Không có khách, bị tư nhân cạnh tranh, bị cắt tuyến,... các hợp tác xã vận tải Quảng Nam đang gặp hàng loạt khó khăn trong việc duy trì hoạt động cũng như định hướng phát triển.
>>Vì sao xe dù, bến cóc vẫn còn "đất sống"?
Toàn tỉnh Quảng Nam hiện có 18 đơn vị kinh tế tập thể hoạt động trong lĩnh vực giao thông vận tải và các hợp tác xã chủ yếu tập trung hỗ trợ dịch vụ đăng ký bến bãi, vận tải hành khách, hàng hóa,…
Khó khăn chồng chất
Là các đơn vị vận tải hành khách, hàng hóa,... chủ lực của từng địa phương, song nhiều hợp tác xã (HTX) vận tải trên địa bàn tỉnh Quảng Nam gặp cảnh lao đao, hoạt động cầm chừng. Trong đó, nhiều tuyến đã phải tạm dừng vì kinh doanh không hiệu quả, người lao động mất việc làm, nhân dân thiếu phương tiện để di chuyển.
Lý do được các HTX nêu ra là do ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 trước đó, đồng thời số lượng khách hàng giảm dần, giá xăng, dầu tăng cao, cạnh tranh của tư nhân, bị cắt tuyến... đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động vận tại. Chưa kể đến, việc không thống nhất phương án di chuyển của các tỉnh thành cũng đã khiến hoạt động vận tải hành khách “tê liệt”.
Ông Bùi Văn Lợi, Giám đốc HTX Vận tải và Kinh doanh tổng hợp TP.Tam Kỳ cho hay đơn vị hiện đang có 80 phương tiện đang hoạt động, tuy nhiên vẫn còn gặp không ít khó khăn trong quá trình phục hồi. Theo người này, các nguyên nhân kể trên đã tạo nên áp lực cho những người hoạt động vận tải hành khách và hàng hóa.
“Hiện tại, đã có hàng chục phương tiện của HTX tham gia tuyến xe buýt Tam Kỳ - Đà Nẵng buộc phải tạm dừng hoạt động do quy định không được vào nội thành của TP. Đà Nẵng. Việc này không chỉ ảnh hưởng đến đơn vị mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến người dân, khi họ khó tìm được các phương tiện giá rẻ thay thế”, ông Bùi Văn Lợi nói.
Đồng tình với người này, các doanh nghiệp chạy tuyến xe buýt liên tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng cho rằng quy định của địa phương bạn đã làm “tê liệt” hàng loạt tuyến nối hai địa phương. Đa số các ý kiến cho rằng việc đón, trả khách tại các bến xe ngoại ô TP. Đà Nẵng gây bất tiện cho hành khách trong quá trình duy chuyển cũng như vận chuyển hàng hóa kèm theo, vì vậy hành khách đã chọn phương án di chuyển mới và “ngó lơ” xe buýt.
“Hai địa phương nên có sự thống nhất với nhau về việc hình thành một tuyến mới, doanh nghiệp chúng tôi sẽ đổi mới phương tiện phù hợp, di chuyển an toàn. Nếu cứ dừng hoạt động như vậy sẽ gây lãng phí, người lao động nghèo, sinh viên, người đi khám chữa bệnh,... sẽ mất đi một phương tiện di chuyển giá rẻ và đến gần với khu vực cần”, một doanh nghiệp vận tải chia sẻ.
Cần thêm động lực
Đứng trước những khó khăn, các HTX Vận tải trên địa bàn tỉnh Quảng Nam chỉ có thể tiếp tục củng cố, duy trì khai thác ổn định xe buýt các tuyến nội thành và các tuyến cố định đến các địa phương khác. Cùng với đó là kết hợp vận chuyển công nhân đối với các doanh nghiệp, tuy nhiên số lượng phương tiện được xử dụng là không nhiều.
Theo ông Bùi Văn Lợi, hiện tại việc địa phương hỗ trợ cho các HTX là rất khó nên các đơn vị phải thích ứng để tự cứu lấy mình. Người này đề xuất tỉnh Quảng Nam và TP. Đà Nẵng cần ngồi lại với nhau để “bắt tay” cùng phát triển, khôi phục lại các tuyến vận tải liên tỉnh.
“Đây được xem là một trong những hoạt động chủ lực của HTX vận tải, do đó cần có sự thống nhất giữa hai địa phương. Doanh nghiệp sẽ tự động làm mới phương tiện, đảm báo đáp ứng nhu cầu của từng địa phương, còn địa phương chỉ cần lên phương án và lộ trình”, ông Lợi cho hay.
Cùng với mong mỏi nối tuyến trở lại, các HTX vận tải nỗ lực “làm mới” mình trước cơ chế thị trường, phát huy nội tại, nâng cao chất lượng dịch vụ, đội ngũ nhân viên. Vì vậy, các đơn vị mong các cấp thẩm quyền, ngành chức năng nghiên cứu có cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp. Cùng với đó, có thể xem xét đến việc trợ giá cho xe buýt đi về các vùng xa để tháo gỡ khó khăn.
Cùng với việc tiếp động lực, ông Nguyễn Ngọc Châu, Phó Chủ tịch phụ trách Hiệp hội Vận tải ô tô Quảng Nam cho hay đơn vị cũng đã có văn bản kiến nghị đến Sở Giao thông vận tải về việc hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp. Song song, kiến nghị có thêm cơ chế, chính sách để hỗ trợ cho doanh nghiệp trong lĩnh vực.
“Kính đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam, Sở Giao thông vận tải quan tâm đến cơ chế, chính sách riêng của tỉnh như: hỗ trợ giảm thuế, bảo hiểm xã hội, hỗ trợ vốn vay ưu đãi cho các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường bộ để phục hồi sản xuất kinh doanh, có điều kiện thực hiện sớm ứng dụng thông tin công nghệ vào vận tải đường bộ tỉnh nhà”, Hiệp hội Vận tải ô tô kiến nghị.
Có thể bạn quan tâm