Bộ Công Thương đề nghị các doanh nghiệp rà soát, xem xét các vấn đề liên quan đến đầu vào, tiết giảm các chi phí sản xuất nhằm hạ giá thành sản phẩm cũng như có biện pháp tăng công suất sản xuất thép…
Ngày 11/5 mới đây, Bộ Công Thương đã gửi văn bản tới Hiệp hội Thép Việt Nam, Công ty CP Tổng công ty Thép VN, Tập đoàn Hòa Phát, Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa và CTCP Thép Nghi Sơn đề nghị: rà soát, xem xét các vấn đề liên quan đến đầu vào, tiết giảm các chi phí sản xuất nhằm hạ giá thành sản phẩm cũng như có biện pháp tăng công suất sản xuất thép để đáp ứng tối đa nhu cầu trong nước, hạn chế xuất khẩu các mặt hàng, sản phẩm thép mà thị trường trong nước đang có nhu cầu.
Bộ Công Thương đề nghị các doanh nghiệp rà soát các đại lý phân phối trong việc cung cấp hàng đến các hộ tiêu thụ, người tiêu dùng, tránh hiện tượng đẩy hàng, tăng giá hoặc cạnh tranh không lành mạnh. Trong quá trình sản xuất kinh doanh, nếu có vướng mắc khó khăn thì đề xuất với Chính phủ và các bộ có biện pháp tháo gỡ.
Cơ quan này nhận định việc tăng giá thép ảnh hưởng toàn cục đến thị trường xây dựng, bất động sản, gây ảnh hưởng lên lạm phát. Đặc biệt Chính phủ đang chỉ đạo quyết liệt việc giải ngân vốn đầu tư công để đảm bảo tăng trưởng kinh tế và an sinh xã hội. Do đó việc tăng giá thép sẽ làm tăng tổng mức đầu tư, tăng giá vốn gói thầu và hợp đồng xây dựng, phá vỡ kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn của Chính phủ, làm tăng chi phí ngân sách, ảnh hưởng đến tài khóa 2021.
Ngành thép trong nước cơ bản phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu đầu vào nhập khẩu từ nước ngoài như: quặng sắt, thép phế liệu, than mỡ luyện cốc… nên khi giá nguyên liệu đầu vào (nhất là từ thị trường Trung Quốc) biến động sẽ làm giá thép thành phẩm trong nước điều chỉnh theo.
Theo đánh giá từ Hiệp hội Thép Việt Nam, xu hướng diễn biến giá cả nguyên liệu và thép thành phẩm trên thế giới trong năm 2021 sẽ còn nhiều biến động, có thể thiết lập một mặt bằng giá mới như thời kỳ hậu khủng hoảng tài chính 2008.
Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị nghiên cứu rà soát nhằm xây dựng các hàng rào kỹ thuật và tiêu chuẩn chất lượng tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh và đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng. Đồng thời chủ động tiến hành triển khai các giải pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩm thép phù hợp với các quy định thương mại và luật pháp quốc tế.
Mặt khác, cơ quan chức năng cũng theo dõi và xem xử lý kịp thời việc chống bán phá giá một số sản phẩm thép nhập khẩu vào thị trường Việt Nam cũng như đối phó với các vụ kiện chống bán phá giá của các nước đối với mặt hàng thép xuất khẩu của Việt Nam nhằm giảm thiểu các thiệt hại cho các doanh nghiệp sản xuất thép.
Tăng cường công tác quản lý thị trường để ngăn chặn, xử lý kịp thời những hiện tượng đầu cơ tăng giá thép, thao túng giá thép trên thị trường, gian lận thương mại làm thất thu ngân sách Nhà nước và ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Kiến nghị ban hành các chính sách kiểm soát xuất khẩu đối với các loại thép trong nước đang có nhu cầu. Bên cạnh đó là tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư sản xuất thép sớm đưa vào hoạt động.
Cũng liên quan đến hàng rào kỹ thuật đối với thép thành phẩm, Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) đang cân nhắc các biện pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong nước, thông qua việc xem xét thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) đối với nguyên liệu để sản xuất thép, hiện đang được quy định là 0%-3% tùy nhóm mã hàng.
Thay vì điều tiết thuế nhập khẩu, Bộ Tài chính tính toán xem xét phương án điều chỉnh chính sách thuế tự vệ với phôi thép và các sản phẩm thép xây dựng trong giai đoạn hiện nay, giúp giảm giá thành nguyên liệu đầu vào cho doanh nghiệp sản xuất thép. Hiện mức thuế tự vệ với phôi thép nhập khẩu là 13,3% và sẽ giảm về 11,3% vào 22-3-2022. Với sản phẩm thép dài, mức thuế này áp dụng cho từng giai đoạn, hiện là 7,9% và sẽ giảm về 6,4% vào tháng 3-2022.
Riêng thuế nhập khẩu thép thành phẩm, hiện mặt hàng thép xây dựng (thép hình, thép góc) áp thuế suất ưu đãi 15% và 20% với thép dạng thanh que. Những mặt hàng này nhập khẩu chủ yếu từ thị trường Trung Quốc và Ấn Độ.
Hiện chỉ một nhóm nhỏ sản phẩm thép là áp thuế phòng vệ thương mại. Nhóm nhập khẩu lớn nhất là thép cán nóng, thép phế... hiện không áp thuế này. Vì thế, điều chỉnh thuế tự vệ cũng cần cân nhắc phù hợp với WTO, cam kết quốc tế và luật quản lý ngoại thương, đồng thời tạo điều kiện cân đối nguồn cung.
Việt Nam hiện đang đẩy mạnh việc xem xét xử lý việc chống bán phá giá một số sản phẩm thép nhập khẩu vào thị trường Việt Nam, nhằm giảm thiểu các thiệt hại cho doanh nghiệp sản xuất thép.
Có thể bạn quan tâm