Trước thực trạng nhiều dự án, công trình đạt tiêu chuẩn xanh vẫn còn tính tự phát, để phát triển lĩnh vực này tại Việt Nam, theo chuyên gia, cần xây dựng môt hành lang pháp lý riêng hoàn chỉnh.
>> Ghi điểm thêm cho phát triển bền vững từ công trình xanh
Là một nước đang phát triển, tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam đã gây áp lực đáng kể lên cả cơ sở hạ tầng và môi trường, đặc biệt là áp lực về nhu cầu nhà ở, tiêu thụ năng lượng, quản lý chất thải và ô nhiễm ngày càng tăng. Để đối phó với những thách thức và phát triển xanh, bền vững, phát thải carbon thấp tiến tới phát thải ròng bằng 0, Chính phủ đã khởi xướng nhiều hành động và chính sách nhằm thúc đẩy công trình xanh.
Thực tế cho thấy, công trình xanh không chỉ mang đến các thay đổi tích cực về cảnh quan, mà còn thiết lập một nền tảng thực tế, năng động để thúc đẩy sự phát triển bền vững.
Theo thống kê đến hết quý II/2023, Việt Nam có gần 300 công trình xanh được đánh giá, chứng nhận bởi các hệ thống, tiêu chuẩn của Lotus, Edge, LEED, Green Mark... với tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 7 triệu m2. Việt Nam hiện đứng thứ 28 trên thế giới về số lượng công trình xanh được chứng nhận LEED.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, hoạt động này hiện nay được cho vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế bởi thiếu một khung khổ pháp lý đồng bộ. Theo đó, việc Việt Nam chưa có một bộ công cụ đánh giá công trình xanh thống nhất, cũng như việc chứng nhận công trình xanh không được thực hiện bởi cơ quan nhà nước đã dẫn đến tình trạng phát triển công trình xanh mang tính tự phát, khó quản lý. Nhiều công trình được gắn mác xanh nhưng không chứng minh được các số liệu cho thấy đã đóng góp tích cực cho việc bảo vệ môi trường.
>>Xu hướng phát triển công trình xanh tại Việt Nam
Trước thực trạng nêu trên, bà Lưu Thị Thanh Mẫu, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất Động sản TP. Hồ Chí Minh đề xuất cần ban hành một bộ công cụ đánh giá công trình xanh, dự án công trình xanh áp dụng riêng cho Việt Nam và quy định thẩm quyền đánh giá, cấp chứng nhận công trình xanh thuộc cơ quan xây dựng.
“Điều này nhằm ngăn chặn tình trạng ứng dụng tùy tiện công trình xanh, làm cơ sở để phát triển công trình xanh một cách bài bản, nghiêm túc, đi vào thực chất”, chuyên gia này chia sẻ.
Ngoài ra, bà Mẫu cũng nhấn mạnh cần có quy định lộ trình bắt buộc thực hiện công trình, dự án công trình xanh chuyển dần từ khu vực công sang khu vực tư nhân. Đồng thời, Việt Nam cần xây dựng thêm chính sách ưu đãi hiệu quả cho các nhà đầu tư công trình xanh như cho vay với lãi suất ưu đãi, nghiên cứu thưởng diện tích sàn ở một mức độ hợp lý, bổ sung thêm ưu đãi cho các chủ thể phát hành trái phiếu xanh...
Cùng chung quan điểm, PGS.TS Lưu Quốc Thái, Khoa Luật Thương mại, Trường đại học Luật TP. Hồ Chí Minh cho rằng, sự tham gia chính thức từ phía cơ quan Nhà nước là động lực, cơ chế để thúc đẩy và chuẩn hóa hoạt động đầu tư và cấp giấy chứng nhận đối với công trình xanh. Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm của các quốc gia về xây dựng pháp luật để giải quyết các vấn đề về quy hoạch sử dụng đất cho công trình xanh; xếp hạng, đánh giá, cấp giấy chứng nhận và kiểm định theo định kỳ; ưu đãi dự án công trình xanh…
“Và trong tương lai xa hơn, Việt Nam cần có một bộ luật về công trình xanh như các nước phát triển trên thế giới để tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, vững chắc cho việc thực hiện các dự án công trình xanh”, PGS.TS Lưu Quốc Thái nhấn mạnh.
Còn theo Ths.KS Nguyễn Xuân Hải, Viện Quản lý Dự án Hoa Kỳ (PMI), mức đầu tư cho công trình xanh thường cao hơn so với công trình truyền thống, do vậy để phát triển các công trình, dự án xanh Nhà nước cần phải có quỹ tài chính hỗ trợ dành cho các dự án xây dựng công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng, công trình tiết kiệm nguồn tài nguyên hoặc các dạng công trình tương tự khác. Đồng thời phối hợp với ngân hàng để cho vay với lãi suất ưu đãi đối với các dạng dự án này.
Mặc khác, sử dụng công cụ thuế như một phương thức hiệu quả nhằm thay đổi hành vi của chủ đầu tư, thúc đẩy đầu tư xanh, bảo đảm tài chính cho quá trình chuyển đổi sang lĩnh vực xây dựng xanh. Khi đó, doanh nghiệp đi đầu trong các dự án chuyển đổi xanh sẽ nhận được hỗ trợ nhiều về tài chính cũng như các cơ hội phát triển khác.
“Đặc biệt, cần xem xét tạo điều kiện và ưu tiên ở giai đoạn cấp phép xây dựng cũng như các thủ tục pháp lý khác”, Ths.KS Nguyễn Xuân Hải bày tỏ.
Đồng thời cho rằng, đối với những công trình hoặc tòa nhà hiện hữu có tiêu thụ năng lượng nhiều và có lượng phát thải lớn, cần ban hành quy định bắt buộc, phải đánh giá hiện trạng hiệu suất sử dụng năng lượng. Trường hợp sử dụng thiết bị có hiệu quả năng lượng cao hoặc thiết bị sử dụng năng lượng tái tạo, người chủ đầu tư sẽ được khấu trừ thuế ở mức phù hợp với chi phí đầu tư các thiết bị đó.
Có thể bạn quan tâm
Ghi điểm thêm cho phát triển bền vững từ công trình xanh
02:30, 08/04/2024
Viglacera liên tiếp thu hút các dự án công trình xanh
20:36, 29/03/2024
Thị trường sắp đón nhận hai dự án bất động sản cao cấp đạt chuẩn công trình xanh
11:21, 27/03/2024
Rào cản phát triển công trình xanh
12:00, 21/10/2023
Chi phí đầu tư là rào cản phát triển công trình xanh
14:20, 18/10/2023