Việc triển khai chữ ký số sớm là thách thức đặt ra, nhưng cũng là cơ hội để Hải Phòng trở thành một trong những địa phương đi đầu cả nước trong chuyển đổi số.
>>Hải Phòng: “Số hóa” không dùng tiền mặt trong thu chi ngân sách nhà nước
Đó là chia sẻ của ông Hoàng Minh Cường – Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng khi nói về vai trò của chữ ký số trong ứng dụng chuyển đổi số ngành giáo dục.
Nhiều khó khăn
Đi tắt, đón đầu trong thành tựu khoa học công nghệ vào quản lý giảng dạy, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD & ĐT) Hải Phòng đang có những “bước đi của người khổng lồ” nhằm đưa toàn ngành đi đầu trong lĩnh vực chuyển đổi số.
Hải Phòng hiện có trên 800 cơ sở giáo dục, trên 32.000 giáo viên và hơn 521.000 học sinh có mã định danh riêng và gắn bó suốt trong quá trình công tác, học tập. Việc sử dụng văn bản điện tử, học bạ điện tử, sổ điểm điện tử dần thay thế văn bản, hồ sơ tài liệu giấy. Khi cơ sở dữ liệu sổ điểm, học bạ của mỗi học sinh được số hóa và ký số, chỉ với mã số học sinh, phụ huynh cũng có thể tra cứu được tình hình điểm số của con em mình và quan trọng hơn sẽ chủ động đăng ký tuyển sinh, nhập học trực tuyến cho các em.
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, bà Nguyễn Vân Anh – Trưởng phòng Giáo dục quận Hồng Bàng cho biết: Trong năm học 2021-2022, ngành giáo dục quận Hồng Bàng đã hoàn tất số hóa và gắn mã định danh dữ liệu cho 40 cơ sở giáo dục đào tạo, 1.724 giáo viên và 24.214 học sinh. Cơ sở dữ liệu này đã hỗ trợ đắc lực cho công tác tuyển sinh trực tuyến, thống kê, báo cáo trong toàn ngành. Hệ thống quản lý văn bản và điều hành kết nối với các cơ sở giáo dục hoạt động thông suốt, ổn định, phát huy hiệu quả tích cực. 100% các cơ sở giáo dục sử dụng sổ điểm điện tử và các phần mềm hỗ trợ quản lý giáo dục, xây dựng phòng họp trực tuyến thực hiện các hoạt động giao ban, họp, sinh hoạt chuyên môn trực tuyến.
Có thể nói, ngành GD & ĐT TP Hải Phòng hiện có nền tảng hạ tầng khá tốt để thực hiện chuyển đổi số. Từ năm học 2020-2021, đơn vị đã triển khai sử dụng sổ điểm điện tử, học bạ điện tử trên hệ thống cơ sở dữ liệu của ngành. Các thông tư mới ban hành của Bộ GD & ĐT về Điều lệ Trường mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông, Trường phổ thông có nhiều cấp học, Trung tâm Giáo dục thường xuyên…cho phép sử dụng hồ sơ điện tử thay thế cho các loại hồ sơ giấy. Việc quản lý hồ sơ điện tử do Sở Giáo dục và Đào tạo quy định theo chuẩn kết nối, chuẩn dữ liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Tuy nhiên, theo Sở GD & ĐT Hải Phòng, các thông tư trên cho phép sử dụng hồ sơ điện tử nhưng không đề cập đến vấn đề xác thực hồ sơ. Quy định kỹ thuật về dữ liệu của cơ sở dữ liệu giáo dục và đào tạo do Bộ GD & ĐT tạo xây dựng, quản lý không đề cập đến các giao thức kết nối liên thông dữ liệu và vấn đề xác thực hồ sơ điện tử. Do vậy, cơ sở dữ liệu hiện tại của ngành Giáo dục và Đào tạo chưa cho phép ký số.
>>>Hải Phòng: Sắp có kho thương mại điện tử khủng
>>>Chữ ký số và ký số từ xa, điều kiện tiên quyết để số hóa thành công
Theo ông Bùi Văn Kiệm – Giám đốc Sở GD & ĐT Hải Phòng, ngành giáo dục sẽ thực hiện thí điểm ký số đối với 5 trường THCS và 5 trường THPT để tìm hướng đi phù hợp nhất cho việc triển khai chữ ký số đáp ứng yêu cầu số hóa sổ điểm điện tử, học điện tử. Trong tháng 5/2022, các giáo viên sẽ ký trên bản thể hiện sổ điểm, học bạ trên cơ sở dữ liệu ngành, hồ sơ số trên Hệ thống quản lý hồ sơ. Tuy nhiên, việc triển khai ban đầu cũng vấp phải những khó khăn liên quan đến tính pháp lý của chữ ký số đối với hồ sơ điện tử đã được công nhận. Các Thông tư mới ban hành của Bộ GD & ĐT cho phép sử dụng hồ sơ điện tử nhưng không đề cập đến vấn đề xác thực hồ sơ.
Còn theo đại diện Sở Thông tin và Truyền thông Hải Phòng, hạn chế lớn nhất trong các giao dịch điện tử chính là việc ràng buộc trách nhiệm của các bên liên quan và đảm bảo tính xác thực của các giao dịch. Chữ ký điện tử ra đời nhằm ký các văn bản điện tử để khắc phục các hạn chế trên và đẩy mạnh việc sử dụng các giao dịch điện tử. Do đó, để sổ điểm điện tử, học bạ điện tử thực sự có thể trao đổi, giao dịch trên môi trường số thì cần có công cụ xác thực, bảo đảm tính đúng đắn chính xác, toàn vẹn của dữ liệu, đó chính là vai trò của chữ ký số.
Cần xây dựng chữ ký số chuẩn chỉnh ngay từ đầu
Nhận định về vai trò của chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục, ông Hoàng Minh Cường – Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng cho biết, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số là nhiệm vụ chiến lược có tính đột phá, tạo ra những thay đổi quan trọng cho ngành Giáo dục. Sở GD & ĐT Hải Phòng cần xây dựng lộ trình rà soát, chuẩn hoá, làm sạch dữ liệu ngành, hướng tới tích hợp đồng bộ với hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia, làm cơ sở cho các bước tiếp theo. Đồng thời, sớm triển khai chữ ký số, chuyển học bạ sang dữ liệu điện tử, triển khai hạ tầng và các giải pháp công nghệ liên quan để đưa chữ ký số vào sử dụng hiệu quả.
“Triển khai chữ ký số sớm là thách thức đặt ra, nhưng cũng là cơ hội để Hải Phòng trở thành một trong những địa phương đi đầu cả nước trong chuyển đổi số”, ông Cường nhấn mạnh.
Thời gian qua, việc triển khai hệ thống học bạ điện tử, bảng điểm điện tử, chứng chỉ, chứng nhận điện tử… trở thành những thay đổi căn bản và thiết yếu trong việc ứng dụng chuyển đổi số ngành giáo dục và đào tạo. Do vậy, chữ ký số và lưu trữ, liên thông điện tử đóng vai trò là “xương sống” của hoạt động chuyển đổi số trong lĩnh vực này.
Theo ông Tô Hồng Nam - Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ GD & ĐT, Hải Phòng cần xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện chuyển đổi số; nhanh chóng thí điểm chữ ký số xác thực hồ sơ điện tử trong phạm vi quản lý của Sở GD & ĐT. Đồng thời, đảm bảo 100% cơ quan quản lý giáo dục, cơ sở giáo dục triển khai phần mềm quản trị trường học đồng bộ với cơ sở dữ liệu toàn ngành và chuẩn bị nguồn lực tổ chức dạy học trực tuyến theo quy định.
Liên quan đến việc ứng dụng chữ ký số trong chuyển đổi số lĩnh vực giáo dục và đào tạo, mới đây, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở GD & ĐT Hải Phòng và Công ty SAVIS đã phối hợp tổ chức Hội thảo “Ứng dụng chữ ký số, lưu trữ và liên thông điện tử trong chuyển đổi số lĩnh vực giáo dục và đào tạo TP Hải Phòng”.
Theo ông Hoàng Nguyên Vân – Chủ tịch HĐQT Công ty SAVIS, nhiệm vụ xây dựng hệ thống ký số, lưu trữ điện tử chuẩn chỉnh ngay từ đầu để tránh lãng phí thời gian và chi phí khắc phục hậu quả. Bởi trong trường hợp yêu cầu lưu trữ dài hạn, toàn vẹn dữ liệu, tra cứu xác thực lâu dài thì việc triển khai chữ ký số cơ bản sẽ không đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật. Ngoài ra, thời gian ký số là thời gian của thiết bị hoặc server ký số, có thể dễ dàng bị thay đổi bởi những công cụ đơn giản, khiến những tài liệu, chứng từ nhạy cảm về thời gian như học bạ điện tử, hợp đồng điện tử, hóa đơn điện tử, chứng chỉ, chứng nhận điện tử… có khả năng dễ bị giả mạo. Điều này dẫn đến việc không chứng minh được mốc thời gian tài liệu chính xác về hiệu lực chữ ký số khi xảy ra tranh chấp bất cứ vấn đề gì về pháp luật.
Có thể bạn quan tâm