Đó là chỉ đạo của ông Nguyễn Đức Thọ - Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng về tiến độ 2 dự án: Tuyến đường bộ ven biển đoạn qua TP Hải Phòng và 9km tỉnh Thái Bình; dự án tuyến đường bộ ven biển mở rộng.
>>>Hải Phòng và những công trình kết nối vùng
Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển Hải Phòng - Thái Bình được triển khai thực hiện theo hình thức đối tác công tư, với chiều dài toàn tuyến là 29,7km. Trong đó, đoạn qua địa bàn TP Hải Phòng là 20,782km; đoạn qua địa bàn tỉnh Thái Bình là 8,925km; nền đường rộng 12m. Tuyến đường bộ này là một phần của dự án đường bộ ven biển dài 550km từ Quảng Ninh đến Thanh Hoá. Dự kiến khi hoàn thành toàn tuyến vào trước ngày 30/4/2023, tuyến đường này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối vùng, thúc đẩy kinh tế các địa phương trong khu vực.
Theo đại diện Công ty TNHH đầu tư đường ven biển Hải Phòng (nhà đầu tư dự án đầu tư xây dựng tuyến đường ven biển Hải Phòng - Thái Bình) cho biết, vừa qua, nguồn vốn cho dự án chính thức được khơi thông. Doanh nghiệp đã thực hiện đạt giá trị hơn 1.205 tỷ đồng trong tổng số hơn 3.000 tỷ đồng, bằng gần 40% giá trị hợp đồng BOT; hạng mục cầu Văn Úc đã hoàn thành 29/52 mố trụ cầu và hợp long cầu chính…
Ông Nguyễn Đức Thọ cho biết, mặc dù tiến độ dự án BOT đã có chuyển biến so với trước nhưng hiện vẫn còn chậm. Do vậy, yêu cầu doanh nghiệp dự án BOT phải giải quyết dứt điểm các vướng mắc về mặt bằng liên quan đến 1 hộ còn lại trên địa bàn huyện Tiên Lãng. Đối với đoạn tuyến 9km trên địa bàn tỉnh Thái Bình (thuộc Dự án BOT), đề nghị phía doanh nghiệp dự án phối hợp với chính quyền địa phương sớm hoàn thành công tác GPMB, phục vụ thi công dự án.
Cùng với dự án đường bộ ven biển đầu tư theo hình thức BOT, TP Hải Phòng cũng phê duyệt dự án mở rộng quy mô tuyến đường đoạn qua địa bàn TP Hải Phòng (từ tỉnh lộ 353 đến cầu Thái Bình) với tổng mức đầu tư hơn 946 tỷ đồng từ vốn ngân sách.
Dự án mở rộng đường ven biển sẽ hoàn thành cùng với dự án xây dựng tuyến đường ven biển Hải Phòng - Thái Bình theo tiến độ: trước Tết Nguyên đán 2023 hoàn thành đoạn từ đường Phạm Văn Đồng đến đường 212 huyện Tiên Lãng; đến 30/4/2023 hoàn thành toàn tuyến.
Nếu như tại dự án tuyến đường bộ ven biển đoạn qua TP Hải Phòng và 9km tỉnh Thái Bình theo hình thức BOT, nhiều đoạn tuyến gói thầu của dự án này đang triển khai khá chậm thì tại dự án tuyến đường bộ ven biển mở rộng, các hạng mục đang được nhà thầu gấp rút triển khai. Hiện giá trị thực hiện dự án này ước đạt 241 tỷ đồng, tương ứng hơn 35% giá trị hợp đồng.
>>>Hải Phòng: Xúc tiến đầu tư năng lượng tái tạo trong khu công nghiệp
>>>Hải Phòng: Kiên quyết hoàn thành GPMB dự án Bắc Sông Cấm trong tháng 6/2022
Theo BQLDA đầu tư xây dựng các công trình giao thông Hải Phòng - Chủ đầu tư dự án mở rộng tuyến đường ven biển đoạn qua TP Hải Phòng cho biết, hiện các nhà thầu đang đẩy nhanh tiến độ thi công bảo đảm cam kết, trong đó hạng mục cầu Lạch Họng tại địa bàn quận Đồ Sơn hoàn thành các mố, trụ cầu, bản mặt cầu và đang thi công lan can; cầu vượt đường 212 huyện Tiên Lãng hoàn thành 53 cọc khoan nhồi, đúc 25 dầm, 4 trụ cầu, tường chắn hộp sau mố M2. Hiện nhà thầu đang tập trung thi công phần tường chắn mố M1, lao dầm và lắp bản mặt cầu.
Theo đại diện nhà thầu Tổng công ty CP xây dựng Thăng Long cho biết, đơn vị đang thi công cầu vượt 22 giai đoạn mở rộng. Đến nay, phần hạ bộ đã cơ bản hoàn thành và gác được 4 nhịp dầm. Hiện phần bản mặt cầu đang được đơn vị triển khai thi công.
Ông Nguyễn Đức Thọ cho biết, với mốc thời gian hoàn thành không thay đổi, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của chủ đầu tư, doanh nghiệp dự án và liên danh nhà thầu. Do vậy, yêu cầu doanh nghiệp dự án BOT bố trí đủ vốn, giải ngân phù hợp với tiến độ; có biện pháp thi công hợp lý để không ảnh hưởng đến chất lượng và tiến độ chung của toàn dự án. Về phía BQLDA đầu tư xây dựng các công trình giao thông Hải Phòng, đơn vị cần tổ chức quản lý thi công dự án mở rộng trên thực tế để bảo đảm thống nhất trên tuyến, thực hiện nghiêm túc theo hợp đồng đã ký với các đơn vị thi công…
Ông Vũ Thanh Tuyến - Đại diện Tư vấn giám sát dự án mở rộng tuyến đường ven biển đoạn qua TP Hải Phòng cho biết: “Trong quá trình thi công của dự án, chúng tôi luôn luôn giám sát để đảm bảo theo đúng chất lượng của dự án; có bộ phận thí nghiệm, đánh giá về các chỉ tiêu của vật liệu đưa vào. Chúng tôi đang thúc đẩy nhà thầu tăng tiến độ, tăng số ca làm việc của máy móc, nhân lực để đảm bảo cho đúng tiến độ dự án đề ra”.
Có thể bạn quan tâm