Theo các chuyên gia phân tích chính trị, Hàn Quốc đang dần nghiêng về phía Mỹ khi gia tăng áp lực buộc Bắc Kinh phải có động thái trong việc kiềm chế tham vọng hạt nhân của Triều Tiên.
>>Gian nan phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên
Trong cuộc phỏng vấn với Reuters gần đây, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol nói rằng Trung Quốc với tư cách là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nên đóng một vai trò lớn hơn trong việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
“Điều chắc chắn là Trung Quốc có khả năng gây ảnh hưởng đến Triều Tiên, và Trung Quốc có trách nhiệm tham gia vào quá trình này", Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol nói và cho rằng vấn đề là liệu Bắc Kinh có quyết định sử dụng ảnh hưởng đó cho hòa bình và ổn định hay không.
Theo Tổng thống Hàn Quốc, các hoạt động gần đây của Bình Nhưỡng, chẳng hạn như các vụ phóng tên lửa đang diễn ra, đang thúc đẩy chi tiêu quốc phòng trong khu vực. Do đó, cần sớm thuyết phục Triều Tiên phi hạt nhân hóa.
Trao đổi trên SCMP, ông Park Won-gon, Giáo sư nghiên cứu về Triều Tiên tại Đại học Ewha, cho biết ưu tiên ngoại giao của Tổng thống Yoon hiện nay là mang lại sự rõ ràng cho mối quan hệ của Seoul với Bắc Kinh. “Tôi nghĩ rằng thời gian để thực hiện sự mơ hồ chiến lược của Hàn Quốc đã qua vì quan hệ Mỹ- Trung đang dần trở nên căng thẳng hơn”, ông Park Won-gon nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Andrew Yeo, một thành viên cấp cao tại Viện Brookings đánh giá, chính quyền của Tổng thống Yoon coi chính sách của người tiền nhiệm Moon Jae-in đối với Trung Quốc là “quá thận trọng và tôn trọng”, và họ cảm thấy cần phải khẳng định lợi ích quốc gia của chính Hàn Quốc.
“Chính phủ của ông Yoon đã nói rõ với Bắc Kinh rằng họ cũng có lợi ích quốc gia, an ninh và kinh tế của riêng mình, và Trung Quốc nên tôn trọng điều đó", chuyên gia Yeo nói. Do đó, các chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống Yoon Suk-yeol đang dần cho thấy, Seoul sẽ tăng cường kết nối với các đồng minh và đối tác có cùng chí hướng, có cùng quan điểm, lợi ích và giá trị.
>>Vì sao Triều Tiên phóng tên lửa tầm trung qua Nhật Bản?
Hiện nay, Triều Tiên liên tiếp gửi thông điệp phô diễn sức mạnh quân sự với Mỹ và đồng minh khi tiến hành phóng hơn 80 tên lửa các loại từ ngày 2/11 đến 5/11/2022, riêng ngày 3/11 ghi nhận tần suất cao chưa từng có với 23 quả tên lửa được phóng.
Trước đó, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết Triều Tiên có thể đã phóng một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) ra vùng biển phía đông, rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế nước này.
Giới quan sát nhận định, Seoul đang sử dụng hai cách tiếp cận khác nhau là áp lực ngoại giao và quân sự để đối phó với hành động gây hấn của Triều Tiên. Bên cạnh việc ủng hộ một số động thái quân sự của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương để ngăn chặn các hành động khiêu khích của Triều Tiên, Tổng thống Yoon Suk-yeol cũng đang thúc đẩy các giải pháp ngoại giao bằng cách gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Triều Tiên.
Điều mà ông Yoon mong muốn là Trung Quốc phải tăng sức ép buộc Triều Tiên ngừng hành động khiêu khích quân sự và quay trở lại bàn đàm phán.
Mặc dù vậy, một số ý kiến cũng bày tỏ sự nghi ngờ rằng Bắc Kinh sẽ thực sự có hành động cụ thể đối với Bình Nhưỡng. Ông Choo Jae-woo, Giáo sư nghiên cứu về Trung Quốc tại Đại học Kyung Hee nhận định: “Trung Quốc hoàn toàn không coi việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên là vấn đề quan trọng nhất. Có khả năng, Bắc Kinh sẽ không có bất kỳ động thái nào trừ khi Washinton hành động".
Trên thực tế, vấn đề Triều Tiên “không phải là ưu tiên” trong chính sách đối ngoại của Bắc Kinh. Do đó, có rất ít kỳ vòng về tác động của Trung Quốc trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên. “Đối với Trung Quốc, sự ổn định trên bán đảo Triều Tiên là rất quan trọng. Họ không muốn Bình Nhưỡng sở hữu vũ khí hạt nhân… nhưng họ cũng sẽ không thúc giục quốc gia này từ bỏ kho vũ khí hạt nhân của mình", ông Cho phân tích.
Có thể bạn quan tâm
Thử tên lửa đạn đạo, Triều Tiên gửi thông điệp gì tới Mỹ và phương Tây?
15:42, 02/11/2022
Gian nan phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên
04:00, 14/10/2022
Vì sao Triều Tiên phóng tên lửa tầm trung qua Nhật Bản?
04:00, 05/10/2022
Mỹ- Hàn sắp tập trận, bán đảo Triều Tiên "nóng" trở lại
04:30, 18/08/2022
Nga- Triều Tiên thắt chặt quan hệ, Mỹ có thêm nỗi lo!
04:17, 16/08/2022