ hệ thống, quy trình. Về việc này, Bộ Thông tin và Truyền thông vẫn còn đang nghiên cứu để có biện pháp tháo gỡ..

Theo bà Nguyễn Thị Hải Vân - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Hải Dương, cũng cho rằng cần đánh giá những mô hình, cách làm hay về chuyển đối số trong tỉnh để nhân rộng.

“Cùng với việc phấn đấu tăng thứ hạng các tiêu chí của chuyển đổi số so với cả nước, tỉnh cũng cần nhấn mạnh, đánh giá hiệu quả chuyển đổi số mang lại những thay đổi như thế nào trong thực hiện các nhiệm vụ và người dân được hưởng lợi như thế nào khi thực hiện chuyển đổi số”, bà Vân nói!

Bà Ngô Thị Thanh Hoà - Chủ tịch Liên đoàn Lao động cho biết, thời gian tới cần có thêm nhiều giải pháp cụ thể hơn nữa để thực hiện hiệu quả chuyển đổi số. Ví dụ, tỉnh cần có giải pháp xác định, đánh giá một cách rõ ràng về điều kiện tiếp cận công nghệ thông tin của cán bộ để đưa ra giải pháp thiết thực; cần có sự thống nhất, đồng thuận từ trên xuống dưới. Các cơ quan chức năng cần quan tâm xây dựng ứng dụng để công nhân, người lao động tra cứu liên quan đến công việc, người lao động.

Hải Dương ưu tiên nguồn lực cho chuyển đổi số cơ sở (ảnh báo Hải Dương)

Hải Dương ưu tiên nguồn lực cho chuyển đổi số cơ sở (ảnh báo Hải Dương)

Theo ông Đồng Dũng Mạnh -  Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Thanh Miện cho biết: Hiện hạ tầng cơ sở, trang thiết bị ở cấp huyện và xã còn thiếu thốn không đáp ứng được nhiệm vụ. Tỉnh cần kiểm tra, đánh giá, rà soát lại và quan tâm làm từ việc nhỏ, nhất là gắn với cuộc sống, hoạt động thực tế của người dân, để người dân thấy được lợi ích lựa chọn các loại hình dịch vụ, nội dung liên quan.

Cùng quan điểm trên, ông Ngô Quang Giáp - Bí thư Huyện ủy Cẩm Giàng cho rằng, cần nghiên cứu cơ chế, chính sách, bổ sung biên chế cho cấp xã về tin học, công nghệ thông tin; tăng cường tập huấn về công nghệ thông tin cho cán bộ, công chức từ cơ sở.

Ông Phạm Mạnh Hùng - Giám đốc Sở Nội vụ Hải Dương, để tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết 06-NQ/TU thì việc tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức đầu vào đã phải bảo đảm đáp ứng vấn đề trình độ thông tin. Thời gian tới, Sở Nội vụ sẽ phối hợp với các sở ngành liên quan tham mưu tăng cường bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về công nghệ thông tin cho cán bộ, công chức, viên chức trong tỉnh để tăng cường chuyển đổi số.

Cũng cho rằng cần tập trung đào tạo, bồi dưỡng cán bộ về công nghệ thông tin, ông Nguyễn Ngọc Sẫm - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Tứ Kỳ kiến nghị cần đầu tư hạ tầng cho cơ sở một cách đồng bộ và sớm hơn nữa. Khi hạ tầng công nghệ thông tin được đầu tư, đồng bộ thì mới có thể thực hiện tốt chuyển đổi số. Tỉnh cũng cần xem xét về cơ chế mua sắp tập trung với các thiết bị công nghệ thông tin vì nếu mua sắp tập trung sẽ mất rất nhiều thời gian.

Phấn đấu 300 doanh nghiệp công nghệ số

Theo lãnh đạo tỉnh Hải Dương: Sau gần 2 năm thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TU của Tỉnh ủy và Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TU của UBND tỉnh, theo báo cáo Chỉ số đánh giá chuyển đổi số cấp bộ, cấp tỉnh năm 2021 (DTI 2021), tỉnh Hải Dương tăng 5 bậc so với trước khi thực hiện Đề án, tiếp tục duy trì vị trí thứ 14 cả nước về chuyển đổi số (mục tiêu đến năm 2025 đứng thứ 15).

Trong đó, thứ hạng so với cả nước về nhận thức số, thể chế số, hạ tầng số, nhân lực số của tỉnh lần lượt là 22, 10, 10, 37. Xếp hạng về an toàn thông tin mạng, hoạt động chính quyền số, hoạt động kinh tế số, hoạt động xã hội số lần lượt là 38, 8, 20, 9. Về 3 trụ cột chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, thứ hạng của tỉnh so với cả nước lần lượt là 13, 18, 18.

Đến hết năm 2022, Hải Dương đã hoàn thành được 5 chỉ tiêu trong 14 chỉ tiêu Nghị quyết 06-NQ/TU, có 7 chỉ tiêu đạt từ 60% trở lên, có 1 chỉ tiêu đạt được 43%, có 1 chỉ tiêu đã bước đầu triển khai. 

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, việc triển khai nghị quyết còn gặp hạn chế trong giai đoạn đầu. Một số bộ phận cán bộ, công chức chưa hiểu rõ chuyển đổi số nên việc xây dựng các chỉ tiêu, nhiệm vụ ban đầu chưa đầy đủ và đến nay có thể không còn sát với thực tế…
Để khắc phục những hạn chế trong thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TU, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương đề ra 3 nhóm giải pháp về chính quyền số, kinh tế số, xã hội số tập trung thực hiện trong thời gian tới. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương đề nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cho phép điều chỉnh một số chỉ tiêu đề ra trong nghị quyết.

Công nghệ số mọi lúc mọi nơi (ảnh báo Hải Dương)

Công nghệ số mọi lúc mọi nơi (ảnh báo Hải Dương)

Cụ thể, mục tiêu đến năm 2025: Chỉ tiêu “Phấn đấu đến năm 2025, 100% số thủ tục hành chính đủ điều kiện được cung cấp mức độ 4” được đề nghị điều chỉnh: “Phấn đấu đến năm 2025, 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình”. Chỉ tiêu “Năng suất lao động hằng năm tăng tối thiểu 8%” được đề nghị điều chỉnh: “Năng suất lao động hằng năm tăng tối thiểu 7%”. Chỉ tiêu “Phấn đấu có trên 700 doanh nghiệp công nghệ số”, đề nghị điều chỉnh: “Phấn đấu có trên 200 doanh nghiệp công nghệ số”.

Về mục tiêu đến năm 2030: Chỉ tiêu “Năng suất lao động hằng năm tăng tối thiểu 10%”, nay đề nghị điều chỉnh: “Năng suất lao động hằng năm tăng tối thiểu 8%”. Chỉ tiêu “Phấn đấu có trên 1.000 doanh nghiệp công nghệ số”, nay đề nghị điều chỉnh: “Phấn đấu có trên 300 doanh nghiệp công nghệ số”.

Có thể bạn quan tâm

  • Hải Dương: Các Sở ngành quyết tâm nâng cao chỉ số PCI

    Hải Dương: Các Sở ngành quyết tâm nâng cao chỉ số PCI

    11:42, 21/04/2023

  • Hải Dương cải thiện chỉ số PCI như thế nào?

    Hải Dương cải thiện chỉ số PCI như thế nào?

    00:57, 24/04/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Hải Dương: Ưu tiên nguồn lực cho chuyển đổi số cơ sở
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO