Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hòa Bình chỉ đạo Tập trung cải thiện chỉ số xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), phấn đấu mỗi năm tăng 3 bậc trong giai đoạn 2021-2025, tạo động lực cho thu hút đầu tư.
Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định 4 đột phá chiến lược mà tỉnh cần tập trung thực hiện trong nhiệm kỳ, trong đó có cải thiện môi trường đầu tư.
Không thể phủ nhận, năm 2021, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hòa Bình đã nỗ lực đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành theo hướng nắm việc, sát việc, vì sự hài lòng của doanh nghiệp. Đặc biệt, để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình đã thành lập Tổ công tác chỉ đạo triển khai các dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách và các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh; thành lập Tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; thành lập Ban chỉ đạo phục hồi sản xuất tại các khu vực sản xuất công nghiệp trong bối cảnh phòng, chống dịch COVID-19.
Bên cạnh đó, lãnh đạo tỉnh thường xuyên tổ chức các cuộc họp, buổi đối thoại, làm việc trực tiếp với các nhà đầu tư, doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện các thủ tục hành chính thủ tục đầu tư và sản xuất kinh doanh. Trong năm 2021, UBND tỉnh cũng ban hành nhiều văn bản quan trọng tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến tìm hiểu cơ hội đầu tư và triển khai dự án.
Ngoài ra, chính quyền tỉnh tiếp tục phát huy tinh thần năng động, sáng tạo trong giải quyết vấn đề cho doanh nghiệp và đã vận dụng pháp luật linh hoạt nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, cũng như có thái độ tích cực đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh thuộc khu vực kinh tế tư nhân. Điều này được thể hiện 2/10 chỉ số thành phần là: "Tính năng động và tiên phong của chính quyền", "Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp” đã tăng điểm so với 2020.
Trên địa bàn tỉnh có 268 doanh nghiệp được thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 5.150 tỷ đồng, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính đến 30/6/2022, tỉnh Hòa Bình có 4.378 doanh nghiệp, với vốn đăng ký 116.758,6 tỷ đồng. Tỉnh đã quyết định chủ trương đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho 34 dự án, với vốn đăng ký đầu tư khoảng 26.079 tỷ đồng. Đến nay, tỉnh có 693 dự án, bao gồm 37 dự án FDI với vốn đăng ký 600 triệu USD và 656 dự án trong nước với vốn đăng ký 143.809 tỷ đồng.
Tháng 8 vừa qua, tại cuộc họp Ban chỉ đạo cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao chỉ số PCI, đồng chí Nguyễn Phi Long, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình nhấn mạnh sự cần thiết phải đẩy nhanh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư và nâng cao chỉ số PCI của tỉnh. “Cần phải nhìn nhận thẳng thắn những hạn chế, yếu kém, nguyên nhân để có giải pháp quyết liệt tháo gỡ các "điểm nghẽn”. Nhiệm vụ trọng tâm để nâng cao chỉ số PCI trước hết phải tập trung nâng cao hơn nữa chất lượng điều hành, chỉ đạo từ lãnh đạo UBND tỉnh đến thực hiện công vụ tại các sở, ngành, địa phương; thực hiện đồng bộ cải cách thủ tục hành chính, nâng cao trình độ chuyên môn, thái độ phục vụ người dân, doanh nghiệp cho đội ngũ công chức, viên chức với tư duy chuyển từ "cho phép", "cấp phép” sang "phục vụ"... Đồng thời, phải nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu các sở, ngành, huyện, thành phố; hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người dân và doanh nghiệp”, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh.
Đồng chí Bùi Văn Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị trong thời gian tới, để nâng cao Chỉ số PCI của tỉnh, phải nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị; Quan tâm cải thiện các chỉ số đạt thấp; tập huấn, hướng dẫn cho các doanh nghiệp nắm vững các chỉ số, nội dung trong phiếu đánh giá để có đánh giá khách quan, chính xác; Hiệp Hội Doanh nghiệp cần được đề cao hơn nữa trong việc tuyên truyền, nhắc nhở các doanh nghiệp có tinh thần xây dựng đối với tỉnh.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu phải quyết tâm thay đổi tư duy, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ để thực hiện tốt cải cách hành chính, nâng cao chất lượng công vụ. Các cấp, sở, ngành, địa phương cần tăng cường xử lý, ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc để từng bước cải thiện các chỉ số thành phần.
Có thể bạn quan tâm