Được xem như một bảo tàng sống về lịch sử, kiến trúc, dân cư đô thị. Những năm qua, Hội An luôn là điểm đến hấp dẫn hàng đầu thế giới tuy nhiên giờ đây yên tĩnh lạ thường bởi dịch COVID-19.
Là một kiểu cảng thị truyền thống Đông Nam Á duy nhất ở Việt Nam, hiếm có trên thế giới, Hội An giữ được gần như nguyên vẹn các di tích kiến trúc cổ. Phố cổ Hội An là một trong hai Di sản Văn hóa thế giới, điểm đến không thể thiếu của bạn bè quốc tế mỗi khi đến Quảng Nam.
Từng nghĩ đến phương án giảm tải
Hội An từng được biết đến trên thương trường quốc tế với nhiều tên gọi khác nhau như Lâm Ấp, Faifo, Hoài Phố và Hội An. Trước năm 1999, khi mà phố Hội chưa được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới thì nơi đây vẫn chỉ là một khu phố cũ bị bỏ quên, chẳng mấy ai biết đến.
Rồi một trang sử mở ra, lượng khách du lịch đến Hội An ngày một tăng nhanh, từ gần 100 nghìn lượt khách năm 1999, đã tăng lên hơn 5,35 triệu lượt trong năm 2019. Ngành du lịch, dịch vụ đóng góp hơn 70% GDP của thành phố, đời sống người dân không ngừng cải thiện nâng cao.
Đối diện với lẽ đó các công trình, di tích lịch sử ngày càng xuống cấp trong khi lượng khách đổ về ngày một đông, nhất là khoảng cao điểm như cuối tuần, rằm âm lịch hay lễ tết trong khi chưa có chính sách kéo giãn khách tham quan phù hợp, bố trí và quản lý nguồn khách hợp lý khiến các điểm đến cổ ngày ngày oằn mình “cõng” một lượng lớn đến quá tải, nguy cơ sụp đổ là hoàn toàn có thể xảy đến. Và người ta đã gióng lên hồi chuông cảnh báo rằng Hội An đã đến thời điểm quá tải, cần có phương án giãn khách đến “cứu” di sản.
Lúc ấy “lão” Phùng ( ông Võ Phùng Nguyên Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thể thao & Truyền thanh Truyền hình Hội An) cũng cho rằng đã đến lúc tính đến bài toán giảm tải cho Hội An. Với lượng người đến Hội An ngày một đông sẽ tạo nên nhiều áp lực lên di sản. Điều đó cũng kéo theo những nguy cơ làm nhiều nét truyền thống của Hội An xưa bị phai nhòa. Bởi lẽ “sự phát triển của Hội An đi quá nhanh, nhưng sự điều chỉnh hành vi bằng văn hóa của Hội An lại không theo kịp.”
Lúc ấy nhiều người cho rằng Hội An cần được lãng quên, để những giá trị văn hóa được bảo tồn lưu giữ.
Hội An bỗng dưng tĩnh lặng
Theo nhiều người dân sống lâu năm ở Hội An cho biết, từ khi ngành du lịch phát triển bùng nổ, lượng khách ồ ạt đến với thành phố đã tạo nên một bức tranh kinh tế du lịch đầy màu sắc.
Lúc ấy kinh tế chính của Hội An như dựa hẳn vào ngành du lịch, doanh nghiệp du lịch mọc lên như nấm, người dân đổ xô đi làm du lịch và các ngôi nhà trong khu phố cổ hầu như đều được tận dụng để kinh doanh phục vụ du lịch. Người Hội An như đã quen với guồng quay tấp nập, đông đúc.
Rồi dịch COVID-19 bùng phát với những diễn biến phức tạp, có nhiều tác động tiêu cực đến kinh tế - xã hội trong đó ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nhất. Mọi hoạt động đều bị tạm ngưng để phòng chống, ngăn chặn sự lây lan của dịch.
Có một thực tế là dịch Covid-19 khiến ngành du lịch Hội An rơi vào khó khăn khi lượng khách đã ngưng đến hẳn, nhiều ngành dịch vụ ở Hội An điêu đứng.
Những ngày này, các con phố cổ ở Hội An chẳng còn thấy sự đông đúc như mọi khi nữa, mà thay vào đó là sự yên tĩnh đến lạ thường. Du khách chẳng còn trên phố, tất cả các ngôi nhà đều đóng cửa, sự nhộn nhịp khi ấy chẳng còn nữa.
Nhiều người dân Hội An ví thành phố cổ này còn vắng hơn thuở hơn 20 năm về trước, khi mà Hội An còn chưa được công nhận là di sản văn hóa thế giới. Hội An như chùng xuống và tĩnh lặng như thế này dường như người Hội An “không quen.”
“Không còn các cửa hàng kinh doanh, không còn du khách cũng chẳng còn mấy người ở trong phố cổ. Một quầng thể di tích sống như mất hồn, phố cổ chìm vào những ngày buồn nhất, vắng lặng đến não lòng”, ông Trần Bửu, một người sống trong khu phố chia sẻ.
Một chủ nhà hàng trong khu phố cổ cho biết ông đã đóng cửa gần 1 tháng nay vì dịch COVID-19. Doanh thu sụt giảm cộng với tiền thuê nhà quá cao khiến nhiều doanh nghiệp, người kinh doanh như ông nóng như ngồi trên lửa, không biết có thể cầm cự đến khi “bão dịch” qua đi hay không.
“Chúng tôi thực sự “ngấm đòn” vì dịch Covid-19 và phải mất rất lâu nữa mới có thể khôi phục sản xuất, kinh doanh. Thực sự lo ngại đến việc các doanh nghiệp du lịch sẽ “chết” trước khi virus corona bị tiêu diệt. Nhiều hộ kinh doanh đã phải trả mặt bằng vì không gánh nỗi tiền thuê nhà.” Vị này lo lắng.
Chưa bao giờ người Hội An lại mong phố đông đúc đến thế, “bão COVID” hãy chỉ là một phương án giảm tải để bức tranh kinh tế du lịch lại có thêm nhiều nét vẽ tươi sáng phía trước.
Ông Phan Xuân Thanh – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam cho biết hiện nay các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn trong tình hình dịch diễn biến phức tạp, hiệp hội vẫn đang chờ các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh để triển khai, hỗ trợ kịp thời.