Hải Phòng: Bao giờ xử lý xong vi phạm của Suvinco?

THU HÀ - LAN VŨ 29/07/2021 12:27

Gần 3 năm nay, việc xử lý vi phạm của Công ty Suvinco vẫn chưa giải quyết xong. Các cấp chính quyền đang phải “bó tay” trước sự coi thường pháp luật của công ty này?

Cuối năm 2018, Công ty TNHH TM và Sản xuất Suvinco Việt Nam đã tự ý lắp đặt trạm trộn bê tông, xây dựng cầu cảng giáp dòng chảy sông Lạch Tray… tại vị trí K2+700 đê biển I (thuộc địa phận phường Anh Dũng, quận Dương Kinh, Hải Phòng). Xác định hành vi của công ty là vi phạm Luật Đê điều, UBND phường Anh Dũng ra quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép chứng chỉ hành nghề đối với đơn vị trực tiếp thi công công trình vi phạm, tạm giữ một số tang vật, phương tiện thi công.

Tuy nhiên, đêm 17/10/2018, rạng sáng ngày 18/10/2018, tổ công tác lại phát hiện thấy công ty còn lắp thêm phần đường ống, phễu cấp vật liệu trên hệ thống máy trộn đã được lắp từ trước đó. Tại hiện trường máy cẩu tự hành nằm sát vị trí công trình, không có công nhân thi công. Hạt quản lý đê điều Dương Kinh phối hợp với UBND phường Anh Dũng, phòng kinh tế hạ tầng quận đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính số 34/BB- VPHC ngày 18/10/2018 đối với hành vi tái phạm của công ty.

Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Suvinco Việt Nam xây dựng, hoạt động trái phép trên hành lang đê điều nhiều năm qua.

Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Suvinco Việt Nam xây dựng, hoạt động trái phép trên hành lang đê điều nhiều năm qua.

Mặc dù đã bị “tuýt còi” nhiều lần nhưng phía công ty vẫn tiếp tục xây, đổ phần móng trạm trộn bê tông. Sáng ngày 21/10/2018, qua kiểm tra toàn bộ mặt bằng khu vực thi công công trình vi phạm, Tổ công tác phát hiện thêm công ty này thi công ghép đặt cốt thép xây dựng cầu cảng giáp với dòng chảy sông Lạch Tray.

Đến ngày 31//102018, UBND TP Hải Phòng đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đê điều Công ty TNHH TM và Sản xuất Suvinco Việt Nam, số tiền 135 triệu đồng các hành vi: lắp dụng trạm trộn bê tông asphalt, lắp dựng cốt thép trên mặt tường gạch xây đã có sát mép nước cách chân đê 205m với các tình tiết tăng nặng vi phạm nhiều lần, cố tình vi phạm. Đồng thời, buộc tháo dỡ công trình xây dựng vi phạm, hoàn trả nguyên trạng mặt bằng ban đầu (thời gian thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả là 10 ngày).

Nhưng ngoài việc trả lại mặt bằng và đổ một khối lượng đá lớn xây dựng lên trên mặt bằng công trình cầu cảng giáp dòng chảy sông Lạy Tray thì công trình trạm trộn bê tông vẫn chưa được tháo dỡ mà tiếp tục được hoàn thiện và ngang nhiên hoạt động, gây bức xúc cho người dân địa phương vì gây ô nhiễm môi trường.

Tiếp tục, UBND quận Dương Kinh lại có văn bản số 1213/UBND yêu cầu công ty này buộc phải dừng hoạt động, chấp hành nghiêm chỉnh Quyết định số 2835/QĐ ngày 31/10/2018 của UBND TP Hải Phòng, chủ động tự tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm hoàn trả lại mặt bằng nguyên trạng ban đầu. Thời hạn hoàn thành chậm nhất là ngày 30/6/2019. Nếu công ty không chủ động tháo dỡ, UBND quận chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức cưỡng chế. Tuy nhiên, cho đến nay hiện trạng trạm trộn vẫn còn nguyên vẹn, không những không bị phá dỡ mà theo người dân cho biết, Suvinco vẫn có hành vi lén lút hoạt động.

trạm trộn bê tông vẫn chưa được tháo dỡ

Trạm trộn bê tông vẫn chưa được tháo dỡ

Ngày 20/4/2021, Công ty TNHH TM và Sản xuất Suvinco có văn bản số 18/CV gửi tới UBND quận Dương Kinh… đề nghị các cơ quan chức năng đến ngày 23/4/2021 cử đại diện đến công ty cùng chứng kiến việc công ty tự tháo dỡ bức tường xây bằng gạch cát xi măng thay bằng hàng rào tôn tấm. Nhưng theo nhiều người chứng kiến thì công ty chỉ tháo dỡ một chút kiểu “làm trò”. Đến ngày 5/5/2021, UBND quận Dương Kinh lại nhận được văn bản số 09/CV ghi là của Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Suvinco Việt Nam đề nghị gia hạn tự tháo dỡ công trình vi phạm đến tháng 9/2021, tự trả lại nguyên mặt bằng ban đầu. Tuy nhiên, văn bản không đóng dấu công ty, cũng chẳng có chức danh chỉ có người ký tên là Nguyễn Văn Sức (!?).

Ông Vũ Quốc Bình – Chủ tịch UBND phường Anh Dũng cho biết, UBND TP Hải Phòng đã giao cho Sở Tư pháp chủ trì cùng với công an thành phố, Sở Xây dựng… lên các phương án cưỡng chế báo cáo thành phố. Từ đầu năm đến nay quận đã có rất nhiều cuộc họp về vi phạm, xử lý vi phạm của Công ty Suvinco nhưng chưa đâu vào đâu.

Có thể thấy, vi phạm của SUVINCO được phát hiện từ rất sớm, ngay từ khi công ty bắt đầu xây dựng. UBND phường Anh Dũng đã ban hành Quyết định và 3 lần lập biên bản tạm giữ tạm giữ tang vật, phương tiện. Thậm chí, UBND quận Dương Kinh, UBND TP Hải Phòng cũng đã ban hành các quyết định nhưng đến cuối cùng các công trình vi phạm của công ty này vẫn được hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Nếu các cấp chính quyền mạnh tay, sự việc có lẽ đã được xử lý xong từ sớm, bởi trong quyết định số 2835 (31/10/2018) nêu rõ, giao cho UBND quận Dương Kinh chủ trì phối hợp với các sở, ban ngành có liên quan giải quyết vụ việc. Và trong quyết định cũng nhấn mạnh nếu như công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Suvinco Việt Nam không tự nguyện chấp hành thì sẽ bị cưỡng chế thi hành theo quy định của pháp luật. Chế tài đã có nhưng gần 3 năm nay việc xử lý vẫn xoay quanh đủ loại văn bản. Cả một bộ máy không xử lý nổi vi phạm của một doanh nghiệp, đó có thể là một thất bại lớn.

Có thể bạn quan tâm

  • CHÍNH PHỦ LẮNG NGHE (VI): Kiểm tra, xử lý vi phạm đê điều tại Hải Dương

    CHÍNH PHỦ LẮNG NGHE (VI): Kiểm tra, xử lý vi phạm đê điều tại Hải Dương

    05:59, 14/02/2021

  • “Loạn” vi phạm đê điều tại Hà Nội: Nhiều địa phương vào cuộc xử lý, Tây Hồ vẫn

    “Loạn” vi phạm đê điều tại Hà Nội: Nhiều địa phương vào cuộc xử lý, Tây Hồ vẫn "im lìm"

    04:30, 05/12/2020

  • Báo động vi phạm đê điều tại Nam Định: Đừng để “nguy cơ” thành… thiệt hại!

    Báo động vi phạm đê điều tại Nam Định: Đừng để “nguy cơ” thành… thiệt hại!

    12:30, 15/11/2020

  • “Loạn” vi phạm đê điều ở Hà Nội: Cần “xử điểm” để răn đe

    “Loạn” vi phạm đê điều ở Hà Nội: Cần “xử điểm” để răn đe

    04:50, 24/09/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Hải Phòng: Bao giờ xử lý xong vi phạm của Suvinco?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO