Theo các chuyên gia Ấn Độ, giảm thính lực, khô miệng, đau nhói đầu, viêm kết mạc, giảm tiết nước bọt và phát ban trên da là những triệu chứng cho thấy bệnh nhân mắc COVID-19.
Nhận định về các triệu chứng mới của các bệnh nhân COVID-19, Tiến sĩ Samir Bhargava, chuyên gia bệnh viện RN Cooper cho rằng, hiện tượng viêm dây thần kinh thính giác hoặc cục máu đông do nhiễm virus ảnh hưởng tới thính giác tương tự như khứu giác.
Chính vì vậy, các chuyên gia nghi ngờ người bệnh mắc COVID-19 ngay cả khi không xuất hiện những triệu chứng điển hình như ho, đau họng, khó thở hoặc thở gấp.
Trước đó, các chuyên gia nhóm công tác COVID-19 của Ấn Độ cho biết, trong làn sóng dịch bệnh thứ hai ở Ấn Độ, đa phần người mắc có các triệu chứng về đường tiêu hóa như tiêu chảy, buồn nôn và nôn mửa. Thậm chí, các bệnh nhân biểu hiện sốt theo nhiều dạng khác nhau. Một số người hoàn toàn biểu hiện sốt, một số sốt cao trong vài ngày, một số hạ sốt nhưng sau đó nhanh chóng trở nặng.
Đáng chú ý, theo nghiên cứu được thu thập bởi Nghiên cứu về triệu chứng COVID-19, trong đó các tình nguyện viên sử dụng ứng dụng di động để ghi lại các triệu chứng, kết quả xét nghiệm và hồ sơ tiêm chủng cho thấy, hắt hơi là dấu hiệu thường gặp nhất tại các bệnh nhân COVID-19 đã tiêm chủng vaccine.
Ngoài ra, một số người đã tiêm đủ vaccine có dấu hiệu tương tự như ở người chưa tiêm, ví dụ, mất khứu giác, ho, sốt, nhức đầu và mệt mỏi. Nhưng tất cả các triệu chứng này nhẹ hơn và ít thường xuyên hơn ở những người đã được tiêm chủng, và nguy cơ mắc nhiều triệu chứng trong tuần đầu tiên bị bệnh của những người này giảm còn một nửa.
Thậm chí, tiêm chủng đầy đủ sẽ giúp giảm một nửa nguy cơ phát triển các triệu chứng nhiễm COVID-19 kéo dài. Được biết, dấu hiệu của triệu chứng COVID-19 kéo dài có thể bao gồm mệt mỏi, khó thở, đầu óc lơ mơ, tim đập nhanh và các triệu chứng khác.
Hiện tại, không ít nhà khoa học nhận định COVID-19 sẽ trở thành căn bệnh theo mùa như cúm và nhiều quốc gia có thể phải tính đến phương án tiêm vaccine nhắc lại hàng năm cho các nhóm dân số dễ bị tổn thương.
Thực tế cho thấy, những người chưa tiêm vaccine nhiễm biến thể Delta có các triệu chứng nghiêm trọng hơn so với những người nhiễm chủng virus ban đầu. Ngoài ra, những ca bệnh nặng cũng xảy ra nhiều hơn với những người trẻ hơn trong độ tuổi 40 và 50.
Chính vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo, chiến lược tốt nhất để ngăn chặn các biến thể SARS-CoV-2 trong tương lai là một chương trình tiêm chủng đầy đủ trên toàn cầu, thay vì triển khai tiêm mũi vaccine COVID-19 tăng cường ở một số nước giàu có.
Mike Ryan, Giám đốc điều hành Chương trình y tế khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá, chiến dịch tiêm mũi tăng cường sẽ làm ảnh hưởng tới tiến độ tiêm chủng trên thế giới. Bên cạnh đó, trong bối cảnh virus SARS-CoV-2 liên tục đột biến, những khoảng cách trong tiêm chủng trên toàn cầu sẽ tạo cơ hội cho sự xuất hiện của các biến thể mới.
“Các biến thể mới liên tục xuất hiện, đặc biệt, biến chủng mới Mu đang có những bằng chứng sơ bộ cho thấy chủng nCoV này có thể né khả năng miễn dịch được tạo ra nhờ vaccine và kháng thể”, chuyên gia này cảnh báo. “Chúng ta phải tiêm vaccine càng nhanh càng tốt, để giúp bảo vệ những người dễ bị tổn thương trước các biến chủng mới. Nếu không kế hoạch thoát đại dịch của chúng ta sẽ bị cản trở." - Mike Ryan nói.
Đồng thời, để kiểm soát dịch bệnh đúng cách, các biện pháp khác như đeo khẩu trang, rửa tay và nâng cao cảnh giác vẫn cần thực hiện thậm chí cả khi đã tiêm vaccine ngừa COVID-19.
Có thể bạn quan tâm
Nỗ lực tìm kiếm phương pháp xác định sớm F0 không triệu chứng
14:25, 21/07/2021
"Cánh tay Covid" - triệu chứng sau tiêm vaccine Moderna có đáng lo?
12:53, 14/07/2021
Đa số người mắc COVID-19 không có triệu chứng, đo nhiệt độ không thể phát hiện được
18:11, 12/05/2021
Cẩn trọng với COVID-19 "không triệu chứng"
11:00, 02/04/2020
Có thể nhiễm COVID-19 từ những triệu chứng đơn giản
06:37, 26/03/2020