Việc chỉ Thủ tướng có quyền “xử lý” các dự án ảnh hưởng đến an ninh quốc gia theo Luật Đầu tư (sửa đổi) bên cạnh sự hoan nghênh dư luận cũng đặt ra một số băn khoăn về quản lý đầu tư nước ngoài.
Dư luận xã hội đang nóng lên xung quanh câu chuyện Bộ Quốc phòng trả lời thắc mắc của cử tri về việc cá nhân, tổ chức nước ngoài “núp bóng”, thông qua các hoạt động hợp tác đầu tư, góp cổ phần để thâu tóm các vị trí đất trọng yếu về an ninh quốc phòng.
“Bài toán” hài hòa lợi ích
Xét rộng ra trong hoạt động đầu tư, doanh nghiệp Trung Quốc hay có yếu tố Trung Quốc cũng chỉ là một phần trong bức tranh đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài (doanh nghiệp FDI, 100% vốn và có một phần vốn góp) tại Việt Nam.
Tính đến nay, sự hiện diện doanh nghiệp FDI tại Việt Nam đang ngày càng đông đảo và khối này đang trở thành 1 trong 3 trụ cột của nền kinh tế quốc dân gồm kinh tế nhà nước, kinh tế tư nhân và FDI.
Dù có vai trò quan trọng như vậy nhưng việc thu hút đầu tư FDI cũng đang đứng trước bài toán khó là làm sao hài hòa giữa việc vừa tăng thu hút đầu tư vừa đảm bảo an ninh quốc phòng cũng như hạn chế và tiến tới chặn đứng việc lợi dụng chính sách thu hút đầu tư để gây phương hại đến an ninh quốc gia của Việt Nam.
Trong thực tế, theo thông tin từ Bộ Quốc phòng công bố thì hiện nay có đến 149 doanh nghiệp có yếu tố Trung Quốc đang hoạt động tại khu vực biên giới 22 tỉnh, trong đó có 7 doanh nghiệp có yếu tố Trung Quốc đứng tên sử dụng và thuê đất 50 năm. Bộ Quốc phòng cũng đã chỉ ra có trường hợp 1 doanh nghiệp Trung Quốc đã được UBND TP Đà Nẵng cho thuê 200.000 m2 đất, thời gian thuê 50 năm (đến năm 2056).
Những lo ngại của cử tri trong cả nước vừa qua đã được Quốc hội và Chính phủ xác nhận là có cơ sở và việc thông qua Luật Đầu tư (sửa đổi) vừa qua được cử tri cả nước đánh giá cao. Tuy nhiên, việc hài hòa lợi ích giữa thu hút đầu tư và đảm bảo an ninh quốc gia, tránh việc thâu tóm hoặc núp bóng thâu tóm đất đắc địa như vừa qua là bài toán lớn, cần tiếp tục được xem xét, giải quyết thấu đáo.
Giáo sư Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường từng chia sẻ với DĐDN, vấn đề cốt lõi của câu chuyện cá nhân, doanh nghiệp nước ngoài “núp bóng” thâu tóm đất đắc địa là nằm ở việc các quan chức địa phương thừa hành các chính sách đâu đó còn có hiện tượng “tạo điều kiện” thậm chí tiếp tay cho các cá nhân, tổ chức nước ngoài (trong đó có Trung Quốc) thâu tóm đất đặc địa.
Cũng theo Giáo sư Võ, các quan chức địa phương dù biết rõ việc tiếp tay này nhưng có thể do “lợi ích” nào đó đủ lớn đủ sức để hấp dẫn họ “nhắm mắt”.
Vừa qua, với mục tiêu đảm quốc phòng, an ninh quốc gia, đồng thời hạn chế gia tăng thủ tục hành chính, tránh gây khó khăn cho các nhà đầu tư, trong Luật Đầu tư (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua quy định chỉ Thủ tướng Chính phủ có thẩm quyền ngừng một phần hoặc toàn bộ dự án đầu tư gây phương hại hoặc có nguy cơ gây phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia (khoản 3 điều 47).
Một chuyên gia bất động sản cho rằng, việc Thủ tướng “xử lý” là giải pháp cuối cùng thì ở các khâu trước đó trong việc thu hút đầu tư nước ngoài cũng cần xây dựng hàng rào kỹ thuật đủ mạnh để “chặn đứng” cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp thông qua việc hợp tác đầu tư để tiến hành việc thâu tóm các vị trí đất đắc địa về an ninh quốc phòng. Nếu trường hợp nào cũng để đến lúc “có vấn đề” rồi lại đều phải chờ Thủ tướng quyết định thì sẽ không phải là giải pháp tối ưu.
"Khi đã có hàng rào kỹ thuật rồi thì công tác thẩm định, xét duyệt dự án của các địa phương đến các Bộ ngành cần được thực hiện nghiêm chỉnh thông qua một hệ thống cơ chế giám sát cũng như chế tài xử lý nghiêm những cá nhân, đơn vị cố tình “tiếp tay, làm ngơ” cho việc lợi dụng, “núp bóng” liên quan đến việc thâu tóm đất đắc địa" - chuyên gia này nhấn mạnh.
Tính lũy kế đến ngày 20/12/2019, cả nước có 30827 dự án còn hiệu lực với vốn đăng ký 362,58 tỷ USD, vốn thực hiện 211,78 tỷ USD, bằng 58,4% vốn đăng ký còn hiệu lực. Cũng theo thống kê từ Bộ KH&ĐT, đến nay hiện có 126 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Hàn Quốc đứng đầu với vốn đăng ký 7,92 tỷ USD, Hồng Kông (Trung Quốc) thứ hai với vốn đăng ký 7,87 tỷ USD, Singapore đứng thứ 3 với vốn đăng ký 4,18 tỷ USD, tiếp theo là Nhật Bản, Trung Quốc. |
Có thể bạn quan tâm
06:30, 13/06/2020
11:05, 11/06/2020
04:30, 10/06/2020
06:13, 08/06/2020
05:20, 02/06/2020