Việc nghiên cứu, đề xuất phương thức quản lý hoạt động liên quan đến tài sản mã hóa, tài sản ảo, tiền ảo là một nhiệm vụ khó khăn, đòi hỏi nguồn nhân lực, thời gian.
>> Hoàn thiện pháp lý về tiền ảo - Nên có cách ứng xử phù hợp
Có thể nói, tiền ảo, tài sản ảo là vấn đề phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro chưa được đánh giá hết. Việc thiếu khung pháp lý về tiền ảo, tài sản ảo khiến các hoạt động lừa đảo liên quan đến tiền ảo bùng nổ, trong khi Nhà nước thất thu thuế. Vì vậy, việc xây dựng chính sách quản lý về tài sản ảo, tiền ảo được xem là rất cấp thiết.
Thực tế cho thấy, theo thống kê của Boston Consulting Group, tổng giá trị tài sản ảo trong năm 2030 dự kiến sẽ lên tới 16.000 tỷ USD, chiếm 10% GDP toàn cầu. Trong đó, Việt Nam đứng thứ 3 thế giới về giao dịch tiền ảo, chỉ sau Ấn Độ và Mỹ.
Trước thực trạng đã nêu, ngày 23/2, Phó thủ tướng Chính phủ - Lê Minh Khái đã ký Quyết định số 194/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, nhằm đưa Việt Nam ra khỏi danh sách giám sát tăng cường (còn gọi là danh sách xám) của lực lượng đặc nhiệm tài chính quốc tế (FATF).
Theo đó, Bộ Tài chính được giao phối hợp với bộ, ngành liên quan xây dựng khung pháp lý để cấm hoặc điều chỉnh đối với tài sản ảo và các tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản ảo; đồng thời chứng minh việc thực thi các quy định bao gồm các biện pháp đảm bảo tuân thủ. Thời hạn thực hiện là tháng 5/2025.
>> Hoàn thiện pháp lý về tiền ảo - Cần nhận diện bản chất
Xoay quanh vấn đề đã nêu, để đạt được mục tiêu hoàn thiện khung pháp lý đối với tiền ảo, tài sản ảo, một số ý kiến cho rằng, các nhà làm luật phải định nghĩa cụ thể tiền ảo là gì, có cho phép được lưu hành, được phát minh và được giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam hay không?
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu - Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển thị trường tài chính và bất động sản toàn cầu, tài sản ảo, tiền ảo hoạt động và phát triển nhanh ở Việt Nam thời gian qua. Tuy nhiên, sự quản lý yếu kém cũng như những lỗ hổng về mặt pháp lý khiến cho các hoạt động lừa đảo liên quan đến tiền ảo, tài sản ảo bùng nổ.
Bên cạnh đó, tiền ảo là khái niệm dễ bị nhầm lẫn với tiền điện tử và tiền kỹ thuật số. Đây là một trong những lý do khiến nhiều người dễ bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tiền. Tiền điện tử là giá trị tiền tệ được mã hóa lưu trữ trên một thiết bị điện tử như ATM, thẻ phi vật lý, tài khoản ngân hàng, ví điện tử….; là thể hiện của tiền pháp định của một quốc gia trên môi trường điện tử, như VND, USD. Tại Việt Nam, việc chuyển tiền Việt Nam VND qua ATM, app... chính là chuyển tiền điện tử. Người dùng có thể đổi từ tiền pháp định ở dạng điện tử sang tiền mặt để giao dịch ngoài Internet…
Từ đó, vị chuyên gia này cho rằng, để đạt được mục tiêu hoàn thiện khung pháp lý đối với tài sản ảo và các tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản ảo vào tháng 5/2025, các nhà làm luật phải định nghĩa tiền ảo là gì và có cho phép tiền ảo được lưu hành được phát minh và được giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam hay không.
Bên cạnh đó, cần có một chương trình thử nghiệm lưu hành sử dụng tiền ảo trên lãnh thổ Việt Nam. Đồng thời, hệ thống tòa án cũng phải nắm bắt được để xử lý những tranh chấp liên quan đến tiền ảo.
Đồng quan điểm đã nêu, nhiều ý kiến cũng đề xuất, để hoàn thiện hành lang pháp lý về tiền ảo, tài sản ảo và đưa vào hệ thống quản lý theo mục tiêu chỉ đạo của Chính phủ, cần tăng cường hợp tác quốc tế và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan quản lý, cơ quan thực thi pháp luật và những đơn vị doanh nghiệp có liên quan nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản ảo tuân thủ chặt chẽ pháp luật một cách hiệu quả hơn. Ngoài ra, có thể xây dựng khung pháp lý cho tài sản ảo, áp dụng vào những nhóm đối tượng cụ thể, thay vì trên diện rộng. Trong đó, xác lập quyền sở hữu đối với tài sản ảo là một trong những vấn đề quan trọng.
Được biết, liên quan đến vấn đề này, thông tin với báo chí mới đây, đại diện Bộ Tài chính cho biết, tài sản mã hóa, tài sản ảo, tiền ảo là những sản phẩm của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ứng dụng các công nghệ tiên tiến, bao gồm đa dạng các sản phẩm, được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau. Các hoạt động liên quan đến tài sản mã hóa, tài sản ảo, tiền ảo cũng không ngừng biến đổi, phát triển ngày càng đa dạng.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, các nước đang có các cách tiếp cận khác nhau đối với hoạt động này. Việc nghiên cứu, đề xuất phương thức quản lý hoạt động liên quan đến tài sản mã hóa, tài sản ảo, tiền ảo là một nhiệm vụ khó khăn, đòi hỏi nguồn nhân lực, thời gian. Ngoài ra, việc đề xuất phương án quản lý đối với tài sản mã hóa, tài sản ảo, tiền ảo cũng đòi hỏi phải đánh giá kỹ lưỡng khả năng quản lý, giám sát của cơ quan quản lý tại Việt Nam do các sản phẩm này chỉ tồn tại trên môi trường kỹ thuật số. Công tác quản lý, giám sát các hoạt động liên quan cũng đòi hỏi một hạ tầng công nghệ thông tin tiên tiến, trình độ cao.
“Trong giai đoạn này, các bộ, ngành đã cảnh báo về rủi ro liên quan đến các hoạt động đầu tư vào tài sản mã hóa, tài sản ảo, tiền ảo, khuyến cáo các nhà đầu tư thận trọng khi tham gia đầu tư các sản phẩm này”, vị này bày tỏ.
Có thể bạn quan tâm
Hoàn thiện pháp lý về tiền ảo - Nên có cách ứng xử phù hợp
04:00, 15/03/2024
Hoàn thiện pháp lý về tiền ảo - Cần nhận diện bản chất
04:00, 06/03/2024
Cần thiết hoàn thiện pháp lý về tiền ảo
14:52, 05/03/2024
Hoàn thiện pháp lý về tiền ảo - Không nên vì lo ngại rủi ro mà chậm trễ
04:00, 04/03/2024
Gian nan “chặn” rửa tiền trong giao dịch tiền ảo
03:20, 24/09/2023