Không có những thay đổi trong chính sách của Mỹ liên quan đến các dàn xếp thương mại đa phương ở châu Á, các mối quan hệ sẽ không đạt đến tiềm năng của chúng.
Sau Hội nghị APEC tại Hololulu, Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) ở Bali (năm 2011) cũng như sau bài phát biểu của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Quốc hội Australia, việc Mỹ chuyển trọng tâm chính sách ngoại giao sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương lập tức trở thành chủ đề nóng bỏng của dư luận.
Theo đó, trong chiến lược toàn cầu, Nhà Trắng coi Châu Á – Thái Bình Dương là khu vực địa-chiến lược, địa-chính trị trọng yếu, quan hệ trực tiếp đến an ninh quốc gia và vai trò lãnh đạo thế giới của Mỹ. Và việc xoay trục này được xem như một cam kết đối với chủ nghĩa đa phương khu vực của Washington.
Từ quyết định tham gia Hội nghị thượng đỉnh Đông Á trong những ngày đầu tiên cầm quyền đến việc đặt bút ký Hiệp định thương mại Đối tác xuyên Thái Bình Dương trong những tháng cuối cùng tại vị, cựu Tổng thống Obama tin rằng Mỹ có thể duy trì tốt nhất lợi ích của mình thông qua việc củng cố các thể chế trong khu vực.
Kể từ khi tham gia Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á lần đầu tiên vào năm 2011 tại đảo Bali, trong suốt nhiệm kỳ của mình, vị cựu thống thống thứ 44 của xứ cờ hoa luôn tham dự đầy đủ các kỳ đại hội của khu vực sau đó (chỉ trừ năm 2013 là ông Obama vắng mặt do khi đó chính phủ Mỹ đang phải đối mặt với việc đóng cửa).
Tuy nhiên, vào tháng 10 năm nay, Tổng thống Donald Trump đã đặt dấu chấm hết cho “hành trình” này. Thay vì trực tiếp tham gia, đây là năm thứ ba liên tiếp Tổng thống Donald Trump quyết định cử một quan chức nội các hạng trung tới EAS. Cùng với đó, Tổng thống Trump tuyên rõ rằng các tổ chức đa phương không có chỗ trong chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của ông.
Có thể bạn quan tâm
16:05, 24/11/2019
06:10, 24/11/2019
Tất nhiên, sự lạnh nhạt đối với chủ nghĩa đa phương này đã được thể hiện ngay từ những ngày đầu ông Trump lên nắm quyền. Kể từ khi nhiệm kỳ tổng thống bắt đầu, Tổng thống Donald Trump đã thay đổi hoàn toàn chính sách thương mại của Mỹ bằng cách rút khỏi TPP, ngăn chặn bổ nhiệm các thẩm phán của WTO, tăng thuế đối với thép và các hàng hóa khác từ Trung Quốc, và đàm phán lại Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA), hiện là Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada (USMCA).
Chính sách thương mại của Tổng thống Trump đã dẫn đến tình trạng không chắc chắn ở Đông Nam Á, nơi có nhiều người quan ngại rằng suy thoái kinh tế sẽ ảnh hưởng đến quan hệ thương mại Mỹ - Đông Nam Á. Nhiều nước Đông Nam Á cũng đã cảnh giác với việc Mỹ nhiều khả năng sẽ áp thuế quan do thặng dư thương mại họ có với Mỹ, khiến họ cam kết mua nhiều hơn các mặt hàng của Mỹ nhằm tránh bị trả đũa.
Vào thời điểm khi mà các đối tác an ninh thương mại phát triển mạnh nhất của Mỹ đều nằm ở châu Á thì độ tin cậy của Washington ở khu vực vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là một câu hỏi bỏ ngỏ, theo đó, các đồng minh và đối tác của Mỹ trong khu vực có thể tìm cách "phòng bị nước đôi" trước các cam kết hoặc mở rộng các lựa chọn của họ.
Trên thế giới, không nơi nào các hiệp định đa phương lại đóng vai trò quan trọng hơn khu vực Đông Á. Trước sức mạnh kinh tế và quân sự ngày càng gia tăng của Trung Quốc, các nước trong khu vực đang mong muốn có thể hợp tác để tìm ra các chiến lược nhằm chống lại ảnh hưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này. Các thỏa thuận đa phương hiệu quả cho phép các quốc gia trong khu vực có thể đoàn kết chống lại chiến lược chia rẽ của Trung Quốc mà không bị ép buộc vào một hoặc một trong hai lựa chọn giữa Trung Quốc và Mỹ!
Nói về các tổ chức liên quốc gia tại khu vực, đầu tiên phải nhắc đến ASEAN - khu vực đã phát triển một loạt các thỏa thuận mới trong ba thập kỷ qua, giúp giải quyết một loạt các vấn đề xuyên quốc gia từ chính trị, kinh tế đến năng lượng. Các đối tác của ASEAN, đặc biệt là các nước lớn đều mong muốn ASEAN phát huy vai trò trung tâm trong các cơ chế hợp tác ở khu vực. Có thể nói, những diễn đàn, cơ chế do ASEAN thành lập và dẫn dắt như ASEAN+1, ASEAN+3, Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM) mở rộng… đều nâng cao uy tín và phát huy rất tốt vai trò của tổ chức này.
Những người theo chủ nghĩa hiện thực cho rằng, việc tham gia - hoặc không - trong các tổ chức quốc tế có ít hoặc không có tác động đến cách mà các quốc gia hành xử trong thực tế. Nhưng nhiều nhà lãnh đạo trong khu vực lại đang “thần thánh” hoá quyết định của Mỹ. Nếu có Mỹ tham gia, thì việc này được xem là một dấu hiệu ưu tiên khi chính phủ các nước đưa ra các quyết định tiếp theo. Khi không có sự tham gia của Mỹ, các thỏa thuận này ít nhiều sẽ giảm bớt sự đảm bảo, và không có cơ hội đưa ra một giải pháp thay thế khả thi nếu như xảy ra tranh chấp với Trung Quốc. Và chắc chắn một điều, khi phải đối mặt với sự lựa chọn, rõ ràng nhiều các quốc gia sẽ đứng về phía Mỹ.
Hội nghị thượng đỉnh Đông Á tại Thái Lan vừa qua là một dịp đặc biệt có giá trị với sự tham gia của Mỹ. Đây là cuộc họp khu vực rộng lớn và duy nhất khi có sự tham dự của Ấn Độ và tất cả các đồng minh quan trọng của Mỹ cũng như Trung Quốc và Nga. Các cuộc họp không chỉ mang đến cơ hội thảo luận rộng rãi về các vấn đề cấp bách trong khu vực mà còn là dịp để cho các cuộc họp riêng giữa tổng thống Mỹ và các đối tác quan trọng khác.
Quan hệ thương mại Mỹ - Đông Nam Á quan trọng đối với cả hai bên và sẽ trở nên ngày càng có lợi khi các nền kinh tế Đông Nam Á phát triển. Mỹ vẫn là một cường quốc nổi trội ở Đông Nam Á và được cho là vẫn có nhiều ảnh hưởng đòn bẩy kinh tế ở châu Á hơn Trung Quốc. Tuy nhiên, không có những thay đổi trong chính sách của Mỹ liên quan đến các dàn xếp thương mại đa phương ở châu Á, các mối quan hệ sẽ không đạt đến tiềm năng của chúng.
Trong khi đó, khu vực này sẽ tiếp tục hội nhập và tạo nên các tiêu chuẩn và quy tắc mà không có sự tham gia đàm phán của Mỹ, điều này sẽ có những hậu quả đặc biệt quan trọng đối với sự hội nhập của Mỹ vào nền kinh tế kỹ thuật số của Đông Nam Á. Tuy nhiên, Mỹ nên tiếp tục hợp tác với các đối tác cùng chí hướng để phát triển các tiêu chuẩn và quy tắc tiên tiến ở bất kỳ nơi nào có thể, như với APEC và G20.
Việc Mỹ không tham gia các cuộc đàm phán thương mại khu vực cũng sẽ có những tác động chiến lược đến chính họ. Với thương mại là một trong những ưu tiên hàng đầu của khu vực, việc thiếu sự ủng hộ của Mỹ dành cho các dàn xếp thương mại đa phương đã làm suy giảm đáng kể địa vị của Mỹ với tư cách là một đối tác của Đông Nam Á. Trong bối cảnh thời đại nổi bật là cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, việc không can dự nghiêm túc vào Đông Nam Á về tương lai cấu trúc kinh tế khu vực đang gây tổn hại cho các lợi ích chiến lược của Mỹ.
Theo giới quan sát, Mỹ phải tìm cách quay trở lại và hợp tác với các đối tác cùng chí hướng trong khu vực này nếu muốn tìm cách duy trì tính cạnh tranh.