Việc chậm hoàn thuế VAT đối với các mặt hàng xuất khẩu, dự án đầu tư kéo dài đã lâu, dù hàng loạt hiệp hội, doanh nghiệp kiến nghị nhiều lần nhưng đến nay vẫn chưa được tháo gỡ…
>>“Ách tắc” hoàn thuế, doanh nghiệp ngành gỗ lao đao
Theo đó, hàng loạt doanh nghiệp ngành cao su, nhựa, đồ gỗ, sắn… cho biết họ đang gặp khó khăn về dòng vốn vì chưa được hoàn thuế VAT với số tiền lên đến hàng chục, hàng trăm tỉ đồng. Đáng nói nhiều đơn vị đã phải đợi 1-2 năm nhưng vẫn chưa được hoàn thuế VAT.
Lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm được hoàn thuế, các doanh nghiệp cho biết: Ngày 12/6/2013, Bộ Tài chính đã ban hành Công văn 7527/BTC-TCT về việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế đối với các công ty có dấu hiệu rủi ro cao về thuế. Theo đó, các cục thuế địa phương phải kiểm tra các khâu trung gian, tức là phải kiểm tra F1, F2, F3, F4… Công văn này đã gây ra nhiều khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp vì trên thực tế không thể làm được.
Sau đó, ngày 15/10/2013, Bộ Tài chính đã ban hành Công văn 13706 hướng dẫn, bổ sung, sửa đổi Công văn 7527 nêu trên. Theo đó, việc kiểm tra, xác minh được thực hiện trong phạm vi 40 ngày và chỉ kiểm tra, xác minh đối với người bán hàng trực tiếp cho công ty xuất khẩu để xử lý hoàn thuế. Sau khi Bộ Tài chính ban hành văn bản sửa đổi này, vấn đề hoàn thuế VAT đã được giải quyết.
Thế nhưng đến ngày 7/3/2022, Tổng cục Thuế lại ban hành Công văn 633 với nội dung chỉ đạo các cục thuế, chi cục thuế tỉnh, thành phải tập trung đối chiếu xác minh thuế VAT đầu vào của doanh nghiệp qua các khâu từ F1, F2, F3… cho đến khâu cuối cùng. Đây chính là lý do khiến việc hoàn thuế VAT bị ách tắc trở lại như trước đây. Bởi việc xác minh doanh nghiệp F1, F2, F3 là không khả thi, đánh đố doanh nghiệp.
Ví dụ, hơn 1.000 tỉ đồng thuế VAT chưa được hoàn cho các công ty xuất khẩu dăm gỗ suốt nhiều tháng nay, do các cơ quan thuế địa phương vẫn đang thực hiện xác minh nguồn gốc sản phẩm.
Theo đại diện Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam, lý do chủ yếu dẫn đến tình trạng ách tắc trong việc hoàn thuế VAT như hiện nay là do chỉ đạo của Tổng cục Thuế yêu cầu các cục thuế địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát, phối hợp với cơ quan công an, hải quan, chính quyền địa phương… xác minh nguồn gốc gỗ từ người trồng rừng đến khi lô hàng xuất khẩu đi.
Quá trình xác minh rất dài, có khi hơn một năm vẫn chưa xong thủ tục hoàn thuế VAT dẫn đến ách tắc. Chẳng hạn các đơn vị xuất khẩu cao su từ năm 2021 đến nay vẫn chưa được các cơ quan thuế giải quyết hoàn thuế VAT, trong đó doanh nghiệp ít thì 20-30 tỉ đồng, doanh nghiệp nhiều lên tới cả trăm tỉ đồng. Các doanh nghiệp có dự án đầu tư cũng đang “ngồi trên đống lửa” vì bị “giam” số tiền hoàn thuế VAT rất lớn.
Đơn cử số tiền thuế VAT đáng lẽ được hoàn của Công ty TNHH Điện lực Vân Phong (Khánh Hòa) lên tới khoảng 100 triệu USD, tương đương hơn 2.460 tỉ đồng. Thế nhưng từ khi công ty nộp thủ tục để được hoàn thuế đến nay đã hai năm vẫn chưa nhận được đồng nào.
Trả lời báo chí, ông Tomoki Kawasaki, Giám đốc tài chính đơn vị này, cho biết do tiền thuế chậm được hoàn khiến công ty phải huy động nguồn vốn để bù đắp, làm phát sinh chi phí lãi vay. Đại diện nhiều công ty khác cũng cho hay đang rơi vào thế đường cùng khi không còn vốn để kinh doanh nhưng lại không được hoàn thuế VAT.
“Thực tế tiền hoàn thuế là tiền mà chúng tôi đã ứng trước để nộp vào ngân sách khi mua nguyên liệu, vì vậy khi chúng tôi đã xuất khẩu xong thì phải trả lại để có vốn sản xuất, kinh doanh. Vậy mà chúng tôi cứ như người đi xin” - đại diện một công ty bức xúc.
>>Vài trường hợp gian lận hoàn thuế, sao để nhiều doanh nghiệp bị “vạ lây”?
Tại hội nghị đối thoại về chính sách thuế với doanh nghiệp tổ chức ở TP.HCM mới đây, ông Vũ Xuân Bách, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, thừa nhận việc hoàn thuế VAT đối với các dự án đầu tư thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện có vướng mắc. Vì vậy cơ quan thuế đang dự thảo thông tư hướng dẫn sửa đổi, bổ sung quy định để giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp. Dự thảo thông tư hướng dẫn đã được Tổng cục Thuế lấy ý kiến góp ý và đang hoàn thiện.
Ông Bách cũng thông tin: Ngày 23/11, Tổng cục Thuế đã có công văn hướng dẫn thực hiện vấn đề này và các cục thuế tỉnh, thành có thể thực hiện hoàn thuế cho doanh nghiệp mà không cần phải chờ có thông tư...Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho biết đến nay họ vẫn chưa được hoàn thuế VAT, vì vậy kiến nghị Bộ Tài chính phải có thông tư hướng dẫn cụ thể để cơ quan thuế địa phương triển khai nhanh.
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp xung quanh vấn đề này, luật sư Tạ Anh Tuấn – Trưởng Văn phòng Luật Bách Gia Luật và liên danh cho biết, hiện nay các quy định của luật về hoàn thuế VAT đã rất rõ ràng. Thứ nhất, trường hợp doanh nghiệp thuộc diện hoàn thuế trước kiểm tra sau, thời gian hoàn thuế là sáu ngày làm việc. Còn trường hợp doanh nghiệp thuộc diện kiểm tra trước hoàn thuế sau, thời gian hoàn thuế tối đa là 40 ngày.
Luật Quản lý thuế cũng quy định doanh nghiệp xuất khẩu đáp ứng ba điều kiện sau sẽ được hoàn thuế VAT gồm: Có hợp đồng xuất khẩu, có tờ khai hải quan, thanh toán qua ngân hàng. Như vậy, nếu doanh nghiệp xuất khẩu đủ điều kiện thì cơ quan thuế phải thực hiện hoàn thuế VAT ngay chứ không phải chờ hướng dẫn.
Luật sư Tạ Anh Tuấn cũng cho rằng thời gian qua, Tổng cục Thuế đã ban hành nhiều công văn chỉ đạo các cục thuế, chi cục thuế kiểm tra xác minh từ khâu đầu tiên, các khâu trung gian đến khâu cuối cùng, hay đặt ra rất nhiều điều kiện như kiểm tra người mua ở nước ngoài… dẫn đến ách tiền hoàn thuế VAT.
“Nhiều công văn ngành thuế chỉ là văn bản nội bộ ngành, vì vậy nếu đúng luật cần ban hành thông tư hướng dẫn để áp dụng thống nhất, tránh ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp”, luật sư Tạ Anh Tuấn chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm