Việc kết nối giữa doanh nghiệp ĐMST Việt Nam và Hàn Quốc sẽ hỗ trợ doanh nghiệp KHCN đón làn sóng chuyển giao công nghệ xanh, công nghệ cao, tiến tới thành lập các cụm, KCN công nghệ...
>>LOGISTICS 4.0: Hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và chuyển giao công nghệ hiện đại
Mới đây, Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng phối hợp với công viên công nghệ Chungbuk và BQL KKT tự do (CBFez) (Hàn Quốc) tổ chức hội nghị kết nối giữa doanh nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam và Hàn Quốc. Đây là một trong những sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động Techfest Hải Phòng 2023 đang diễn ra tại TP Hải Phòng.
Hội nghị nhằm tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa doanh nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) 2 nước Việt Nam – Hàn Quốc nói chung, mối quan hệ hợp tác giữa các tổ chức hỗ trợ phát triển công nghệ, ĐMST của TP Hải Phòng và tỉnh Chungchoengbuk nói riêng.
Bà Phạm Thị Sen Quỳnh – Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng cho biết: “Trong những năm qua, hệ sinh thái ĐMST của Việt Nam đã có bước phát triển tích cực qua sự hỗ trợ và thúc đẩy của Chính phủ. Báo cáo của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới ghi nhận Việt Nam thuộc nhóm quốc gia đạt được những tiến bộ lớn nhất trong thập kỷ qua. Chỉ số sáng tạo toàn cầu của Việt Nam xếp 48/132 quốc gia, nền kinh tế; giữ vị trí thứ 3 khu vực Đông Nam Á. Còn Hàn Quốc là quốc gia có nhiều năm kinh nghiệm xây dựng, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST và nguồn lực tài chính hàng năm hỗ trợ cho khởi nghiệp ĐMST chiếm tỷ lệ cao trong tổng chi ngân sách. Hàn Quốc cũng trở thành quốc gia có các công ty dẫn đầu về ĐMST và có hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST phát triển mạnh mẽ nhất trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Đặc biệt, Hàn Quốc có mối quan hệ đối tác chặt chẽ với hệ sinh thái của Việt Nam”.
Cũng theo bà Quỳnh, hội nghị kết nối giữa doanh nghiệp ĐMST Việt Nam và Hàn Quốc sẽ góp phần xây dựng và phát triển quan hệ hợp tác đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Hàn Quốc nói chung, giữa TP Hải Phòng và tỉnh Chungcheongbuk nói riêng. Đồng thời, tạo sân chơi cho doanh nghiệp ĐMST và kết nối các nhà quản lý, nhà khoa học, các viện trường của 2 quốc gia; hỗ trợ doanh nghiệp ĐMST, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng mô hình công viên công nghệ tỉnh Chungcheongbuk, Hàn Quốc.
Được biết, trong những năm qua, Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng đã tổ chức trên 10 cuộc kết nối cung cầu giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc, với tổng số các cuộc kết nối 1:1 lên tới 600 cuộc, tổng các giá trị hợp đồng được ghi nhận trên 100 tỷ đồng.
Ông Maeng, Gyeong - Jae - Giám đốc Văn phòng đầu tư kinh tế tự do tỉnh Chungbuk cho biết, tỉnh đã cử những đại diện xuất sắc nhất trong KCN, mang những sản phẩm như: mỹ phẩm, thiết bị an toàn, sản phẩm tiêu biểu trong cuộc thi KHCN đến tham dự Techfest Hải Phòng 2023.
“Chúng tôi cũng đánh giá rất cao về trình độ phát triển KHCN của TP Hải Phòng và mong muốn rằng, sau sự kiện này 2 bên sẽ kết hợp với nhau, trao đổi những công nghệ tối ưu nhất, những công nghệ sẽ giúp ích cho sự kết hợp, phát triển giữa 2 địa phương”, ông Maeng Gyeong – Jae cho biết thêm.
Còn theo ông Oh Won Geon – Chủ tịch Công viên công nghệ Chungbuk cho biết: Tại hội nghị kết nối giữa doanh nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam và Hàn Quốc được tổ chức tại Hải Phòng, 8 doanh nghiệp đổi mới của tỉnh Chungbuk đã rất vinh dự được đến với TP Hải Phòng. Đây đều là những doanh nghiệp đang dẫn đầu trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao toàn cầu. Hải Phòng hiện là một địa phương đang đặt trọng tâm trong lĩnh vực đổi mới công nghệ và cũng được mệnh danh là trung tâm của công nghiệp chế tạo trong tương lai.
"Chúng tôi rất mong muốn rằng, các doanh nghiệp tham gia hội nghị kết nối này sẽ lắng nghe phần giới thiệu về công nghệ và sản phẩm đổi mới mà các công ty Hàn Quốc đã thực hiện được toàn cầu hoá, có bước tiến ra thị trường toàn cầu như thế nào. Đồng thời, tôi cũng mong muổn rằng thông qua cuộc gặp gỡ, tương tác giữa các doanh nghiệp ưu tú, có tiềm năng tăng trưởng của 2 nước trong sự kiện này sẽ trở thành một cầu nối rất tốt để giúp cho sự phát triển của các địa phương”, ông Oh Won Geon nói.
Thực tế hiện nay, TP Hải Phòng đã xác định phát triển kinh tế - xã hội dựa vào 3 trụ cột chính gồm: Công nghiệp công nghệ cao, cảng biển và logistics, du lịch dịch vụ. Trong đó, KHCN và đổi mới sáng tạo đóng vai trò then chốt trong phát triển các trụ cột của thành phố.
Được biết, để thúc đẩy xúc tiến kết nối cung cầu, chuyển giao về KHCN và ĐMST, phía Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng cũng đã ký kết hợp tác với Công viên công nghệ Chungbuk – một trung tâm đổi mới của khu vực, tập trung vào phát triển công nghiệp, ĐMST của tỉnh Chungbuk, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch, nông nghiệp, sản xuất chất bán dẫn, pin năng lượng mặt trời và nghiên cứu sinh hoá…
“Lễ ký kết sẽ góp phần triển khai thực hiện thành công chiến lược phát triển KHCN và ĐMST của TP Hải Phòng, hỗ trợ các doanh nghiệp KHCN đón làn sóng chuyển giao công nghệ xanh, công nghệ cao, tiến tới thành lập các cụm, KCN công nghệ, công viên công nghệ theo các lĩnh vực trong tương lai”, bà Phạm Thị Sen Quỳnh cho biết.
Có thể bạn quan tâm