Bộ trưởng Bộ Xây dựng vừa có Quyết định thành lập Ban soạn thảo và Tổ biên tập Nghị định xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản.
>>Triển vọng phát triển bất động sản công nghiệp
Ban soạn thảo Nghị định gồm 34 thành viên do Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh làm Trưởng ban. Tổ biên tập sẽ gồm 36 thành viên do Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản Hoàng Hải làm Tổ trưởng.
Ban soạn thảo, Trưởng ban, Phó Trưởng ban và các thành viên Ban soạn thảo có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ theo quy định tại Điều 54 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và Điều 26 của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Tổ biên tập, Tổ trưởng và các thành viên Tổ biên tập có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Điều 27 của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập có nhiệm vụ tham dự đầy đủ các cuộc họp của Ban soạn thảo, có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ được giao. Ban soạn thảo và Tổ biên tập chấm dứt hoạt động và tự giải thể sau khi Nghị định được Chính phủ ký ban hành.
Trước đó, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng đã ký Quyết định số 179/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Xây dựng đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Trong đó, định hướng tăng cường quản lý để thị trường bất động sản phát triển ổn định, minh bạch thông tin, phù hợp quy luật cung cầu.
Phó Thủ tướng yêu cầu tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu, đến năm 2025 hoàn thành Hệ thống thông tin quản lý nhà ở và thị trường bất động sản đảm bảo kết nối và liên thông với cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai. Xây dựng cơ chế minh bạch đánh giá giá trị bất động sản; nghiên cứu, hoàn thiện chính sách thuế, phí về bất động sản để khuyến khích sử dụng nhà, đất có hiệu quả.
>>Nhà đầu tư bất động sản không còn ở thế "phòng thủ"
Trên thực tế, thị trường bất động sản đã trải qua thời gian dài phát triển với nhiều thăng trầm, song đến nay vẫn chưa có cơ sở pháp lý và quy định cụ thể về quyền hạn, trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc công bố thông tin với công chúng; quy định về đảm bảo tính xác thực của thông tin và quy rõ trách nhiệm cho cơ quan nào kiểm chứng thông tin do doanh nghiệp công bố, đặc biệt là thông tin dưới dạng báo cáo nghiên cứu. Trong khi đó, hiện cũng chưa có hệ thống thông tin dữ liệu hoàn chỉnh, chính thống về thị trường bất động sản.
Theo Viện nghiên cứu bất động sản Việt Nam (VIRES), điều này đang dẫn đến 3 nguy cơ: Một là, khách hàng bị đánh cắp dữ liệu về sở hữu bất động sản khi giao dịch trên nền tảng số, kéo theo tình trạng mua bán dữ liệu trái phép.
Hai là một số doanh nghiệp tự đầu tư nguồn lực để số hóa dữ liệu mà không có sự quản lý, kiểm soát của Nhà nước, xâm phạm quyền riêng tư và bảo mật thông tin để khai thác thông tin từ các cá nhân, doanh nghiệp sau đó lưu trữ như một loại tài sản tư nhân và công bố thông tin để dẫn dắt sai lệch, đẩy giá, lôi kéo mua hàng hoặc thao túng thị trường.
Ba là làm giảm tính minh bạch, khách quan về thông tin của thị trường bất động sản, gây khó khăn cho việc điều hành chính sách kinh tế vĩ mô, công tác quản lý nhà nước nhằm phát triển bền vững thị trường, từ đó làm giảm đi tính hấp dẫn của thị trường bất động sản, làm gia tăng thêm những góc nhìn thiếu thiện cảm về thị trường này.
Các chuyên gia của VIRES cho hay, Luật Kinh doanh bất động sản mới được Quốc hội thông qua ngày 28/11/2023, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025 dành một chương để quy định về xây dựng và quản lý hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản (Chương VIII), tuy nhiên, quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của doanh nghiệp, tổ chức tự thu thập, nghiên cứu, lưu trữ và công bố thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản chưa được làm rõ.
VIRES cho rằng cần có các quy định khi doanh nghiệp được phép công bố các báo cáo thông tin thì cần đặt ra những tiêu chí cụ thể để kiểm soát mức độ ảnh hưởng của thông tin, tính xác thực, khách quan, khoa học của thông tin, trách nhiệm của doanh nghiệp với nguồn tin sau khi thông tin được công bố. Cùng với những tiêu chí này, việc thẩm định, kiểm tra, giám sát của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền với các thông tin thị trường mà doanh nghiệp công bố cũng cần được thực hiện thường xuyên, chặt chẽ, nhanh chóng, hiệu quả.
Sau cùng, cần tạo cơ chế để cá nhân, doanh nghiệp được tiếp cận nguồn tin chính xác, kịp thời, hữu ích về thị trường bất động sản trên một hệ thống thông tin được quản lý, giám sát chặt chẽ. Việc cung cấp cho các chủ thể tham gia thị trường thông tin khách quan, trung thực cũng giúp cho họ có căn cứ để đánh giá giá trị thực của sản phẩm và có niềm tin tham gia đầu tư vào thị trường
Có thể bạn quan tâm