Mặc dù đã có Nghị định 10/2020/NĐ-CP, kèm theo đó là chỉ đạo “nóng” của Bộ GTVT, thế nhưng, tình trạng xe “núp mác” hợp đồng vẫn gây nhức nhối dư luận, liệu dựng biển cấm có giải quyết xong vấn đề?
Không chỉ gây ra tình trạng mất trật tự, an toàn giao thông,… tại khu vực nội thành Hà Nội, tình trạng xe “núp mác” hợp đồng còn dẫn đến nhiều hệ lụy xấu như: cạnh tranh không lành mạnh trong vận tải hành khách bằng ô tô; thất thu thuế từ ngân sách;… phương tiện phổ biến nhất đối với loại hình kinh doanh xe “núp mác” hợp đồng chính là xe limousine, xe transit từ 9 chỗ trở lên, theo nhiều chuyên gia, để hạn chế tình trạng này, tại các tuyến phố trọng điểm cần đặt biển cấm xe hợp đồng từ 9 chỗ trở lên.
Thực tế, không khó để phát hiện ra những chiếc xe “núp mác” hợp đồng di chuyển trong nội đô Thành phố, dừng, đỗ, đón – trả khách không tuân thủ theo bất cứ một quy định cụ thể nào, đáng nói, với lợi thế ít chỗ, chạy nhanh, trong mọi giờ lưu thông, những phương tiện này sẵn sàng luồn lách vào bất cứ địa điểm nào nếu khách có nhu cầu, vì vậy, chỉ trong một vài năm gần đây, lượng xe hoạt động theo phương thức này dường như tăng đột biến, gây ra tình trạng mất trật tự, an toàn giao thông và mỹ quan đô thị,…
Theo ước tính của Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội - Đỗ Anh Bằng với báo chí, hiện có đến hàng vạn chiếc, hoạt động chủ yếu trên các tuyến ngắn từ Hà Nội đi: Thái Nguyên, Thái Bình, Quảng Ninh, Nam Định, Hải Phòng…
Trước đó, để kiểm soát loạt hình vận tải hành khách bằng ô tô, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 10/2020/NĐ-CP về việc quản lý xe hợp đồng có hiệu lực thi hành từ 01/4/2020, hay mới nhất là chỉ đạo “nóng” của Bộ Giao thông vận tải (Bộ GTVT) về việc tăng cường thanh tra, kiểm tra về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, đặc biệt tập trung vào loại hình kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng; phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các vi phạm, thế nhưng, xe “núp mác” hợp đồng vẫn mặc nhiên rộng cửa “sống”.
Việc xe “núp mác” hợp đồng gia tăng một cách mất kiểm soát như hiện nay, không chỉ tạo áp thêm áp lực giao thông đô thị tại Thủ đô, mà còn đang đe dọa môi trường kinh doanh của các loại hình vận tải hành khách truyền thống, tuyến cố định.
Theo nhiều chuyên gia giao thông, để có thể hạn chế được sự lưu thông đối với các loại hình xe “núp mác” hợp đồng từ 9 chỗ trở lên, cần đưa vào diện cấm lưu thông trên các tuyến phố có nguy cơ ùn tắc cao của TP. Hà Nội.
Thông tin với báo chí, chuyên gia giao thông đô thị Đặng Minh Tân phân tích, nhiều tuyến đường như Trần Phú - Nguyễn Trãi, Tố Hữu - Lê Văn Lương… đã cấm xe taxi, xe hợp đồng dưới 9 chỗ và xe khách từ 16 chỗ trở lên hoạt động toàn thời gian hoặc trong giờ cao điểm.
“Biện pháp này đã hạn chế đáng kể lượng phương tiện kinh doanh vận tải thuộc diện không ưu tiên, góp phần giảm áp lực giao thông, trên cơ sở đó có thể nghiên cứu, xem xét cấm cả xe hợp đồng chờ khách từ 9 chỗ trở lên tại các tuyến đường trục chính, qua đó hạn chế xe khách trá hình hoạt động” - ông Tân nhận định.
Đồng tình với quan điểm của chuyên gia, chia sẻ với báo chí, Trưởng phòng Quản lý vận tại, Sở GTVT Hà Nội - Đào Việt Long cũng cho biết: “Có thể cấm xe hợp đồng từ 9 chỗ trở lên, ngoại trừ xe đưa đón học sinh, cán bộ, công nhân viên. Qua đó từng bước hạn chế xe khách trá hình trong nội đô TP”.
Cũng theo ông Đào Việt Long, việc tổ chức giao thông, cấm một số loại phương tiện lưu thông cần được nghiên cứu kỹ, tránh ảnh hưởng đến nhu cầu đi lại của người dân.
Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin, ngoài việc “lộng hành” của các xe “núp mác” hợp đồng tại các tuyến phố, thì một hiện trạng cũng vô cùng quan ngại khi tại nội đô, nhiều nhà xe vẫn đang sử dụng các văn phòng dưới danh nghĩa chuyển phát để làm điểm tập kết, đón – trả khách, các cơ quan quản lý cũng cần xem xét, có biện pháp đảm bảo tính minh bạch, công khai.
Có thể bạn quan tâm
Xe "núp mác" hợp đồng: Nghị định 10/2020/NĐ-CP vẫn chỉ nằm… trên giấy?
05:05, 29/04/2020
Xóa sổ vấn nạn xe “núp mác” hợp đồng (Bài 6): Có nên quản thay vì cấm?
11:02, 06/03/2020
Xóa sổ vấn nạn xe “núp mác” hợp đồng (Bài 5): Còn nhiều bất cập?
11:02, 01/03/2020
Xóa sổ vấn nạn xe “núp mác” hợp đồng (Bài 4): Giải pháp chuyển mình
19:00, 27/02/2020
Xóa sổ vấn nạn xe “núp mác” hợp đồng (Bài 3): Thời cơ phát triển?
09:30, 22/02/2020