Năm 2022, Hải Phòng đặt mục tiêu đón 4,53 triệu lượt khách du lịch, doanh thu đạt 3,7 nghìn tỉ đồng.
>>>DIỄN ĐÀN DOANH NGHIỆP SỐ 1: Du lịch Hải Phòng ứng phó đại dịch giai đoạn mới
Thời gian hoạt động ít, vì phải đóng cửa hơn 9 tháng do ảnh hưởng của dịch COVID-19, lại bị giới hạn về quy mô, phạm vi hoạt động nên du lịch Hải Phòng năm 2021 bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Lượng khách du lịch đến Hải Phòng là 3,67 triệu lượt, chỉ đạt khoảng 40% so với thời kỳ trước khi dịch COVID-19 bùng phát.
Theo Sở Du lịch Hải Phòng, năm 2021 lực lượng lao động thuộc lĩnh vực du lịch phải nghỉ việc là trên 10.000 người. Số lao động còn làm việc hoặc làm việc bán thời gian còn lại rất ít, chỉ bằng 34% so với tổng lao động tại thời điểm năm 2019 (khi dịch COVID-19 chưa bùng phát, ngành Du lịch Hải Phòng đạt mục tiêu 9 triệu lượt khách du lịch).
Tính đến tháng 9/2021, 412 cơ sở lưu trú trên tổng số 541 cơ sở lưu trú của thành phố phải đóng cửa. Số cơ sở lưu trú còn lại chỉ đạt công suất trung bình là 30%, bao gồm cả hoạt động phục vụ lưu trú của chuyên gia, người lao động đang làm việc tại thành phố Hải Phòng và phục vụ cách ly y tế.
Các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành bị ảnh hưởng nghiêm trọng. 17 doanh nghiệp thực hiện thu hồi giấy phép, chiếm 25% trên tổng số 67 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành. 3 doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển khách du lịch bằng đường bộ chuyển từ hoạt động quốc tế sang nội địa. 150 tàu thủy lưu trú du lịch, tàu vận chuyển khách du lịch tham quan của 91 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên vịnh Lan Hạ (Cát Bà) và đảo Dấu (Đồ Sơn) đều dừng hoạt động do các khu du lịch đóng cửa theo chỉ đạo của thành phố về phòng, chống dịch.
Theo ông Hoàng Văn Thiềng - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty Cổ phần du lịch quốc tế Hòn Dấu, từ lúc COVID-19 đợt 1, các doanh nghiệp du lịch Hải Phòng gặp rất nhiều khó khăn vì phải nuôi một bộ máy cồng kềnh. Riêng doanh nghiệp của ông, một tháng phải trả 1,2 tỷ đồng tiền lương cho nhân viên, 360 triệu đồng tiền nước, 600 triệu đồng tiền điện mà không hề có một khoản thu nào.
Những giai đoạn cao điểm, doanh nghiệp có trên 200 lao động làm việc thường xuyên. Gần 2 năm qua, chỉ có khoảng 40 người thường xuyên làm việc tại doanh nghiệp. Chi phí chi trung bình của doanh nghiệp từ khoảng 200 triệu đến 400 triệu đồng mỗi tháng. Nếu dịch tiếp tục diễn biến phức tạp, doanh nghiệp sẽ không biết cầm cự theo cách nào – ông Thiềng cho biết.
>>DIỄN ĐÀN DOANH NGHIỆP SỐ 1: Du lịch Hải Phòng ứng phó đại dịch giai đoạn mới
>>Vịnh Lan Hạ (Cát Bà) lọt top đẹp nhất thế giới: Liệu có “kéo” lên được du lịch Hải Phòng?
Trong 2 năm qua, đại dịch COVID-19 đã gây hệ luỵ, ảnh hưởng tiêu cực đến các ngành kinh tế trên phạm vi toàn cầu, trong đó có ngành du lịch. Trước tình đó, du lịch toàn cầu đã buộc phải có những thay đổi để thích ứng với tình hình mới.
Để từng bước phục hồi, phát triển ngành Du lịch góp phần vừa thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phòng, chống dịch, vừa thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội của thành phố năm 2022, Ban Chỉ đạo Phát triển du lịch Hải Phòng đã ban hành Kế hoạch số 05/KH-BCĐ phục hồi và phát triển du lịch Hải Phòng thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.
Trong đó, mục tiêu cụ thể là khôi phục các hoạt động du lịch trên địa bàn thành phố trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19. Phấn đấu năm 2022, du lịch Hải Phòng đón và phục vụ được 4,53 triệu lượt khách, doanh thu đạt 3,7 nghìn tỷ đồng.
Theo đó, Hải Phòng sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn để các doanh nghiệp du lịch sớm ổn định, từng bước phục hồi, thích ứng trong tình hình mới.
Cùng với đó, với thông điệp “Hải Phòng - điểm đến an toàn, tin cậy”, TP Hải Phòng sẽ tập trung xây dựng nguồn nhân lực an toàn, điểm đến an toàn và dịch vụ du lịch an toàn trên địa bàn; chủ động kết nối với các tỉnh, thành phố trong phát triển tuyến, điểm du lịch an toàn liên vùng…
Cụ thể, Ban Chỉ đạo Phát triển du lịch TP Hải Phòng yêu cầu điều chỉnh sản phẩm, xây dựng sản phẩm mới và làm mới sản phẩm cũ để đáp ứng nhu cầu thay đổi của khách du lịch trong bối cảnh sống chung an toàn với dịch bệnh COVID-19. Phát triển sản phẩm du lịch thành phố dựa theo tiềm năng, thế mạnh của các loại hình sản phẩm phù hợp với thị trường có tiềm năng như: du lịch thể thao (golf, đua xe đạp, chạy marathon…) kết nối với sản phẩm du lịch du thuyền nhằm thu hút đối tượng khách có khả năng chi trả cao; du lịch trải nghiệm (nông nghiệp nông thôn, ẩm thực) và chăm sóc sức khỏe (suối khoáng nóng, khám chữa bệnh) thu hút đối tượng khách gia đình, học sinh, sinh viên và người lớn tuổi; du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo thu hút đối tượng khách gia đình, giới trẻ, khách đi theo đoàn; du lịch MICE thu hút đối tượng khách doanh nhân, chính trị gia và văn nghệ sỹ; du lịch văn hóa tâm linh thu hút đối tượng khách là phụ nữ và người lớn tuổi.
Để triển khai thực hiện được các mục tiêu trên, Ban Chỉ đạo Phát triển du lịch thành phố đề ra các nhiệm vụ cụ thể bao gồm: đảm bảo an toàn tại các điểm đến và an toàn cho khách du lịch; đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến thu hút khách du lịch; xây dựng, làm mới sản phẩm du lịch phù hợp nhu cầu của thị trường trong giai đoạn bình thường mới; đẩy mạnh chuyển đối số trong ngành du lịch; đầu tư phát triển sản phẩm du lịch chất lượng cao, gắn với xây dựng thương hiệu du lịch Hải Phòng; hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động lĩnh vực du lịch; chuẩn bị kế hoạch đón khách quốc tế khi điều kiện cho phép.
Rõ ràng, những khó khăn đối với ngành du lịch toàn cầu vẫn còn chồng chất. Tuy nhiên, những nỗ lực thích ứng trong thời gian gần đây của ngành du lịch là những tín hiệu lạc quan, được kỳ vọng sẽ góp phần làm "tan băng", giúp khôi phục nền kinh tế thế giới trước những tác động to lớn của đại dịch COVID-19.
Có thể bạn quan tâm
Hải Phòng: Để du lịch Hải Phòng cất cánh
19:31, 16/02/2021
DIỄN ĐÀN DOANH NGHIỆP SỐ 1: Du lịch Hải Phòng ứng phó đại dịch giai đoạn mới
15:04, 18/08/2020
Du lịch Hải Phòng: “Khát” dịch vụ nghỉ dưỡng cao cấp
11:00, 19/05/2020
Vịnh Lan Hạ (Cát Bà) lọt top đẹp nhất thế giới: Liệu có “kéo” lên được du lịch Hải Phòng?
11:26, 30/01/2020