Hàng giả, hàng nhái vẫn chưa... “hạ nhiệt”

GIA NGUYỄN 28/10/2021 11:04

Mặc dù đã có sự vào cuộc quyết liệt từ các lực lượng chức năng với nhiều biện pháp mạnh, thế nhưng, thực trạng hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại vẫn luôn tiềm ẩn và chưa có dấu hiệu giảm nhiệt…

 Lực lượng QLTT tiến hành kiểm kê thu giữ lô hàng trang thiết bị y tế, khẩu trang y tế có dấu hiệu giả mạo tại Phủ Lỗ, Sóc Sơn, Hà Nội.

Lực lượng QLTT tiến hành kiểm kê thu giữ lô hàng trang thiết bị y tế, khẩu trang y tế có dấu hiệu giả mạo tại Phủ Lỗ, Sóc Sơn, Hà Nội.

Theo thống kê của Ban chỉ đạo 389 quốc gia, trong 9 tháng của năm 2021, các lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, xử lý hơn 100.000 vụ việc vi phạm, thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 7.500 tỷ đồng, khởi tố 1.615 vụ việc với 2.148 đối tượng. Hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng lưu thông trên thị trường không chỉ gây ảnh hưởng đến lợi ích chính đáng, sức khoẻ, tài sản của người tiêu dùng, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, doanh thu của các nhà sản xuất, kinh doanh chân chính…

Thực trạng diễn biến phức tạp…

Theo ông Lê Thanh Hải - Chánh Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia, lợi dụng tình hình dịch COVID-19, các mặt hàng chủ yếu được buôn lậu liên quan đến phòng chống dịch là khẩu trang, thuốc điều trị COVID-19, máy tạo oxy, que test COVID-19, nước sát khuẩn, găng tay y tế đã qua sử dụng... Tình trạng buôn lậu diễn ra tại nhiều địa phương trên cả nước, phức tạp tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Ngoài ra, các mặt hàng buôn lậu “truyền thống” như thuốc lá ngoại, đường cát, mỹ phẩm, tân dược vẫn diễn ra phức tạp tại các tỉnh, thành phố: Quảng Trị, Đà Nẵng, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, Bình Phước, An Giang, Tiền Giang, Kiên Giang... tình trạng hàng kém chất lượng, hàng hóa không có nguồn gốc, xuất xứ được buôn bán tràn lan trên không gian mạng tại các website, trang mạng xã hội như facebook, zalo...

“Đáng nói, trong thời gian dịch bệnh COVID-19, còn xuất hiện phương thức mới trong việc vận chuyển hàng lậu, hàng cấm là lợi dụng xe được cấp giấy nhận diện phương tiện ưu tiên theo “luồng xanh” vận chuyển hàng hóa thiết yếu, phục vụ sản xuất, xuất khẩu và lưu thông thông suốt qua chốt kiểm soát dịch COVID-19 để vận chuyển, mua bán trái phép hàng lậu, hàng cấm…”, ông Hải chia sẻ.

Thực tế, chỉ trong tháng 10 vừa qua, không ít vụ việc đã được lực lượng chức năng tại các tỉnh, thành liên tục phát hiện triệt phá như: ngày 24/10, lực lượng chức năng tỉnh Phú Yên đã phát hiện, tạm giữ 2.950 lọ mỹ phẩm, 633 sản phẩm quần, áo, 140 linh kiện phụ tùng xe ô tô không rõ nguồn gốc xuất xứ; ngày 23/10 lực lượng chức năng tỉnh An Giang phát hiện, tạm giữ hàng vi phạm là 5.800 linh kiện quạt gió; hay như ngày 20/10, lực lượng chức năng tỉnh Bình Phước đã phát hiện, ngăn chặn vụ vận chuyển 415.000 khẩu trang không rõ nguồn gốc xuất xứ ra thị trường;...

Theo Ban chỉ đạo 389 quốc gia, một nhiệm vụ trọng tâm quý IV là các lực lượng chức năng tăng cường kiểm soát tuyến biên giới, trên biển, nhất là lối mòn, lối mở nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng mang vào nội địa tiêu thụ.

Còn nhiều… quan ngại

Thông tin với báo chí, ông Vũ Xuân Bính - Trưởng phòng Nghiệp vụ 2, Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, tình trạng gian lận thương mại, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ tại sao vẫn tồn tại và rất khó kiểm soát, rất khó đấu tranh triệt để? Bởi luật pháp dù có hoàn thiện đến đâu thì các đối tượng vi phạm luôn luôn tìm cách để lách, tìm ra sơ hở để trốn tránh kiểm tra.

“Đơn cử như trong xử lý vấn đề hàng giả, trị giá hàng hóa từ 30 triệu trở lên thì sẽ bị truy tố còn dưới 30 triệu thì xử lý hành chính. Quy định này khiến các đối tượng vi phạm lợi dụng kẽ hở để chia nhỏ hàng hóa vi phạm nhằm trốn tránh xử lý hình sự, và vì lợi nhuận cao nên các đối tượng thậm chí chấp nhận xử lý hành chính và vẫn tái phạm”, ông Bính chia sẻ.

Trước đó, thông tin về thực trạng hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại, Thượng tá Nguyễn Trọng Hiền – Trưởng Phòng Cảnh sát Kinh tế (Công an TP. Hải Phòng) cũng đánh giá, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến vấn nạn hàng giả, hàng nhái trên thị trường truyền thống cũng như các sàn giao dịch thương mại điện tử như hiện nay là do siêu lợi nhuận mà chúng mang lại.

Những hàng hoá bị làm giả, làm nhái thường là những sản phẩm có thương hiệu của các hãng nổi tiếng trong nước và thế giới, có giá thành cao. Khi làm giả, làm nhái, lợi nhuận sẽ tăng lên gấp nhiều lần so với giá trị thực tế sản phẩm. Vì cái lợi cá nhân, trước mắt, các đối tượng xấu lợi dụng kẽ hở của cơ chế, chính sách, chế tài xử lý để thực hiện hành vi phạm tội.

Theo Thượng tá Hiền, để hàng giả, hàng nhái có “đất sống” và có chiều hướng gia tăng, điều không thể không nói đến là sự “tiếp tay” của người tiêu dùng. Chính sự thiếu hiểu biết về các mặt hàng muốn mua, không phân biệt được đâu là hàng giả - hàng thật, cộng thêm tâm lý sính hàng ngoại, hám hàng rẻ của người tiêu dùng mà các đối tượng xấu có cơ hội lợi dụng để “tuồn” hàng giả, hàng nhái vào thị trường. Đã vậy, khi phát hiện ra bản thân bị lừa, mua phải hàng giả, kém chất lượng, vì tâm lý ngại va chạm nên người tiêu dùng nhiều lúc “tặc lưỡi” bỏ qua…

Còn theo ông Lê Thanh Hải - Chánh Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia, một trong những nguyên nhân khiến tình trạng buôn lậu, gian lận vẫn phức tạp, là do có tình trạng thiếu kiểm tra giám sát, để cán bộ, chiến sĩ, tiếp tay cho buôn lậu. Đặc biệt qua xử lý nhiều vụ việc, các lực lượng chức năng đã phát hiện một số cán bộ, công chức, sĩ quan có dấu hiệu tiêu cực, tiếp tay cho các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức tọa đàm trực tuyến:

“Hàng giả, hàng nhập lậu và gian lận thương mại: Thực trạng và giải pháp"

Thời gian: Từ 14h00 – 17h00, Thứ Năm ngày 28/10/2021

Điểm cầu chính: Tầng 7, Tòa nhà VCCI, số 9 Đào Duy Anh, Hà Nội

Chương trình được tổ chức trực tuyến qua Zoom/ DĐDN

Trực tiếp trên https://diendandoanhnghiep.vn

Link đăng ký tham gia qua Zoom: https://forms.gle/Xi2B6y4PWgKpwEbB8

Có thể bạn quan tâm

  • Xét xử vụ buôn bán hàng giả ống nhựa Thiếu Niên Tiền Phong: 126 tháng tù cho 4 bị cáo

    Xét xử vụ buôn bán hàng giả ống nhựa Thiếu Niên Tiền Phong: 126 tháng tù cho 4 bị cáo

    09:38, 19/07/2021

  • CÂU CHUYỆN CUỐI TUẦN: Giải pháp từng bước dẹp bỏ

    CÂU CHUYỆN CUỐI TUẦN: Giải pháp từng bước dẹp bỏ "vấn nạn" hàng giả, hàng nhái

    03:02, 18/04/2021

  • Triệt phá kho hàng giày dép nghi giả mạo nhãn hiệu ở Hà Nội

    Triệt phá kho hàng giày dép nghi giả mạo nhãn hiệu ở Hà Nội

    11:01, 30/03/2021

  • Vụ buôn lậu, sản xuất hàng giả tại An Giang: Lật tẩy âm mưu dùng tiền chạy điều chuyển Giám đốc Công an tỉnh

    Vụ buôn lậu, sản xuất hàng giả tại An Giang: Lật tẩy âm mưu dùng tiền chạy điều chuyển Giám đốc Công an tỉnh

    21:32, 09/03/2021

  • An Giang: Tạm giữ hình sự Giám đốc Công ty sản xuất hàng giả số lượng lớn

    An Giang: Tạm giữ hình sự Giám đốc Công ty sản xuất hàng giả số lượng lớn

    09:21, 08/03/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Hàng giả, hàng nhái vẫn chưa... “hạ nhiệt”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO