Trong giai đoạn 2020 - 2025, Hải Phòng sẽ khánh thành và triển khai 11 khu công nghiệp (KCN) mới với tổng diện tích lên tới 6616 ha.
Theo thông tin từ BQL KKT Hải Phòng: Huyện Thủy Nguyên sẽ có 2 KCN đó là KCN Bến Rừng với tổng diện tích hơn 1000 ha thuộc địa bàn 5 xã Tâm Hưng, Phục Lễ, Lập Lễ, Phả Lễ và Thủy Triều. KCN Bến rừng được định hướng trở thành KCN tập trung với các ngành đóng tàu và gia công cơ khí, chế tạo máy, công nghiệp năng lượng, cảng và kho bãi…vùng đông Bắc của TP Hải Phòng.
KCN Thủy Nguyên với tổng diện tích khoảng 319 ha với tổng vốn đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng. Theo đó, KCN này sẽ sử dụng quỹ đất 319 ha nằm trên địa bàn các xã An Lư, Trung Hà, Thủy Triều, Lập Lễ, Ngũ Lão (huyện Thủy Nguyên) thuộc Khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải. Khu đất này ngoài giáp các khu dân cư thì còn ở vị thế giáp đường TL359, giáp dự án Khu đô thị, công nghiệp và dịch vụ VSIP Hải Phòng, giáp kênh Phán Đạt và quy hoạch đường vành đai 3 thành phố Hải Phòng. Dự án có tổng vốn đầu tư 4.141 tỷ đồng và được đề xuất hoạt động trong 70 năm, dự kiến đưa hạ tầng KCN vào hoạt động kinh doanh trong quý IV/2024.
Huyện đảo Cát Hải có KCN và phi thuế quan Xuân Cầu với tổng diện tích khoảng 752 ha; Quận Hải An: KCN Nam Tràng Cát với tổng diện tích hơn 200 ha; Huyện Kiến Thụy: KCN Kiến Thụy với tổng diện tích hơn 900 ha; Huyện Vĩnh Bảo: KCN Vinh Quang với tổng diện tích gần 500 ha; Huyện Tiên Lãng: KCN Tiên Thanh với tổng diện tích hơn 400 ha; KCN Tiên Lãng 1, Tiên Lãng 2 với tổng diện tích gần 1000 ha; Huyện An Dương: KCN Tràng Duệ giai đoạn 3 với tổng diện tích 687 ha; Huyện An Lão: KCN Cầu Cựu với tổng diện tích khoảng 93 ha .
Theo lãnh đạo UBND TP. Hải Phòng: Hải Phòng vừa đề nghị Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm phê duyệt việc đầu tư, mở rộng một số KCN trên địa bàn Thành phố. Cụ thể, Hải Phòng đề xuất xây dựng khu phi thuế quan và khu công nghiệp Xuân Cầu rộng 750 ha tại đảo Cát Hải. Đề xuất điều chỉnh địa giới Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải, gắn liền mở rộng Khu công nghiệp Tràng Duệ giai đoạn 3 với diện tích 687 ha để thu hút Tập đoàn LG (Hàn Quốc) mở rộng quy mô tại khu vực này.
Trước đó theo quy hoạch UBND thành phố Hải Phòng đã phê duyệt, Hải Phòng sẽ có thêm 12 cụm công nghiệp (CCN) mới. Đến năm 2025, toàn thành phố có 33 cụm công nghiệp. Quy hoạch xác định, đến năm 2020, diện tích cụm công nghiệp của Hải Phòng đạt 1.079,62 ha, tỷ lệ lấp đầy bình quân các cụm công nghiệp đạt trên 70% diện tích đất công nghiệp. Đến năm 2025, diện tích cụm công nghiệp tăng thêm 297,3 ha, nâng tổng diện tích đất cụm công nghiệp của thành phố lên thành 1.376,62 ha; tỷ lệ lấp đầy các cụm công nghiệp đạt khoảng 80-90% diện tích đất công nghiệp.
Năm 2020, theo quy hoạch, giữ nguyên tổng diện tích 113,06 ha đối với 3 CCN đã hình thành (CCN Vĩnh Niệm – quận Lê Chân, CCN Tàu thủy An Hồng – huyện An Dương và CCN Tân Liên A – huyện Vĩnh Bảo). Điều chỉnh, mở rộng diện tích của 6 cụm công nghiệp đã được UBND thành phố phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, 1/2.000 và 1/10.000 với tổng diện tích là 291 ha (CCN Quán Trữ - quận Kiến An, CCN thị trấn Tiên Lãng – huyện Tiên Lãng, CCN Tân Trào – huyện Kiến Thụy, CCN An Lão – huyện An Lão, CCN Kiền Bái – Cao Nhân – huyện Thủy Nguyên và CCN Dũng Tiến – Giang Biên – huyện Vĩnh Bảo).
5 CCN đã được hình thành trước năm 2008, đang hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định sẽ được quy hoạch mới hạ tầng kỹ thuật cho phù hợp với hiện trạng. Bao gồm các CCN Đường 355 và cụm công nghiệp Hải Thành – quận Dương Kinh, cụm công nghiệp Kênh Giang – huyện Thủy Nguyên, CCN An Tràng 1 và cụm công nghiệp An Tràng 2 – huyện An Lão.
Đặc biệt, sẽ có 12 CCN sẽ được quy hoạch mới với tổng diện tích 456,9 ha tại 6 huyện: Thủy Nguyên (CCN làng nghề Mỹ Đồng, CCN Gia Đức, CCN Liên Khê); An Lão (CCN Cẩm Vân, CCN Quang Trung, CCN Chiến Thắng); Tiên Lãng (CCN Đại Thắng, CCN Tiên Cường II, CCN Quang Phục); Vĩnh Bảo (CCN Giang Biên); An Dương (CCN Đò Nống); Cát Hải (CCN Trung tâm dịch vụ hậu cần và phát triển thủy sản Trân Châu – Cát Bà).
Đồng thời, 18 CCN (tổng diện tích 2,710 ha) không phù hợp với quy mô và điều kiện phát triển sẽ đưa ra khỏi quy hoạch. Các quận, huyện bao gồm: Hồng Bàng (CCN Vật Cách, CCN Sở Dầu – Thượng Lý – Hạ Lý, CCN Sở Dầu); Ngô Quyền (CCN cảng Hoàng Diệu – Cửa Cấm – Chùa Vẽ); Hải An (CCN Đông Hải và CCN Vinashin tại KCN Đình Vũ); Đồ Sơn (CCN sạch của Công ty 28 – Bộ Quốc phòng); Kiến An (CCN Đồng Hòa + Nam Sơn); Thủy Nguyên (CCN Gia Minh, CCN Bến Rừng, CCN Minh Đức – Tràng Kênh); An Lão (CCN Cống Đôi – Văn Tràng, CCN Cầu Cựu – An Lão); An Dương (CCN Nam Sơn, CCN thị trấn An Dương); Kiến Thụy (CCN thị tứ và các làng nghề truyền thống); Vĩnh Bảo (CCN Tân Liên B); Bạch Long Vỹ (Cụm cảng công nghiệp sơ chế thủy sản).
Hải Phòng định hướng đến năm 2025 sẽ mở rộng thêm thêm diện tích 45 ha đối với 2 CCN Kênh Giang – huyện Thủy Nguyên và Tân Trào – huyện Kiến Thụy. Quy hoạch mới 7 cụm công nghiệp với tổng diện tích 252 ha: CCN Kiền Bái – huyện Thủy Nguyên; CCN An Thọ và CCN Cửa Hoạt – Quán Thắng – huyện An Lão; CCN Tiên Cường I, CCN Tiên Cường III – huyện Tiên Lãng; CCN Nam Am và CCN làng nghề Cổ Am – huyện Vĩnh Bảo.
Có thể bạn quan tâm
Xuất hiện ca nghi nhiễm COVID-19 tại Hải Phòng: Ai chịu trách nhiệm?
16:04, 06/10/2020
Hải Phòng: Khoanh vùng ổ dịch liên quan đến 1 chuyên gia Nhật Bản nghi nhiễm COVID-19
14:50, 06/10/2020
Hải Phòng: Đề xuất xây cầu gần 2300 tỷ thay Phà Bến Rừng
00:47, 06/10/2020
Hải Phòng: 8/12 khu công nghiệp hoạt động không phép đã có quyết định thành lập
04:30, 05/10/2020