“Việc nhiều nơi vội vã cấm xe điện sau vụ cháy lớn tại Hà Nội vừa qua là phản ứng cực đoan, thậm chí có thể phạm luật. Bởi xe điện là loại phương tiện được pháp luật công nhận, khuyến khích sử dụng…”.
Đây là chia sẻ của TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội về làn sóng “tẩy chay” xe điện sau vụ cháy lớn với hậu quả đặc biệt nghiêm trọng tại Hà Nội vừa qua. Lý giải thêm về điều này, ông Dũng cho rằng, xe điện là loại phương tiện được pháp luật công nhận, khuyến khích sử dụng để bảo vệ môi trường và được nghiên cứu chứng minh là khả năng "phát hỏa" cực thấp, trong khi nguyên nhân vụ cháy chưa được xác định rõ.
>>Chung cư mini, “nhà hộp diêm”: “Vấn nạn” của các đô thị
Lo lắng là cần thiết nhưng không nên thái quá
Theo đó, từ sau thảm họa cháy ở chung cư mini nằm trên địa bàn phường Khương Hạ (quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) khiến gần 56 người tử vong, dù cơ quan chức năng vẫn chưa có kết luận cuối cùng nhưng vẫn có một số thông tin lan truyền cho rằng, nguyên nhân vụ cháy là bởi xe điện. Đáng chú ý, bởi lo lắng về tình trạng mất an toàn cháy nổ, nhiều chung cư mini, chủ nhà trọ, ngay cả các chung cư lớn đã bắt đầu ra quy định cấm sạc xe dưới hầm, tầng để xe, thậm chí có nơi còn quyết liệt hơn khi cho biết sẽ chấm dứt cho thuê trọ nếu người thuê dùng xe điện.
Xung quanh câu chuyện này, Trung tá Phạm Thanh Tâm, Phó đội trưởng PCCC&CHCN khu vực 2, Hà Nội cho biết, một số nơi thực hiện tách riêng khu vực cho xe điện tại những nơi giữ xe là rất cần thiết để giảm rủi ro cháy nổ. Xe điện có thể không phải nguồn phát cháy, nhưng khi cháy sẽ là tác nhân làm vụ cháy thêm nghiêm trọng, nên cần khoanh vùng riêng. Cũng theo Trung tá Phạm Thanh Tâm, lo lắng của người dân về an toàn là cần thiết, nhưng không nên thái quá, bởi "nếu ai cũng cấm, người dùng biết sạc ở đâu".
“Xe điện nếu được kiểm định chất lượng rõ ràng, người dùng tuân thủ quy định sạc thì rủi ro là rất thấp. Tuy vậy, hiện nay trên thị trường, chỉ hãng lớn có nhà máy như Vinfast, Yadea... có đầy đủ giấy tờ chứng nhận. Còn lại, một lượng rất lớn xe máy điện được bán ở các cửa hàng nhỏ lẻ nhập khẩu từ Trung Quốc không có kiểm định chất lượng, nhiều người dùng, đặc biệt thanh niên lại thích độ chế nên nguy cơ cháy nổ tăng”, Trung tá Phạm Thanh Tâm chia sẻ.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cũng cho rằng, đánh giá hậu quả của vụ cháy trên đường Khương Hạ quá nghiêm trọng nên việc người dân thận trọng và đề phòng cũng là điều dễ hiểu. Từ góc nhìn tích cực, TS Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng ý thức phòng chống cháy nổ của cả xã hội được nâng cao là điều đáng mừng. Tuy nhiên, việc cấm xe điện là cực đoan, thậm chí là sai luật.
Cũng theo TS Nguyễn Sĩ Dũng, xe điện là loại phương tiện được Nhà nước cho phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng. Để được đưa ra thị trường, các phương tiện đều trải qua quá trình kiểm định khắt khe và phải đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn kỹ thuật về an toàn, môi trường và phòng chống cháy nổ.
Là phương tiện được pháp luật công nhận nên xe điện được lưu hành, sử dụng ở bất kỳ nơi nào, bình đẳng như các phương tiện giao thông khác. Đồng thời, xe điện cũng được phép sạc tại những nơi đảm bảo an toàn về phòng chống cháy nổ, bao gồm cả hầm chung cư.
"Xe điện là phương tiện hợp pháp, được pháp luật công nhận chính thức. Không ai có quyền cao hơn pháp luật để cấm xe điện. Việc chủ chung cư, nhà trọ cấm xe điện là không đúng với quy định của pháp luật", TS. Nguyễn Sĩ Dũng phân tích.
>>Luật Nhà ở (sửa đổi): “Ngăn” chung cư mini “lách luật”
Thực tế đang thiếu tiêu chuẩn, quy trình quản lý pin xe điện
Đáng chú ý, phân tích về vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng, hiện đang tồn tại một nghịch lý trong công tác quản lý hiện nay. Đó là các tiêu chuẩn, quy trình quản lý pin xe điện còn thiếu, trong khi diễn biến cháy nổ ngày càng phức tạp. Trong khi đó, xe máy điện, xe đạp điện là phương tiện giao thông ngày càng phổ biến ở nước ta với hơn 3 triệu chiếc đang lưu hành.
Chia sẻ vể điều này, ông Trần Thành Vinh, Trưởng Ban Khoa học kỹ thuật, Hiệp hội PCCC&CNCH Việt Nam cho biết, dù tốc độ phát triển phương tiện xe điện cao nhưng hiện chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn riêng để đảm bảo an toàn cháy nổ cho pin lithium ion và xe điện. Đây là cả quá trình từ khâu sản xuất, vận chuyển, lưu kho đến sử dụng, bảo trì, với trách nhiệm thuộc về nhiều cơ quan, ban, ngành.
Cụ thể theo ông Vinh, Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Bộ KH&CN ban hành các quy chuẩn đảm bảo an toàn cháy nổ cho pin lithium ion và xe điện. Cục Đăng kiểm, Bộ GTVT là cơ quan quản lý, có những quy chuẩn kiểm soát chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cho phương tiện, điều chỉnh kịp thời, phù hợp với thực tiễn.
Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương kiểm soát hàng hóa lưu thông trên thị trường. Cục Cảnh sát PCCC&CNCH, Bộ Công an có trách nhiệm giáo dục khiến thức PCCC cho người dân, Cục CSGT hạn chế tai nạn khi phương tiện lưu thông trên đường. Do đó, ông Vinh cho rằng có 3 vấn đề cấp thiết mà cơ quan quản lý cần vào cuộc thực hiện ngay.
Thứ nhất, sớm ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn riêng liên quan đảm bảo an toàn cháy cho pin lithium ion và xe điện; Thứ hai, cần có sự vào cuộc nhanh chóng liên quan việc kiểm soát chất lượng sản phẩm; Thứ ba, cần có sự quản lý chặt chẽ với các nhà sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh.
“Hơn ai hết, người sử dụng sản phẩm này phải được trang bị kiến thức, kỹ năng để trở thành người thông thái, từ lúc mua sản phẩm, lựa chọn thương hiệu, nhà cung cấp uy tín; đến bảo trì thiết bị và sử dụng về sau", ông Trần Thành Vinh nói.
Có thể bạn quan tâm