Agribank AMC sẽ tổ chức bán đấu giá 9 quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở tại các địa chỉ số 228, 228D và 230/4 Pasteur với giá khởi điểm là 346,3 tỷ đồng.
Công ty TNHH MTV Quản lý nợ và khai thác tài sản Agribank (Agribank AMC) vừa thông báo sẽ phối hợp với CTCP bán đấu giá Lam Sơn để tổ chức bán đấu 9 quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất trên đường Pasteur, Phường 6, Quận 3, TP HCM nhằm xử lý thu hồi nợ xấu.
Theo thông báo, ngày 1/11/2018 sẽ tổ chức bán đấu giá 9 quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở tại các địa chỉ số 228, 228D và 230/4 Pasteur với giá khởi điểm là 346,3 tỷ đồng.
Đây là địa chỉ trụ sở của Công ty TNHH Phát triển Địa ốc Hoàng Phố. Doanh nghiệp này đã dùng những tài sản nêu trên thế chấp để bảo đảm cho khoản vay tại Agribank - Chi nhánh Trung tâm Sài Gòn. Tuy nhiên, do không có khả năng trả nợ, Địa ốc Hoàng Phố phải bàn giao tài sản cho Agribank - Chi nhánh Trung tâm Sài Gòn. Đồng thời, các bên đã thống nhất đấu giá để thu nợ khoản vay theo quy định.
Ngoài ra, Agribank AMC cũng lưu ý đối với các cá nhân, tổ chức tham gia đấu giá là tài sản được đấu giá theo nguyên trạng (bao gồm tài sản, tình trạng pháp lý và các rủi ro tiềm ẩn) và theo phương thức có sao bán vậy. Người tham gia đấu giá tài sản xem xét tài sản và tự xác định chất lượng, số lượng, tình trạng của tài sản theo hiện trạng thực tế.
Agribank là một trong những ngân hàng tích cực trong việc bán tài sản để xử lý nợ xấu và đã nhiều lần bán đấu giá tài sản là các khu "đất vàng". Tính riêng trong tháng 9/2018, Agribank và Agribank AMC có hơn 10 đợt đấu giá tài sản, giá chào bán khởi điểm hơn 470 tỷ đồng. Trong đó có nhiều tài sản giá trị như 3 quyền sử dụng đất ở phường Phú Hữu, quận 9, TPHCM với giá khởi điểm 96 tỷ đồng; quyền sử dụng đất tại số 132 phố Nguyễn Thái Học, Hà Nội cùng tòa nhà gắn liền với giá khởi điểm 69 tỷ đồng...
Được biết, trong báo cáo tài chính bán niên được công bố gần đây, trong 6 tháng đầu năm, dư nợ tại VAMC của Agribank giảm 38,5% chỉ còn 25.198 tỷ đồng. Cùng với đó, tổng nợ xấu của ngân hàng tăng 12% từ 18.000 tỷ đồng lên 20.162 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu tăng lên 2,18%.
Theo Ngân hàng Nhà nước, sau một năm triển khai Nghị quyết 42/2017 của Quốc hội về xử lý nợ xấu, ngành ngân hàng đã thành công trong việc bán đấu giá nhiều tài sản lớn tồn đọng nhiều năm. Có những khoản nhiều năm không xử lý được đồng nào, nay giải quyết được trên 90%. Đặc biệt là các tài sản đảm bảo là bất động sản bao năm bị bỏ hoang do vướng mắc về cơ chế, gây lãng phí nguồn lực xã hội.