TS Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế nhận định, chính sách về khu công nghiệp hiện chưa đảm bảo tính ổn định, thống nhất, đồng bộ và cũng chưa thực sự đầy đủ.
>>Bất động sản công nghiệp hứa hẹn khởi sắc
Cụ thể, theo ông Lực, về chính sách, một số vấn đề của Nghị định 35/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 chỉ mới dừng ở mức nghị định, chưa đảm bảo nguyên tắc tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp. Đơn cử như nếu tăng giá sử dụng hạ tầng trên 10% thì phải giải trình với Ban quản lý khu công nghiệp và Ban quản lý khu công nghiệp có quyền thẩm định. Hay trong kết nối hạ tầng kỹ thuật giữa các giai đoạn phân kỳ nếu giai đoạn sau khác chủ đầu tư, chưa phân nhiệm rõ ai lo hạ tầng kỹ thuật, ai lo hạ tầng xã hội.
Về quy hoạch, chất lượng quy hoạch phát triển khu công nghiệp còn thấp, chưa được quan tâm đúng mức như, thiếu tầm nhìn tổng thể, dài hạn; đang được quy hoạch khá dàn trải theo địa giới hành chính, chưa bám sát thực tiễn, thế mạnh của từng địa phương; thời gian phê duyệt quy hoạch kéo dài, phức tạp.
Việc phát triển khu công nghiệp sinh thái còn hạn chế, hầu hết các khu công nghiệp hiện nay phát triển theo mô hình tập trung công nghiệp đơn thuần (ngoại trừ một số khu công nghiệp ở Bình Dương, Bắc Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu...).
Về các chính sách ưu đãi đầu tư khu công nghiệp, TS Cấn Văn Lực cho biết chưa hiệu quả trong việc định hướng dòng vốn đầu tư, một số chính sách ưu đãi đầu tư vẫn còn chung chung, chính sách ưu đãi chưa đồng bộ, chồng chéo, thiếu tính ổn định và khó dự đoán, thủ tục tiếp cận ưu đãi phức tạp.
Theo dự thảo cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà, việc lắp đặt điện mặt trời mái nhà tại các khu công nghiệp cũng sẽ không được hưởng ưu đãi.
Đặc biệt, công tác giải phóng mặt bằng còn rất nhiều khó khăn, đa số là chậm tiến độ. Nguyên nhân là quỹ đất ngày càng hạn chế; người dân chưa nhất trí với đơn giá bồi thường; phương án bồi thường chưa thực sự hợp lý, thỏa đáng, minh bạch; sự vào cuộc của chính quyền địa phương chưa quyết liệt, chưa trúng vấn đề; hoặc một số người dân chây ì, trong khi cần sự thỏa thuận, thống nhất của 100% hộ dân.
Bên cạnh đó, chi phí đầu tư, xây dựng biến động vẫn đứng ở mức cao. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá nguyên vật liệu xây dựng năm 2021, 2022 và 2023 tăng lần lượt 6,4%, gần 7% và 0,05% so với năm trước.
>>Bất động sản công nghiệp đối mặt với áp lực tăng giá
Không những vậy, ông Lực cũng cho biết hiện nguồn vốn phát triển khu công nghiệp vẫn còn phụ thuộc nhiều vào các nguồn vốn bên ngoài. Hiện nay, nguồn vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ phát triển hạ tầng khu công nghiệp còn thấp so với nhu cầu (trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020, nguồn vốn đã bố trí để hỗ trợ phát triển hạ tầng khu công nghiệp chỉ đáp ứng 53% so với nhu cầu).
Ông Lực cho rằng thời gian đầu tư và hoàn vốn kéo dài nhiều năm nên phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn tín dụng và trái phiếu doanh nghiệp, do đó nhu cầu vay vốn trung dài hạn là rất lớn.
Hơn nữa, việc định giá đất gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua, do việc sửa đổi Nghị định 44 còn chậm, tâm lý sợ trách nhiệm còn xảy ra dẫn tới khó tiếp cận vốn tín dụng hơn. Đồng thời sự trầm lắng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua phần nào ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp.
Sự cạnh tranh thu hút FDI với các nước trong khu vực (Indonesia, Thái Lan, Malaysia...) ngày càng khốc liệt, đặc biệt trong bối cảnh áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ đầu năm 2024...
Đưa ra các kiến nghị, giải pháp, TS Cấn Văn Lực cho rằng cần sớm thông qua Luật Đất đai, Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi, sửa đổi Nghị định 44 về định giá đất; ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn kịp thời, chất lượng...
Đối với chủ đầu tư khu công nghiệp, ông Lực nhấn mạnh khi đưa ra các kiến nghị chính sách cần đúng, trúng và có giải pháp đi kèm; quyết liệt cơ cấu lại hoạt động, sản phẩm; cần đa dạng hóa nguồn vốn, hướng tới minh bạch, chuyên nghiệp hơn; quan tâm quản lý rủi ro, đáp ứng tốt hơn các yêu cầu về môi trường, an toàn, hệ sinh thái khu công nghiệp….
Có thể bạn quan tâm