Hệ lụy từ thủy điện bậc thang “ken dày” ở Nghệ An

NGỌC THÁI 02/11/2020 09:15

Tích nước vào mùa khô kiệt, xả lũ vào mùa mưa lũ… là “quy trình” vận hành của các nhà máy thủy điện lớn, nhỏ ở trên các sông suối tại Nghệ An đang khiến nguy cơ mất cân bằng hệ sinh thái hiện hữu.

Thảm cảnh vùng hạ lưu các con sông ở Nghệ An mấy ngày nay đang bị lũ bủa vây, chia cắt do mưa lũ có một phần không nhỏ được cho là tác nhân từ công tác quy hoạch phát triển thủy điện “ken dày” gây ra.

Số liệu từ Sở Công Thương tỉnh Nghệ An cung cấp, trên địa bàn Nghệ An hiện có 32 dự án thủy điện lớn, nhỏ với tổng công suất 1.359,9MW được chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng.

Đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn đã có 19 hồ chứa thủy điện đang vận hành khai thác, trong đó có 8 hồ chứa gồm: Bản Vẽ, Khe Bố, Chi Khê, Nậm Nơn, Nậm Mộ, Bản Ang, Nhạn Hạc A, Châu Thắng đã vận hành quy trình xả lũ trên lưu vực sông Cả.

Đây đều là những hồ chứa thủy điện bậc thang trên lưu vực thượng nguồn sông Cả, sông Hiếu của tỉnh Nghệ An. Cho nên, khi vận hành quy trình xả lũ ở một công trình thủy điện phía thượng nguồn thì đồng loạt các nhà máy thủy điện bậc thang vùng hạ nguồn cũng bắt buộc phải mở cửa xả với lưu tốc chảy kinh hoàng.

Thủy điện bậc thang quá dày đặc trên hệ thống sông Cả ở Nghệ An đã khiến nguy cơ mất cân bằng sinh thái hiện hữu nhiều năm qua

Thủy điện bậc thang quá dày đặc trên hệ thống sông Cả ở Nghệ An đã khiến nguy cơ mất cân bằng sinh thái hiện hữu nhiều năm qua

Các dự án đang được triển khai xây dựng nhà máy thủy điện của Nghệ An cũng lấy đi 5.687 ha đất rừng, 1.733,3 ha đất sản xuất nông nghiệp và hơn 1 nghìn ha đất khác. Chưa kể, các thủy điện chặn dòng, tích nước đã khiến hàng nghìn hộ dân sinh sống từ đời này sang thế hệ khác buộc phải “nhường đất, dời nhà” đi nơi khác để dành chỗ cho… thủy điện.

Chỉ tính riêng 03 dự án nhà máy thủy điện lớn như Bản Vẽ (320MW), Khe Bố (100MW) trên thượng nguồn sông Lam ở huyện Tương Dương, Hủa Na (180MW) trên sông Chu ở huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An đã có gần 5.000 hộ dân phải di dời đến nơi ở mới.

Thủy điện đi trước, họa rước theo sau là thảm cảnh dễ nhận thấy trong những năm qua đối với đời sống của người dân không chỉ vùng thượng lưu mà cả ngay các huyện đồng bằng, vùng miền núi trung du của tỉnh Nghệ An đang phải gánh chịu.

Trong một lần trao đổi với phóng viên, kỹ sư Nguyễn Quang Hòa - nguyên Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Nghệ An, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ thủy lợi đã cảnh báo rằng, việc quy hoạch xây dựng ồ ạt các dự án nhà máy thủy điện theo bố cục bậc thang trong thời gian qua trên địa bàn Nghệ An sẽ gây ảnh hưởng rất lớn tới đời sống dân sinh của người dân. Vấn đề này cũng đã được cảnh báo tại các diễn đàn phản biện về những hệ lụy liên quan đến thủy điện nhưng các nhà chức trách vẫn phớt lờ, chấp thuận cho triển khai xây dựng hàng chục thủy điện nhỏ trên địa bàn trong thời gian qua.

Mùa mưa lũ, hệ thống các sông suối đều có lưu tốc xả lũ mạnh khiến vùng đồng bằng trung du Nghệ An luôn ngập úng trên diện rộng

Mùa mưa lũ, hệ thống các sông suối đều có lưu tốc xả lũ mạnh khiến vùng đồng bằng trung du Nghệ An luôn ngập úng trên diện rộng

Chưa kể, cái nghịch lý lớn nhất là khi xây dựng hàng chục thủy điện lớn, nhỏ trên thượng lưu các con sông lớn khiến lũ lụt, hạn hán… liên tục xảy ra từ nhiều năm qua trên địa bàn Nghệ An. Mặt khác, với việc làm thủy điện bậc thang như hiện nay thì nguy cơ vỡ dây chuyền sẽ kéo theo hậu họa rất lớn đối với hàng triệu người dân ở Nghệ An vùng hạ lưu.

“Thực tế cho thấy, thủy điện chặn dòng khiến hàng nghìn ha diện tích đất rừng bị nhấn chìm. Phía dưới vùng hạ lưu sông Cả thì giảm rất lớn lượng phù sa bồi đắp hàng năm mà thay vào đó là do tác động của dòng chảy nên tình trạng sạt lở, xói mòn đã xảy ra ở các huyện Đô Lương, Thanh Chương, Nam Đàn. Việc làm thủy điện đã thực sự tiếp tay cho quá trình biến đổi khí hậu nhanh hơn” – Kỹ sư Nguyễn Quang Hòa phân tích.

Các chuyên gia môi trường cũng phân tích thì để tạo ra 1MW điện năng chúng ta phải xóa sổ 10-30ha rừng. Và, để có được 1.000ha mặt bằng làm hồ chứa thủy điện thì phải san bằng 1.000 - 2.000 ha đất rừng ở nơi thượng nguồn. Liệu đến bao giờ, và mấy chục năm nữa thì diện tích rừng bị xóa sổ sẽ được tái sinh, khôi phục, cân bằng như trước?

Có thể bạn quan tâm

  • Nghệ An: Nhiều nơi vẫn ngập sâu, lũ các sông đang lên cao

    Nghệ An: Nhiều nơi vẫn ngập sâu, lũ các sông đang lên cao

    10:15, 31/10/2020

  • Nghệ An: Mưa lớn kéo dài, nhiều nơi ngập sâu, chia cắt

    Nghệ An: Mưa lớn kéo dài, nhiều nơi ngập sâu, chia cắt

    07:59, 30/10/2020

  • Vietcombank tài trợ 15 tỷ đồng kinh phí xây dựng trường Hoàng Trù (Nghệ An)

    Vietcombank tài trợ 15 tỷ đồng kinh phí xây dựng trường Hoàng Trù (Nghệ An)

    00:20, 30/10/2020

  • Thủ tướng: Nghệ An phải lên top 10 trong môi trường đầu tư kinh doanh

    Thủ tướng: Nghệ An phải lên top 10 trong môi trường đầu tư kinh doanh

    12:54, 17/10/2020

  • Ông Thái Thanh Quý tái đắc cử Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An

    Ông Thái Thanh Quý tái đắc cử Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An

    09:30, 18/10/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Hệ lụy từ thủy điện bậc thang “ken dày” ở Nghệ An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO