Thường trực Tỉnh ủy tỉnh Hòa Bình đã tổ chức Hội nghị trực tuyến giao ban chuyên đề quý I năm 2023 “Tỉnh Hòa Bình đồng hành với các doanh nghiệp để cùng phát triển”.
Với mục tiêu kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, mới đây Thường trực Tỉnh ủy tỉnh Hòa Bình đã tổ chức Hội nghị trực tuyến giao ban chuyên đề quý I năm 2023 “Tỉnh Hòa Bình đồng hành với các doanh nghiệp để cùng phát triển”.
Mặc dù, trước tình hình khó khăn chung của cộng đồng doanh nghiệp do những tác động tiêu cực của tình hình kinh tế thế giới. Tuy nhiên, theo số liệu UBND tỉnh số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tại Hòa Bình tăng 9% so với năm 2021, số lượng doanh nghiệp quay trở lại thị trường tăng 66%; cấp thay đổi, bổ sung nội dung giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho trên 2.100 lượt hồ sơ doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc, giải quyết việc làm mới cho trên 19.000 lao động.
Tại hội nghị, Ban lãnh đạo tỉnh Hòa Bình đã lắng nghe các doanh nghiệp kiến nghị các nội dung liên quan tới những vấn đề khó khăn trong giai đoạn hiện nay như: liên quan đến giá vật liệu xây dựng, vật liệu đất san lấp, đắp nền; cơ chế chính sách trong lĩnh vực đầu tư dự án nhà ở; các lĩnh vực về phòng cháy chữa cháy; vấn đề quy hoạch để triển khai dự án đầu tư... Lãnh đạo các sở, ngành đã tiếp thu và trả lời trực tiếp vào từng kiến nghị đề xuất của các doanh nghiệp, nhà đầu tư trên tinh thần đồng hãnh hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn.
Đáng chú ý, ông Nguyễn Cao Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đã đưa ra các kiến nghị những giải pháp giải quyết những vẫn đề vướng mắc về đất đai, giải phóng mặt bằng. Đây là nội dung nhận được nhiều phản ánh từ các doanh nghiệp lớn đang đầu tư tại Hòa Bình như Gelexemco Hòa Bình, Tập đoàn Sungoup Hòa Bình… Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp đang đầu tư tại Hòa Bình, ông Sơn cũng kiến nghị các cơ quan hành chính, địa phương tại Hòa Bình tiếp tục thực hiện cải cách hành chính hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp. Đây là một giải pháp mang tính căn cơ cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp đang và sẽ đầu tư tại Hòa Bình.
Thực tế thời gian qua, tỉnh Hòa Bình đã triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Công tác cải cách hành chính được chỉ đạo xuyên suốt, linh hoạt và toàn diện, từng bước đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân trong tỉnh.
Với sự vào cuộc kịp thời của các cấp chính quyền và sự nỗ lực của doanh nghiệp, HTX, năm 2022, 18/19 chỉ tiêu kết quả kinh tế - xã hội của tỉnh đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 9,03%, thu nhập bình quân đầu người ước đạt 65,9 triệu đồng; thu NSNN đạt 5.274 tỷ đồng. Năm 2002 tỉnh có 4.296 doanh nghiệp, 486 hợp tác xã và 225 tổ hợp tác và có trên 38.500 hộ kinh doanh cá thể.
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện, Ban lãnh đạo tỉnh Hòa Bình cũng thẳng thắn chỉ ra một số hạn chế, như: Công tác phối hợp thực hiện các nhiệm vụ hồ trợ doanh nghiệp giữa các cấp, các ngành chưa được thực hiện tốt; công tác cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng, đất đai còn chậm; kết cấu hạ tầng của tỉnh còn hạn chế; việc triển khai các dịch vụ hồ trợ doanh nghiệp của các cơ quan chức năng hiệu quả thấp; nhiều hợp tác xã có quy mô nhỏ và rất nhỏ, hiệu quả hoạt động còn thấp.
Tại Hội nghị Đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị, các sở, ngành liên quan khẩn trương đẩy nhanh tiến độ xác định giá đất, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và các dự án đầu tư.
Cùng với đó, UBND tỉnh giao Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch tỉnh Hòa Bình tiếp tục thực hiện nhiệm vụ trên cơ sở các kiến nghị. Trong đó, đặc biệt chú trọng giải phóng mặt bằng; cải cách thủ tục hành chính theo hướng nhanh gọn, thông thoáng nhưng theo đúng quy định; chấm dứt ngay hành vi cản trở đầu tư của các doanh nghiệp, nhất là vấn đề liên quan đến đất đai...
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy cho rằng, những kiến nghị đề xuất của doanh nghiệp, nhà đầu tư rất có ý nghĩa, đặc biệt trong bối cảnh còn nhiều khó khăn như hiện nay. Thường trực Tỉnh ủy nhận thức rõ trách nhiệm của mình để nỗ lực hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp. Nhưng thực tế hiện nay doanh nghiệp còn rất khó khăn. Còn có một bộ phận nhỏ cán bộ, công chức không nhận thức được vấn đề này, còn gây khó khăn, phiền hà, nhũng nhiễu cho doanh nghiệp.
Đồng chí Bí thư nhấn mạnh: Cán bộ công chức phải đặt mình vào vị trí của doanh nghiệp, chia sẻ khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp. Cấp ủy chính quyền phải đồng hành cũng doanh nghiệp thì tỉnh mới phát triển được. Qua đây, cũng đề nghị các doanh nghiệp thường xuyên có phản ánh chân thực, thường xuyên và kịp thời để lãnh đạo tỉnh nắm tình hình và chỉ đạo khắc phục, thực hiện, tiến tới ngày càng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh. Tỉnh ủy sẽ thường xuyên lắng nghe những ý kiến của doanh nghiệp để có những chỉ đạo cụ thể, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp để các doanh nghiệp nhà đầu tư cùng đồng hành với tỉnh để phát triển bền vững, thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.
Có thể bạn quan tâm