Tổng giám đốc HoSE Lê Hải Trà chia sẻ, ở góc độ Sở giao dịch chứng khoán, người tổ chức vận hành thị trường, để xảy ra nghẽn lệnh, tổ chức phục vụ thị trường, Sở phải nhận lỗi.
Sau hơn nửa năm sàn HoSE triền miên với sự cố nghẽn lệnh, gây bức xúc cho không ít nhà đầu tư, thiệt hại cho nhiều bên, tại buổi toạ đàm về “Nghẽn lệnh tại HoSE: Thực trạng và Giải pháp” vừa diễn ra, đã có hàng loạt câu hỏi được nêu như: Vì sao nhà đầu tư không được sửa, hủy lệnh trong một số phiên gần đây? HOSE có giám sát và biết được việc có hay không tình trạng mất công bằng trong sửa, hủy lệnh giữa các nhà đầu tư với nhau, các công ty chứng khoán với nhau, hay giữa tự doanh của công ty chứng khoán với khách hàng của công ty? Có hay không sự can thiệp chủ quan của nhà điều hành khi thị trường ở trạng thái căng thẳng nào đó? Phản ứng chính sách và chỉ đạo tiến trình xử lý kỹ thuật từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước? Vì sao hơn 20 năm qua sàn HoSE vẫn chưa làm chủ công nghệ? Đâu là khó khăn nhất trong việc đưa ra giải pháp cho thị trường thời gian qua?...
Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch UBCK Nhà nước (SSC) cho biết, việc trì trệ nâng cấp hệ thống giao dịch đến từ tính cầu toàn của cơ quan quản lý, muốn tạo ra hệ thống hiện đại, đồng bộ và toàn diện. Yêu cầu cao, nhưng nhận thức chưa được thấu đáo, dẫn đến việc chuẩn bị cho hệ thống rất nhiều vấn đề, khi hình thành ra dự án triển khai khá phức tạp và thiếu kinh nghiệm triển khai hệ thống quốc tế, đặc biệt trong lĩnh vực chứng khoán. Trong đó, có nguyên nhân chủ quan từ phía cơ quan quản lý nhà nước lẫn HoSE, trong quá trình thực hiện dự án không lường hết tình hình, chưa thực sự quyết liệt.
“Dự án bắt đầu năm 2000, không biết các anh chị lúc đó có kiến thức và hiểu biết thị trường chứng khoán đến đâu. Cá nhân tôi là người tham gia và các nhà kinh tế, khoa học có hiểu biết nhiều về chức năng và cách tổ chức, nhưng nói hệ thống giao dịch bao gồm phần gì thì không ai biết, kể cả FPT.
Khi hiện tượng nghẽn lệnh xảy ra là điều đáng tiếc, trong thời điểm thị trường phát triển rất mạnh, gần 1/4 thế kỷ tham gia cùng với các thế hệ xây dựng thị trường, chúng tôi chỉ mong muốn đến hôm nay thị trường phát triển về quy mô và thanh khoản, doanh nghiệp và Chính phủ huy động nguồn vốn, sự cố nghẽn lệnh làm cho chúng ta rất phiền toái", ông Dũng bày tỏ.
Về vấn đề kiểm soát việc sửa/hủy lệnh giao dịch, ông Lê Hải Trà, Tổng giám đốc HoSE chia sẻ, năng lực xử lý của sàn HoSE tối đa 900.000 lệnh/phiên. Việc sửa/hủy lệnh chiếm 1/3 trong tổng năng lực xử lý trên, khiến chỉ còn 600.000 lệnh được khớp thực tế. Do đó, việc kiểm soát sửa/hủy lệnh đã giúp "việc xếp hàng qua trạm thu phí giảm bớt trong giờ cao điểm", có thêm 200.000 lệnh được khớp, nên gần đây có những phiên giao dịch lên trên 30.000 tỉ đồng.
"Ở góc độ Sở Giao dịch Chứng khoán, người tổ chức vận hành thị trường, để xảy ra nghẽn lệnh, tổ chức phục vụ thị trường, Sở Giao dịch Chứng khoán phải nhận lỗi”, ông Trà nói.
Theo ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Công ty cổ phần Chứng khoán SSI, nguyên nhân gây nghẽn lệnh ở HoSE là rất nhiều, có thể do dòng tiền ồ ạt chảy vào quá mạnh, số lượng tài khoản tăng đột biến, hệ thống không đáp ứng được,... Trong đó, có nhân tố thuộc về chủ quan cũng như những yếu tố khách quan, "nhưng dù thế nào thì chúng ta cũng nợ nhà đầu tư một lời xin lỗi vì không cung cấp được dịch vụ đầy đủ cho nhà đầu tư đóng phí”.
"Không chỉ nợ một lời xin lỗi mà nợ nhiều lời xin lỗi, vừa phải xin lỗi nhà đầu tư, vừa xin lỗi các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế, nhà báo,... những người tâm huyết với thị trường chứng khoán đã liên lạc để nắm tình hình hoặc hiến kế giải quyết vấn đề nhưng không trả lời hết được" là chia sẻ của ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch UBCKNN.
Tình trạng nghẽn lệnh trên sàn HoSE đã diễn ra từ cuối năm 2020 khi lượng nhà đầu tư mới tham gia vào thị trường tăng đột biến. Hàng loạt biện pháp đã được đưa ra như: tăng lô giao dịch từ 10 lên 100 cổ phiếu, chứng chỉ quỹ; tạm chuyển một số doanh nghiệp niêm yết từ HoSE sang HNX hay nhiều CTCK đồng thuận hạn chế việc sửa/hủy lệnh. Đây là một sự cố mà Chủ tịch UBCK coi một kỷ niệm vui buồn lẫn lộn.
Trao đổi về giải pháp, ông Dương Dũng Triều, Chủ tịch CTy TNHH Hệ thống thông tin FTP (FTP IS) cho biết đang chạy thử hệ thống giao dịch tạm với sàn HoSE, chạy giả lập ở các công ty chứng khoán. Hệ thống tạm này có khả năng xử lý 3-5 triệu lệnh/ngày, bỏ cơ chế phân bổ lệnh ở các công ty chứng khoán và làm chủ được hệ thống trong quá trình khắc phục và giám sát sự cố.
Đồng thời, Chủ tịch SSC cũng tiết lộ, chiều nay 24/6, tổ công tác xử lý nghẽn lệnh do Thứ trưởng Huỳnh Quang Hải làm tổ trưởng sẽ họp, dự kiến hệ thống tạm sẽ chạy chính thức vào tháng 7, không chậm hơn.
Có thể bạn quan tâm
Bộ trưởng Bộ Tài chính: Quyết liệt các giải pháp xử lý triệt để nghẽn lệnh trên HoSE
22:07, 11/06/2021
Bộ Tài chính quyết định thanh tra gấp HoSE
04:30, 11/06/2021
Vướng mắc hủy, sửa lệnh trên HoSE được tháo gỡ, thị trường hồi phục
15:43, 09/06/2021
Giá trị giao dịch tăng mạnh uy hiếp an toàn hệ thống, HoSE đóng cửa phiên chiều
14:31, 01/06/2021