Các doanh nghiệp muốn chuyển đổi từ Khu công nghiệp truyền thống sang Khu công nghiệp sinh thái cần có nguồn lực, chi phí đầu tư rất lớn.
>>>Hòa Phú (Bắc Giang): Hướng đến Khu công nghiệp sinh thái
KCN sinh thái đích đến của mọi KCN
Hiện nay trên địa bàn TP Hải Phòng có 2 đơn vị đề xuất triển khai Khu công nghiệp sinh thái là Công ty CP KCN Đình Vũ (chủ đầu tư KCN Đình Vũ) và Công ty CP Shinec (chủ đầu tư KCN Nam Cầu Kiền). Các doanh nghiệp đã chủ động từng bước triển khai KCN sinh thái theo hướng dẫn tại Nghị định 82/NĐ-CP ngày 22/5/2018 về quản lý Khu công nghiệp và Khu kinh tế của Chính phủ.
Tuy nhiên, sau hơn 3 năm áp dụng Nghị định này đã bộc lộ nhiều bất cập, thiếu toàn diện trong việc điều chỉnh các quan hệ pháp luật mới phát sinh trong bối cảnh hội nhập môi trường kinh tế toàn cầu.
Chính vì vậy, ngày 28/5/2022 Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 35/2022/NĐ-CP quy định về quản lý Khu công nghiệp và khu kinh tế giúp khắc phục những hạn chế mà Nghị định 82 đang mắc phải.
Tại Nghị định 35/2022/NĐ-CP đã định nghĩa cụ thể hơn về KCN sinh thái với các hoạt động sản xuất sạch hơn và thực hiện cộng sinh công nghiệp (chất thải của doanh nghiệp này là đầu vào của doanh nghiệp khác và được tái sử dụng tuần hoàn).
Đồng thời, Nghị định 35/2022/NĐ-CP cũng bổ sung quy định UBND các tỉnh, thành phố có cơ chế, chính sách hỗ trợ về chuyển giao công nghệ trong KCN để đảm bảo cộng sinh công nghiệp giữa các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Nghị định 35/2022/NĐ-CP đặt tiêu chí tối thiểu 20% doanh nghiệp trong KCN sử dụng hiệu quả tài nguyên, sản xuất sạch hơn… Với chủ đầu tư hạ tầng, tỷ lệ đất dành cho giao thông, cây xanh phải chiếm 25%, thay vì 21% như trước.
>>Hải Phòng cam kết phát triển khu công nghiệp sinh thái bền vững
>>Quảng Nam định hướng phát triển "khu công nghiệp xanh"
Theo ông Bruno Jaspaert - Tổng Giám đốc các KCN DEEP C, việc phát triển theo mô hình KCN sinh thái không còn mang tính chất khuyến khích mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc đối với các công ty phát triển hạ tầng, nếu muốn tiếp tục thu hút nguồn vốn đầu tư có chất lượng và có thương hiệu tốt.
Điều chắc chắn là phát triển theo mô hình KCN sinh thái sẽ có chi phí đầu tư tốn kém hơn so với các KCN truyền thống (vốn chi cải tạo đất cho thuê và phát triển hạ tầng), nhưng trong dài hạn mô hình KCN sinh thái sẽ mang lại giá trị cao hơn và phát triển bền vững.
Còn ông Phạm Hồng Điệp - Chủ tịch Công ty cổ phần Shinec (chủ đầu tư Nam Cầu Kiền) thì đã nói với rất nhiều người, rất nhiều lần rằng: “Nếu không chuyển đổi, Nam Cầu Kiền không thể tồn tại”.
Ông Lê Trung Kiên - Trưởng ban BQL KKT Hải Phòng cho biết, một số KCN của Hải Phòng đang chuẩn bị triển khai xây dựng cũng sẽ hướng đến theo mô hình KCN sinh thái. Bởi theo Nghị định 35/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 của Chính phủ, việc đầu tư xây dựng KCN sinh thái sẽ được hưởng rất nhiều ưu đãi. Theo đó, các nhà đầu tư thứ cấp cũng sẽ được hưởng lợi từ rất nhiều nếu được đầu tư tại đây.
Chuyển đổi cần có nguồn lực
Việt Nam hiện có khoảng 15% KCN theo mô hình chuyên ngành, hỗ trợ, KCN sinh thái, KCN đô thị dịch vụ và chưa có KCN nào đạt chuẩn KCN sinh thái theo Nghị định 35/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế.
Theo các chuyên gia, để đầu tư làm KCN sinh thái, các doanh nghiệp phải đáp ứng đủ các tiêu chí gồm kết cấu hạ tầng phải đúng pháp luật và bảo vệ môi trường, lao động; kết cấu hạ tầng đầy đủ dịch vụ cơ bản; sử dụng tài nguyên hiệu quả và sản xuất sạch; có diện tích đất hợp lý để trồng cây xanh; liên kết cộng sinh công nghiệp; xây dựng công trình xã hội cho người lao động; có cơ chế giám sát, quản lý bảo vệ môi trường; thực hiện công bố báo cáo bảo vệ môi trường.
Để đáp ứng các tiêu chí khắt khe trên, các doanh nghiệp khi muốn chuyển đổi từ KCN truyền thống sang KCN sinh thái cần có nguồn lực, chi phí đầu tư rất lớn.
Ông Phạm Hồng Điệp cho rằng, để đầu tư một KCN sinh thái, đòi hỏi vốn lớn hơn bình thường và thời gian thu hồi vốn cũng chậm hơn do hệ số sử dụng đất giảm. Với vốn đầu tư lớn, việc thu hút các nhà đầu tư thứ cấp để hình thành các liên kết cộng sinh cũng đòi hỏi phải chọn lọc, nên cần có định hướng của địa phương theo hướng cộng sinh, sinh thái để tránh sự cạnh tranh không bình đẳng giữa các KCN trong cùng địa bàn.
Ông Điệp cho biết thêm, Nam Cầu Kiền áp dụng 8 tiêu chí theo Nghị định 82 nhưng với Nghị định 35 vừa ban hành còn thiếu tiêu chí: Số liệu thống kê sử dụng tài nguyên. Đây là điểm tiến bộ của Nghị định, doanh nghiệp chuyển đổi số để sử dụng tài nguyên tốt hơn.
"Nghị định 35 mới về vấn đề phát triển Khu công nghiệp sinh thái, tôi đề xuất quy trình có 6 Bộ thẩm định, đưa ra tiêu chí rõ ràng để doanh nghiệp nhanh chóng có cơ sở thực hiện" - ông Điệp cho biết.
13h30-17h00 thứ 6 ngày 26/8/2022 Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp sẽ tổ chức Diễn đàn “Triển khai Nghị định 35/2022/NĐ-CP về Quản lý Khu công nghiệp, Khu kinh tế & Trao chứng nhận Khu công nghiệp tiêu biểu 2022” tại Hà Nội. Chương trình có sự tham gia của lãnh đạo các Bộ ban ngành, các chuyên gia, các nhà đầu tư, chủ đầu tư khu công nghiệp cả nước. Ngoài đề cập đến các nội dung mới trong chính sách phát triển KCN, KKT trong Nghị định 35; Đánh giá nhu cầu thuê đất trong thời gian tới; Những ưu đãi mà các chủ đầu tư sẽ được hưởng lợi từ Nghị định, chương trình sẽ vinh danh các KCN tiêu biểu đã tham gia Chương trình bình chọn Khu công nghiệp tiêu biểu 2022 do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức. |
Có thể bạn quan tâm
Hòa Phú (Bắc Giang): Hướng đến Khu công nghiệp sinh thái
15:24, 08/07/2022
Phát triển khu công nghiệp sinh thái: Cần các tiêu chí rõ ràng
01:00, 18/06/2022
Hải Phòng cam kết phát triển khu công nghiệp sinh thái bền vững
00:08, 22/05/2022
Đến lúc đầu tư vào khu công nghiệp sinh thái
04:00, 11/11/2021