Đang hiển thị
Tỉnh thành khác
Với quan điểm: “Doanh nghiệp đến, Hậu Giang vui”, “Thành công của doanh nghiệp là thành quả của tỉnh”, thời gian qua, tỉnh Hậu Giang đã không ngừng kiến tạo môi trường đầu tư, kinh doanh hấp dẫn.
Trên bảng xếp hạng PCI năm 2023, tỉnh Hậu Giang xếp vị trí thứ 9 cả nước với 69,17 điểm, tăng 3 bậc so với năm 2022.
>> “Doanh nghiệp đến, Hậu Giang vui”
Theo báo cáo PCI 2023, tỉnh Hậu Giang có nhiều chỉ số thành phần tăng so với năm 2022. Trong đó, chỉ số gia nhập thị trường đạt 7,49 điểm (tăng 0,24 điểm); chỉ số tính minh bạch đạt 6,73 điểm (tăng 0,91 điểm); chỉ số chi phí không chính thức đạt 7,90 điểm (tăng 0,42 điểm); chỉ số thiết chế pháp luật, an ninh trật tự đạt 7,90 điểm (tăng 0,35 điểm). Đặc biệt, chỉ số hỗ trợ doanh nghiệp đạt 7,10 điểm (tăng 1,25 điểm).
Về Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) năm 2023, Hậu Giang xếp vị trí thứ 11 cả nước. Trong đó, các chỉ số tăng điểm là: giảm thiểu ô nhiễm môi trường và thiên tai tăng từ 3,97 lên 7,30 điểm; đảm bảo tuân thủ 4,07 lên 6,18 điểm; vai trò lãnh đạo của chính quyền tỉnh trong thúc đẩy thực hành xanh từ 3,77 lên 4,83 điểm; chính sách khuyến khích hỗ trợ dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường từ 2,24 lên 4,87 điểm.
Theo UBND tỉnh Hậu Giang, thời gian qua tỉnh xác định doanh nghiệp là động lực quan trọng để phát triển, là chủ thể có nhiều đóng góp vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Để hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư trong triển khai dự án, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tỉnh Hậu Giang đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thực sự thông thoáng, cởi mở, công khai, minh bạch; cũng như những chính sách ưu đãi tốt nhất đối với nhà đầu tư khi đầu tư vào tỉnh, những ngành nghề đang được tỉnh tập trung kêu gọi thu hút đầu tư.
Theo đó, tỉnh đã đẩy mạnh rà soát, xây dựng quy định trình tự, thủ tục, nhất là cơ chế phối hợp giải quyết các thủ tục hành chính về đầu tư, xây dựng, đất đai, thuế… Công khai hóa các quy trình và rút ngắn thời gian làm thủ tục cho thuê đất, giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp, đẩy nhanh tiến độ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, kết nối với các tổ chức tín dụng, hỗ trợ xúc tiến thương mại tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mở rộng thị trường tiêu thụ…
Đặc biệt, tỉnh luôn sát cánh, đồng hành và chia sẻ cùng nhà đầu tư trong suốt quá trình triển khai dự án, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả cao nhất tại tỉnh Hậu Giang.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh: Phương châm của tỉnh là chuyển đổi mạnh mẽ tư duy từ “chính quyền quản lý” sang “chính quyền phục vụ”; lấy người dân và doanh nghiệp là chủ thể, là trung tâm phục vụ. Đồng thời, xem việc tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia giải quyết thủ tục hành chính; hỗ trợ, hướng dẫn, tạo môi trường tốt cho doanh nghiệp hoạt động là trách nhiệm của từng cán bộ, công chức, viên chức.
Với quan điểm “Doanh nghiệp đến, Hậu Giang vui”; “Thành công của doanh nghiệp là thành quả của tỉnh”, khẩu hiệu hành động là “2 nhanh, 3 tốt”, đó là “Nhanh giải phóng mặt bằng và thủ tục đầu tư” và “Cơ hội tốt, chính sách tốt, hạ tầng tốt”, tỉnh Hậu Giang sẵn sàng chào đón và đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp hợp tác, đầu tư, với phương châm “Đổi mới, đột phá, quyết tâm và khát vọng”. Điều này, thể hiện khát vọng mới, sự cầu thị, sự cam kết mạnh mẽ và đồng hành của chính quyền trong việc mời gọi cộng đồng doanh nghiệp đến với Hậu Giang.
Đến nay, toàn tỉnh có 321 dự án đầu tư, với tổng mức đầu tư hơn 184.733 tỉ đồng, trong đó có 256 dự án ngoài khu, cụm công nghiệp với tổng số vốn hơn 35.537 tỉ đồng và 62 dự án trong khu công nghiệp với tổng số vốn hơn 148.905 tỉ đồng, 3 dự án trong Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang với tổng số vốn là 289,9 tỉ đồng. Hậu Giang tiếp tục định hướng phát triển và thu hút đầu tư tập trung vào 4 trụ cột gồm “Công nghiệp hiện đại, Nông nghiệp sinh thái, Đô thị thông minh và Du lịch chất lượng”.
Có thể bạn quan tâm