Hải Phòng hiện đang xây dựng nhiều loại hình du lịch mới, trong đó tập trung đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch biển thành loại hình chủ đạo.
Đa dạng hóa sản phẩm du lịch
Trong vòng 7 tháng năm 2018, Hải Phòng đón và phục vụ gần 4,5 triệu lượt khách, tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm 2017; trong đó khách quốc tế là 484.767 lượt, doanh thu ước đạt 1.926,4 tỷ đồng. Chỉ tính riêng trong tháng 7, Du lịch Hải Phòng đón và phục vụ 808.079 lượt khách; doanh thu ước đạt 336,4 tỷ đồng.
Theo ngành Du lịch, thời gian qua, thành phố Hải Phòng luôn chú trọng tập trung phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái biển kết hợp du lịch nghỉ dưỡng, thể thao; du lịch cộng đồng; du lịch lễ hội… Nhưng các loại hình du lịch vẫn chưa thực sự phong phú, ấn tượng, trong khi tiềm năng vô cùng rộng mở. Sự thiếu đầu tư đúng mức, chưa có tính cạnh tranh đã làm giảm đi sự hấp dẫn của du lịch Hải Phòng. Tỷ lệ khách du lịch lưu trú chỉ đạt khoảng 20-50% cho thấy Hải Phòng còn hạn chế trong việc “níu” chân du khách.
Các sản phẩm du lịch, vui chơi, giải trí do các doanh nghiệp lớn thực hiện đang là một trong những “cứu cánh” thực sự của du lịch Hải Phòng, như dự án của Tập đoàn Sun Group; Vingroup; Him Lam; FLC…Tuy nhiên, do nhiều yếu tố cả chủ quan lẫn khách quan mà đến nay nhiều dự án chưa hoàn thành, chưa tạo ra được cái mới. Thành phố còn thiếu địa điểm đủ tầm để thực hiện các sự kiện mang tầm quốc tế; kèm theo đó là một số vấn đề về nhân lực, về chất lượng dịch vụ.
Để thúc đẩy du lịch có bước đột phá, Hải Phòng hiện đang nghiên cứu xây dựng chuỗi sản phẩm và khai thác du lịch sinh thái ven sông Đa Độ (Kiến Thụy), sông Giá (Thủy Nguyên) gắn với Khu di tích lịch sử, danh thắng Tràng Kênh; đảo Bầu (An Lão); sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh tổng hợp đảo Cái Tráp… Định hướng tập trung đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch biển thành loại hình chủ đạo. Ngay tại Đồ Sơn, ngoài các sản phẩm sẵn có, ngành Du lịch cũng đang nghiên cứu khôi phục và xây dựng sản phẩm du lịch gắn với các tài nguyên du lịch đặc sắc như hoa phượng, hoa cúc biển, rừng bứa, rặng thị cổ thụ…
Có thể bạn quan tâm
09:08, 24/08/2018
07:09, 24/08/2018
08:50, 23/08/2018
Thời gian tới, ngành du lịch Hải Phòng tập trung kết nối các nhà đầu tư chiến lược, xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ để thu hút đầu tư cơ sở vật chất du lịch; khai thác tốt lợi thế so sánh, xây dựng các tour, tuyến liên vùng, liên quốc gia, quốc tế có điểm đến đặc trưng riêng có của thành phố. Trên cơ sở tài nguyên du lịch, hình thành các tuyến du lịch phù hợp nhu cầu khác nhau của du khách, như trải nghiệm văn hóa, trải nghiệm cảm giác mạnh, khám phá thiên nhiên, khám phá lịch sử, tâm linh…
Bước đột phá của du lịch “đảo ngọc”
Cát Bà (huyện Cát Hải) là một trong những điểm đến ưa thích của nhiều du khách trong và ngoài nước, được mệnh danh là “đảo ngọc” của thành phố. Đặc biệt, sau khi cầu Tân Vũ – Lạch Huyện được chính thức đưa vào sử dụng, lượng khách du lịch đến Cát Bà tăng đột biến. Tháng 7/2018, khách du lịch đến Cát Bà đạt 320.500 lượt, lũy kế 7 tháng đạt 1.831.500 lượt; trong đó khách quốc tế đạt 414.400 lượt. Tổng doanh thu từ dịch vụ lưu trú và ăn uống trong 7 tháng đạt 1.034,8 tỷ đồng.
Sự đột phá nhanh chóng trong thời gian qua của Cát Bà phải kể đến nhiều yếu tố thuận lợi. Trong đó phải kể đến chính sách phát triển biển đảo, xây dựng Cát Bà thành trọng điểm du lịch của trung ương và thành phố; khánh thành cầu vượt biển dài nhất Việt Nam Đình Vũ - Cát Hải nối liền đảo Cát Hải với đất liền; hàng loạt dự án lớn được triển khai trên địa bàn huyện đảo Cát Hải…
Huyện Cát Hải cũng đang tích khắc phục những hạn chế trong công tác quản lí, để du lịch Cát Bà nói riêng, Hải Phòng nói chung “cất cánh”. Trong tháng 7/2018, UBND huyện tổ chức kiểm tra, lập biên bản nhắc nhở 12 cơ sở lưu trú thực hiện chưa nghiêm việc niêm yết giá; tiếp nhận, xử lý kịp thời 26 ý kiến qua số điện thoại đường dây nóng du lịch. Cơ quan chức năng đã kiểm tra chấp hành các quy định của pháp luật đối với 3 bãi tắm: Tùng Thu, Cát Cò 1, Cát Cò 2 và kiểm tra, chấn chỉnh 14 cơ sở lưu trú du lịch, xử phạt vi phạm hành chính 3 cơ sở với tổng số tiền 11 triệu đồng.
Để “đảo ngọc” thực sự trở thành trung tâm du lịch mang tầm cỡ quốc gia và quốc tế còn cả chặng đường dài. Chính quyền huyện đảo cần sự chung tay của thành phố, ngành du lịch, các đơn vị lữ hành… trong việc đưa ra và thực hiện giải pháp trước mắt cũng như chiến lược dài hơi khắc phục những hạn chế lâu nay của du lịch Cát Bà, như tính mùa vụ; những vấn đề môi trường; thiếu điểm vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng tầm cỡ quốc gia và quốc tế…