Việc kết nối giữa các doanh nghiệp phụ trợ và FDI trong nước sẽ hình thành hệ sinh thái sản xuất tại Hải Phòng, đóng góp cho sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ của thành phố.
>>>Hải Phòng: Tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu
>>>Nâng cao chỉ số PCI Hải Phòng (Kỳ III): Quyết tâm duy trì vị trí tốp đầu
Theo BQL KKT Hải Phòng, trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu, TP Hải Phòng ngày càng khẳng định vị thế là trung tâm tết nối, hội tụ nguồn lực và lan tỏa phát triển. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn TP Hải Phòng (GRDP) liên tục đạt mức cao: giai đoạn 2021 - 2022 đạt bình quân 12,63%/năm, đứng thứ 2 cả nước, gấp 1,5 lần giai đoạn 2011 - 2015 (7,08%/năm) và gấp 2 lần tốc độ tăng trưởng của cả nước (6,78%/năm). Tỷ trọng GRDP của Hải Phòng năm 2022 chiếm 3,83% GDP cả nước và 14,43% GDP Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Những kết quả trên có phần đóng góp rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI.
Ông Lê Trung Kiên – Trưởng ban BQL KKT Hải Phòng cho biết: “Các doanh nghiệp FDI trên địa bàn TP Hải Phòng cần tiếp tục đẩy mạnh hợp tác, kết nối với các doanh nghiệp sản xuất hỗ trợ trong nước, tăng cường trao đổi thông tin về khả năng cung cấp sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cho các doanh nghiệp FDI. Từ đó, góp phần hình thành chuỗi liên kết giữa các doanh nghiệp FDI và công nghiệp hỗ trợ trong nước, với mục tiêu xây dựng, hình thành hệ sinh thái sản xuất tại Hải Phòng nằm trong chuỗi cung ứng toàn cầu”.
Để tạo cầu nối cho các doanh nghiệp phụ trợ, nhà đầu tư, nhà sản xuất trên địa bàn TP Hải Phòng có cơ hội quảng bá thương hiệu sản phẩm, kết nối, trao đổi kinh nghiệm, hợp tác kinh doanh với các doanh nghiệp FDI, mới đây, BQL KKT Hải Phòng đã tổ chức Diễn đàn kết nối các doanh nghiệp phụ trợ và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) năm 2023.
Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và cung ứng dịch vụ, đào tạo... trong nước học hỏi kinh nghiệm quản trị, điều hành và phát triển sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, kết nối nhu cầu mua, bán nhằm mục tiêu tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của các “ông lớn” FDI. Đồng thời, thúc đẩy hợp tác chuyển giao công nghệ giữa các doanh nghiệp trong tương lai.
Ông Nguyễn Đức Thọ - Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng cho biết: “Diễn đàn là một hoạt động kết nối có ý nghĩa thiết thực để các doanh nghiệp trong nước và các nhà đầu tư nước ngoài cùng trao đổi cởi mở về nhu cầu, tiềm năng, lợi thế của nhau. Trên cơ sở đó nhận diện những cơ hội đầu tư mới, có kế hoạch, biện pháp thúc đẩy hợp tác vì lợi ích của chính các doanh nghiệp và cũng vì sự phát triển kinh tế - xã hội TP Hải Phòng”.
Còn theo đại diện Công ty TNHH Serveone: “Phía công ty rất mong muốn hợp tác với các doanh nghiệp tại Hải Phòng. Chúng tôi hy vọng diễn đàn này chính là bước đầu tiên để xây dựng mối quan hệ giữa hợp tác lâu dài trong tương lai giữa các bên”.
Được biết, trong những năm qua, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của TP Hải Phòng liên tục tăng cả về số lượng, quy mô và chất lượng. Một số doanh nghiệp có năng lực khá tốt thuộc các lĩnh vực gồm: Cơ khí chế tạo, sản xuất khuôn mẫu các loại linh kiện cơ khí tiêu chuẩn; điện – điện tử; linh kiện nhựa – cao su kỹ thuật…
Hiện TP Hải Phòng đã và đang ưu tiên thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, sản xuất công nghiệp hỗ trợ để cung cấp tại chỗ các nguyên liệu, chi tiết, linh kiện, bán thành phẩm,… cho các ngành công nghiệp mũi nhọn của thành phố như cơ khí, điện tử, công nghiệp ô tô, dệt may, da giày, logistics.
Trước đó, BQL KKT Hải Phòng cũng tổ chức triển lãm sản phẩm kết nối các doanh nghiệp phụ trợ và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Triển lãm nhằm kết nối, tạo cơ hội thị trường cho các doanh nghiệp, các tổ chức chia sẻ, tìm kiếm, liên kết để cùng phát triển, mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Theo BQL KKT Hải Phòng, thông qua triển lãm này, các doanh nghiệp tham gia sẽ có cơ hội tìm hiểu về năng lực sản xuất, cung ứng của các doanh nghiệp trong nước cũng như những cơ hội để hợp tác, cung cấp sản phẩm cho các doanh nghiệp FDI. Đồng thời nắm bắt nhu cầu và yêu cầu của các doanh nghiệp FDI cũng như các yêu cầu về tuyển dụng, đào tạo lao động phục vụ nhu cầu của các doanh nghiệp FDI.
Ông Ko Tae Yeon - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Kocham) cho biết: “TP Hải Phòng cần ban hành các quy định và tổ chức nhiều hội thảo, hoạt động để giúp các doanh nghiệp trong nước được đào tạo, học hỏi về những tiêu chuẩn, quy định cũng như trao đổi kinh nghiệm với các nhà đầu tư nước ngoài. Các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Hải Phòng rất sẵn sàng tham gia những hoạt động như thế này”.
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Lê Trung Kiên cho biết: “Chúng tôi hy vọng rằng, sau triển lãm, các doanh nghiệp có thể đạt được một số thỏa thuận ban đầu để có thể tiếp tục bàn bạc chi tiết hơn trong việc hợp tác cung ứng nguyên, vật liệu, trang thiết bị, lao động và các dịch vụ liên quan phục vụ sản xuất của các doanh nghiệp FDI. BQL KKT Hải Phòng sẽ tiếp tục đồng hành cùng các doanh nghiệp, tổ chức thực hiện có hiệu quả những biện pháp, kế hoạch, chương trình, sự kiện thường niên nhằm kiến tạo, kết nối, hình thành chuỗi liên kết cung ứng – sản xuất – tiêu thụ giữa các doanh nghiệp đầu tư trong và ngoài nước trên địa bàn TP Hải Phòng”.
Có thể bạn quan tâm