Tác động của dịch bệnh COVID-19 đã bộc lộ nhiều khuyết điểm của chuỗi cung ứng sản xuất – tiêu thụ các sản phẩm của tỉnh Yên Bái.
Nhiều mặt hàng, sản phẩm do phụ thuộc nguồn cung nguyên liệu đầu vào giá rẻ, phụ thuộc thị trường đầu ra nên trong thời gian dịch bắt đầu bùng phát đã bị động chưa tìm được nguồn cung thay thế dẫn đến trì trệ trong sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu.
Về nguyên vật liệu: Các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu gặp khó khăn về nguyên vật liệu, phụ liệu đầu vào. Nguyên vật liệu nhập chủ yếu từ thị trường Trung Quốc, mặc dù hiện nay thị trường Trung Quốc đã mở cửa nhưng việc thông quan hàng hóa rất chậm và nhỏ lẻ, hầu hết các quốc gia khác đều đang áp dụng các biện pháp quyết liệt chống dịch, gây ảnh hưởng đến sản lượng sản xuất, thậm chí dừng sản xuất cục bộ.
Các doanh nghiệp may mặc như Công ty TNHH Deaseung Global, Công ty TNHH Unico Global Yên Bái, Công ty cổ phần May xuấu khẩu Yên Bái... phải nhập vải và phụ liệu khác; các doanh nghiệp chế biến gỗ như Công ty TNHH ngành gỗ Thiên An, Công ty Wood Industry Yên Bái, Công ty TNHH Hoàng Gia, Công ty CP Yên Thành... thiếu nguyên liệu keo dán, gỗ phủ mặt; các doanh nghiệp chế biến đá xẻ như Công ty CP luyện kim và khai khoáng Việt Đức, công ty Đá cẩm thạch RK Quốc tế... phải nhập keo; Công ty dược phẩm Yên Bái nhập phụ liệu và bao bì… từ nhiều nguồn cung tạm thời.
Về thị trường: Hầu hết các thị trường xuất khẩu truyền thống của doanh nghiệp Yên Bái đang bị ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, sản xuất đình trệ, giãn, hoãn, huỷ các đơn hàng đã ký với doanh nghiệp Yên Bái. Vì vậy, hoạt động xuất khẩu rất chậm, giá cả thấp, các doanh nghiệp đã và đang phải cắt giảm sản xuất, thậm chí dừng sản xuất. Các sản phẩm của doanh nghiệp Yên Bái như: Chè chế biến, tinh bột sắn, tinh dầu quế, đá xẻ, gỗ ván ép, đá bột, đá hạt CaCO3, hạt nhựa phụ gia, quặng sắt, grafite, sản phẩm may... phần lớn được xuất sang thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Châu Âu, Trung Đông....Hầu hết các thị trường xuất khẩu đều gặp khó khăn. Riêng thị trường Trung Quốc đã mở cửa trở lại nhưng nhỏ lẻ và chậm. Từ đó cũng đã ảnh hưởng doanh thu tiêu thụ mà các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa cung ứng cho những đơn vị xuất khẩu.
Ngoài ra có một số sản phẩm bán trong nước nhưng các doanh nghiệp thu mua cuối cùng vẫn bán sang các thị trường này, vì vậy khi các thị trường này khó khăn phải tạm dừng nhập khẩu thì doanh thu bán hàng của các doanh nghiệp trong tỉnh cũng sẽ giảm theo.
Chủ động tham mưu chính sách hỗ trợ doanh nghiệp
Ông Phạm Trung Lân, Phó Giám đốc Sở Công Thương Yên Bái cho biết, trong bối cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Sở Công Thương đã thường xuyên tổ chức các buổi làm việc nắm bắt tình hình của các doanh nghiệp để kịp thời tham mưu các giải pháp tháo gỡ cho doanh nghiệp.
Theo đó, ngành đã tham mưu xây dựng các kịch bản phát triển kinh tế, chủ động tham mưu các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh thuộc lĩnh vực ngành kịp thời áp dụng các biện pháp phòng chống dịch trong sản xuất, đa dạng hóa các nguồn cung nguyên liệu bị đứt gãy từ nguồn cung nguyên liệu trong nước, tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến, kết nối doanh nghiệp với nhiều thị trường mới thông qua các thương vụ, cục, vụ, viện của Bộ Công Thương và đầu mối Sở Công Thương các tỉnh, thành phố. Từ đó, giúp doanh nghiệp linh hoạt các kế hoạch sản xuất, kinh doanh, ứng phó với những ảnh hưởng tiêu cực do tác động của dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, Sở Công Thương luôn luôn thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo, lãnh đạo của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh về chủ trương, chính sách và quản lý đối với quy hoạch phát triển công nghiệp, đề án cơ cấu lại ngành công nghiệp đã được UBND tỉnh phê duyệt nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp theo định hướng nhanh và bền vững, gắn với bảo vệ môi trường.
Đồng thời, tăng cường công tác mời gọi đầu tư, ưu tiên các dự án có dây chuyền máy móc thiết bị hiện đại, tiên tiến, sản xuất chế biến sâu, với chất lượng cao, giá trị gia tăng lớn, tiết kiệm tài nguyên, thân thiện với môi trường.
Bên cạnh đó, dự báo, tham mưu đón đầu xu thế đầu tư ứng phó với làm sóng dịch chuyển đầu tư do ảnh hưởng của dịch COVID-19; Đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đã được cấp chủ trương đầu tư để sớm hoàn thành đi vào sản xuất; Kiên quyết thu hồi các dự án vi phạm quy định của nhà nước, tìm kiếm nhà đầu tư mới có đủ năng lực và uy tín để triển khai thực hiện.
Sở Công Thương cũng đã tăng cường vận động, khuyến khích, tranh thủ nguồn khuyến công, xúc tiến thương mại Quốc gia và bố trí thêm nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách tỉnh để hỗ trợ doanh nghiệp cải tiến, đổi mới dây chuyền máy móc thiết bị hiện đại, tiên tiến, đổi mới công nghệ chế biến để sản xuất chế biến sâu, nâng cao chất lượng và giá trị của sản phẩm. Hỗ trợ doanh nghiệp đa dạng hóa tính năng sản phẩm nhằm chuyển hướng tiêu thụ tại thị trường trong nước.
Ngoài ra Sở cũng tổ chức các chương trình hưởng ứng lời kêu gọi “Người Việt Nam tự hào dùng hàng Việt Nam”, bên cạnh đó, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường mới cho các sản phẩm xuất khẩu có sức cạnh tranh lớn, có giá trị gia tăng cao hoặc các nhóm sản phẩm có tỷ trọng kim ngạch lớn, giữ vững các thị trường xuất khẩu truyền thống, khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp giới thiệu quảng bá thương hiệu, sản phẩm.
Có thể bạn quan tâm
Yên Bái: 8 giải pháp nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai
03:03, 11/11/2020
ĐBQH Dương Văn Thống - Đoàn Yên Bái: Tăng trưởng kinh tế chậm nhưng bền vững, hiệu quả
12:17, 05/11/2020
Yên Bái tạo sự khác biệt về thủ tục hành chính?
05:00, 03/11/2020
Công ty cổ phần Lâm, nông sản thực phẩm Yên Bái (YFATUF): Không để người lao động nghỉ giãn cách
13:58, 02/11/2020
Công ty Cổ phần Dược phẩm Yên Bái (Ypharco): Kết tinh giá trị dược phẩm từ thiên nhiên
13:51, 01/11/2020
Agribank Chi nhánh tỉnh Yên Bái: “Chia ngọt sẻ bùi” cùng doanh nghiệp
15:38, 31/10/2020
Yên Bái: Nơi nhà đầu tư tìm đến
14:33, 31/10/2020
Yên Bái: Nỗ lực cải thiện PCI
18:28, 30/10/2020