Hoá giải cơn khát lao động chất lượng cao của doanh nghiệp

Bảo Loan 25/12/2022 02:30

Chỉ hơn 26% người lao động đã qua đào tạo, có bằng cấp, chứng chỉ; còn lại phần lớn thiếu kỹ năng, không đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp, theo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.

>>Cần gói hỗ trợ lãi suất vay cho doanh nghiệp "giữ chân" người lao động

Bởi vậy mới xảy ra nghịch lý, nhiều doanh nghiệp “khát” lao động trong khi số lao động thất nghiệp vẫn tăng cao.

Vấn đề nằm ở chỗ các giải pháp để hóa giải sự “lệch pha” này đã được nói đến nhiều năm tại nhiều diễn đàn nhưng dường như kết quả thực hiện các giải pháp trên lại không quá nhiều.

Việt Nam có dân số “vàng” nhưng chất lượng nguồn nhân lực không cao.

Việt Nam có dân số “vàng” nhưng chất lượng nguồn nhân lực không cao.

Đỏ mắt tìm nhân sự chất lượng cao

Đề cập về vấn đề chất lượng nguồn nhân lực hiện nay, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Nguyễn Văn Thân giãi bày, mỗi lần ra sân bay, trông thấy những thanh niên trẻ đi xuất khẩu lao động, tôi lại thấy buồn, bởi lẽ ra nguồn nhân lực này phải làm việc trong nước, bởi nhiều doanh nghiệp vẫn đang chật vật tìm kiếm lao động chất lượng và có tay nghề.

“Nhu cầu thị trường tuyển dụng rất lớn, nguồn nhân lực được đào tạo tại các trường không hề nhỏ, vì sao hai khâu này không thể "khớp" với nhau?”, đó có lẽ không chỉ là trăn trở của ông Thân.

Khổ vì sự “lệch pha” không chỉ là câu chuyện đau đầu của nhà quản lý mà còn là nỗi khổ của doanh nghiệp và người lao động hiện nay. Mới đây tại sàn giao dịch việc làm Hà Nội, các doanh nghiệp đưa ra mức lương từ 15-30 triệu đồng, kèm theo đãi ngộ hấp dẫn cho các vị trí quản lý như trưởng, phó phòng kinh doanh, marketing... thế nhưng không dễ tìm được nhân sự đầu quân.

“Chúng tôi có nhu cầu tuyển dụng nhân sự để phục vụ cho nhiều vị trí đang trống của công ty. Nhóm lao động công ty hướng đến là có trình độ, kinh nghiệm. Để tuyển dụng được nguồn lao động phù hợp, doanh nghiệp đưa ra mức lương từ 10-20 triệu đồng/tháng với những người có kinh nghiệm và trình độ kỹ thuật. Tuy nhiên, để tìm được nhân sự đáp ứng yêu cầu cũng rất khó khăn” - bà Đào Lan Phương, chuyên viên tuyển dụng nhân sự Công ty TNHH Intop Việt Nam cho biết.

Ở phía đơn vị kết nối nhà tuyển dụng và người lao động, ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội chia sẻ, công tác tuyển dụng lao động đáp ứng được yêu cầu chưa bao giờ dễ dàng, nhất là với vị trí quản lý lại càng đòi hỏi về trình độ, kinh nghiệm, kỹ năng, kiến thức tổng hợp rất cao.

Theo nhà cung cấp dịch vụ tuyển dụng trực tuyến cấp trung và cấp cao Navigos Search, tốp những ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng nhiều nhất trong quý II vừa qua gồm tài chính, đầu tư, bán hàng, công nghệ thông tin, phần mềm, ngân hàng, điện tử... Tính chung 6 tháng đầu năm nay, có hơn 65.000 việc làm đăng tuyển trên trang dịch vụ của tập đoàn này kết nối người ứng tuyển. Đáng chú ý, Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu hàng điện tử lớn thế giới, song ngành này thiếu hụt lao động và khó thu hút NLĐ trở lại làm việc.

Kết quả khảo sát do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) với sự hỗ trợ của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cũng cho thấy khoảng 60% doanh nghiệp được khảo sát phản ánh thiếu lao động có kỹ năng và đây là một thách thức từ mức độ trung bình đến nghiêm trọng trong lĩnh vực điện tử.

>>“Giữ việc” cho người lao động

Thay đổi kỹ năng trong tình hình mới

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã dẫn đến sự ra đời của nhiều ngành mới, tác động đến cung cầu lao động và sự dịch chuyển cơ cấu nguồn lao động tại Việt Nam.

Trong khi một số ngành bị tác động tiêu cực như năng lượng, chế tạo, dệt may, điện tử,… thì nhiều ngành khác lại có những tác động tích cực, có thêm cơ hội để phát triển như du lịch, y tế, giáo dục, xây dựng,…

Những yêu cầu về nguồn nhân lực trong thời kỳ mới cũng có nhiều thay đổi, nếu như tiêu chuẩn thường được đưa ra trước đây với người lao động như người tốt, trung thành, chăm chỉ, có trách nhiệm,… đã và đang có xu hướng chuyển thành có tính linh hoạt cao, có tính sáng tạo, có khả năng giải quyết vấn đề và có khả năng làm việc với nhiều người,…

Ông Nguyễn Đức Ngọc, Trưởng bộ môn Kỹ thuật ô tô Trường ĐH Thủy Lợi cho rằng, để tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao và có việc làm ngay sau khi ra trường, nhà trường không chỉ chú trọng truyền thụ lý thuyết hàn lâm như trước đây.

Thay vào đó, ngay từ năm nhất, sinh viên đã phải mặc đồng phục, phải thao tác thuần thục tháo lắp động cơ. Trong quá trình đào tạo, nhà trường mời các doanh nghiệp đến để cùng tham gia vào công tác đào tạo.

Có như vậy, học sinh vừa học vừa thực hành nên nhiều em chưa ra trường đã có lương.

Một giám đốc nhân sự cũng cho biết, nguồn lao động trẻ có lợi thế hơn trong việc tiếp thu rất nhanh nhạy với các công nghệ mới. Các chương trình học hiện nay đã mang tính ứng dụng và thực hành nhiều hơn, không còn nặng tính lý thuyết như trước đây.

Tuy nhiên, thách thức mà họ gặp là thị trường luôn thay đổi nhanh chóng và vì thế họ cần thêm những kỹ năng mới phù hợp với công việc, kỹ năng này thay đổi liên tục.

Tại trường Đại học, người học chỉ được trang bị kiến thức nền tảng chuyên môn, có những kỹ năng mà các bạn không thể học được mà phải tự bản thân rèn luyện và tích lũy, đơn cử như kỹ năng tự học hỏi; kỹ năng luôn hướng đến giải pháp; tư duy đổi mới sáng tạo, kỹ năng vận dụng công nghệ vào công việc,…

Về điều này ông Huy cho rằng, hiện một số trường đại học vẫn giảng dạy theo hướng hàn lâm, mang tính nghiên cứu nên các em đầu vào điểm cao nhưng đi làm thời gian đầu chưa đáp ứng được, các doanh nghiệp phải đào tạo thêm về kỹ năng.

Vì thế các trường đào tạo vừa hàn lâm vừa pha trộn kỹ năng thực hành, nguồn lao động ra trường dễ dàng kiếm việc làm hơn.

Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Thành Lưu cũng nhận xét, hiện nhiều trường đại học, cao đẳng đang nặng về đào tạo hàn lâm nhưng thiếu thực tế.

Do đó, doanh nghiệp phải chủ động phối hợp với các trường và các trường liên kết với doanh nghiệp để có các khóa trải nghiệm, triển khai các dự án giúp các em làm quen và học việc.

Xu hướng hiện nay, các doanh nghiệp lớn thường liên kết, đặt hàng, mở các trường đào tạo nhân lực cho đơn vị mình. Đặc biệt, một số tập đoàn liên kết hẳn với một số khoa hoặc có trường ĐH mang tên doanh nghiệp để đào tạo nhân lực cho chính mình.

Có thể bạn quan tâm

  • Cần gói hỗ trợ lãi suất vay cho doanh nghiệp

    Cần gói hỗ trợ lãi suất vay cho doanh nghiệp "giữ chân" người lao động

    15:05, 19/12/2022

  • “Giữ việc” cho người lao động

    “Giữ việc” cho người lao động

    01:05, 18/12/2022

  • KINH TẾ 2023: Hỗ trợ doanh nghiệp

    KINH TẾ 2023: Hỗ trợ doanh nghiệp "giữ chân" lao động

    13:49, 17/12/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Hoá giải cơn khát lao động chất lượng cao của doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO