Một dự án quốc tế với chủ đề phục hồi du lịch sau COVID-19 đã được 3 trường đại học lớn tại Việt Nam và quốc tế triển khai cùng sự tham gia của hàng ngàn chuyên gia.
>> Du lịch cần nhanh chóng đón bắt xu thế, tránh lỡ nhịp với thế giới
Nhằm đẩy nhanh quá trình phục hồi và phát triển ngành du lịch khách sạn vùng Úc – ASEAN sau đại dịch, một dự án quốc tế với chủ đề phục hồi du lịch sau COVID-19 đã được 3 trường đại học lớn tại Việt Nam và quốc tế triển khai cùng sự tham gia của hàng ngàn chuyên gia. Hội thảo đặt ra kì vọng về các giải pháp hồi phục sau những tổn thương do Covid tác động tới ngành du lịch.
Dự án do trường Đại học VinUni, Đại học Griffih (Úc) và Đại học Petra (Indonesia) thực hiện, dưới sự tài trợ của Hội đồng Úc – ASEAN (Australia – ASEAN Council). Dự án tập trung vào hướng tìm giải pháp xây dựng hệ thống liên kết vùng Úc – ASEAN và tăng cường hợp tác ba bên (Chính phủ, Doanh nghiệp và Nhà nghiên cứu) giữa Úc và các nước ASEAN nhằm phục hồi du lịch hậu COVID-19.
Điểm nhấn quan trọng của dự án là chuỗi hội thảo quốc tế kéo dài từ tháng 7 đến tháng 11/2021, với các chủ đề trọng tâm: “Smart” Recovery (Giải pháp Phục hồi thông minh); “Smart” Technologies (Công nghệ tiên tiến); và Value Co-creation (Kiến tạo các giá trị). Gần 2.500 Giáo sư, chuyên gia nghiên cứu, lãnh đạo doanh nghiệp, quản lý các tổ chức phi chính phủ và cơ quan nhà nước… đến từ 15 quốc gia đã tham dự chuỗi hội thảo, mang tới những hướng đi mới cho ngành du lịch khách sạn khu vực Úc-ASEAN sau 2 năm tổn thương do COVID-19.
Với chủ đề “Giải pháp phục hồi thông minh”, 16 Giáo sư, chuyên gia quốc tế đã thảo luận những giải pháp hợp tác đối phó với đại dịch. Các diễn giả đã đưa ra những gợi ý cho doanh nghiệp thích ứng với điều kiện bình thường mới. Các mô hình du lịch theo nhóm, số đông sẽ cần thay đổi theo hướng cá nhân hóa, tập trung vào các nhóm nhỏ, quy mô gia đình từ 5 đến 7 người. Quy trình dịch vụ phải tinh gọn hóa, giảm bớt tiếp xúc trực tiếp và dựa trên các nhân viên đa năng đa nhiệm để đáp ứng những yêu cầu mới của khách hàng về an toàn, vệ sinh dịch tễ và trải nghiệm cá nhân.
Tổng kết hội thảo, ông Lê Ngọc Tuấn - Giám đốc Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Việt Nam cho biết Chính phủ sẽ hỗ trợ ngành du lịch bằng những chiến dịch kích cầu, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp du lịch – khách sạn sớm trở lại trạng thái bình thường mới.
Trong khi đó, tại hội thảo “Giải pháp công nghệ thông minh”, các Giáo sư trong top đầu thế giới cùng đại diện lãnh đạo doanh nghiệp đã chia sẻ về thực trạng và tương lai của việc áp dụng công nghệ trong ngành du lịch khách sạn. Gần 900 người tham dự hội thảo đều đồng tình với quan điểm về sự lên ngôi của “chuyển đổi số” trong giai đoạn đại dịch, do các diễn giả Anthony Slewka-Armfelt - Giám đốc vùng khu vực Đông Nam Á chuỗi khách sạn Sofitel, bà Nguyện Trần - Giám đốc phát triển doanh nghiệp SunGroup trình bày.
Những công nghệ hàng đầu như trí tuệ nhân tạo, robot, blockchain... đang đóng vai trò ngày càng quan trọng trong ngành du lịch khách sạn. Nhờ đó, hệ thống giao tiếp và quản lý thông tin khách hàng đa kênh được đổi mới; các dịch vụ khách hàng và chương trình khách hàng thân thiết được cá nhân hoá; quy trình check-in/check-out, thanh toán và tài chính cũng được quản lý hiệu quả.
Theo các chuyên gia, làn sóng chuyển đổi số sẽ quyết định việc thành bại của các doanh nghiệp du lịch khách sạn trong giai đoạn bình thường mới.
Hội thảo cuối cùng trong dự án về “Giá trị đồng kiến tạo” (Value Co-creation) tập trung vào vai trò quan trọng của khách hàng trong việc kiến tạo giá trị sản phẩm/dịch vụ. Các diễn giả nhấn mạnh, khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp trong giai đoạn bình thường mới sẽ phụ thuộc vào khả năng thấu hiểu nhu cầu cá nhân khách hàng và thu hút sự tương tác của họ.
Đây là mấu chốt để doanh nghiệp du lịch, khách sạn thiết kế được những trải nghiệm dịch vụ độc đáo, khác biệt, khó quên dựa trên tinh hoa văn hóa, ẩm thực và cảnh quan địa phương. Xu hướng tất yếu trong ngành dịch vụ sau đại dịch là tập trung vào giá trị cảm xúc. Điều này tạo nên cốt lõi trong trải nghiệm dịch vụ và các doanh nghiệp cần ứng dụng công nghệ để kết nối, thấu hiểu và gắn kết với khách hàng.
Theo Giáo sư Sunmee Choi (Viện trưởng Viện Kinh doanh Quản trị, Trường Đại học VinUni), để tạo ra những dự án đem lại giá trị thiết thực như dự án phục hồi và phát triển ngành du lịch – khách sạn, việc kết nối chặt chẽ 3 bên (khối học thuật, nghiên cứu; các doanh nghiệp; các cơ quan chức năng) là rất quan trọng. Với VinUni, trường sẽ thúc đẩy nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực Du lịch thông minh và trao đổi tri khức trong ngành bằng việc xây dựng liên kết vùng Úc-ASEAN.
“Đến năm 2024, VinUni sẽ sẵn sàng cung cấp những lứa sinh viên tài năng đầu tiên tốt nghiệp chuyên ngành Quản trị Du lịch Khách sạn để nắm bắt đà phục hồi và phát triển mới của ngành” - Giáo sư Sunmee Choi cho biết.
Có thể bạn quan tâm
Du lịch cần nhanh chóng đón bắt xu thế, tránh lỡ nhịp với thế giới
15:36, 25/12/2021
Kỳ vọng du lịch Việt Nam sớm “bứt phá” trong thời gian tới
11:15, 25/12/2021
Du lịch Việt Nam - phục hồi và phát triển
09:34, 25/12/2021
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Bảo tồn danh lam thắng cảnh Hồ Ba Bể trở thành điểm du lịch hấp dẫn
22:26, 23/12/2021