Môi trường đầu tư của tỉnh Hưng Yên trong thời gian qua có sự chuyển biến tích cực, điển hình là thời gian giải quyết thủ tục hành chính về đầu tư, kinh doanh... đều được cắt giảm từ 20-40%.
Sau một thời gian thực hiện cơ chế một cửa, việc giải quyết các hồ sơ, thủ tục hành chính tại tỉnh Hưng Yên đã được thực hiện một cách nhanh chóng và hiệu quả… qua đó tạo sự chuyển biến trong mối quan hệ giữa cơ quan hành chính với tổ chức theo tinh thần đồng hành, phục vụ.
Đột phá cải cách hành chính
Với quan điểm "thành công của doanh nghiệp và các nhà đầu tư là thành công của tỉnh", tỉnh đặc biệt coi trọng công tác xúc tiến đầu tư, cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư khi đến địa bàn. Để tạo môi trường đầu tư thuận lợi, tỉnh đã tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nỗ lực cải cách hành chính, trong đó tập trung vào đơn giản hóa thủ tục hành chính. Cùng với đó, tỉnh đã đề ra những chính sách khá rõ ràng và cụ thể như: Không cấp phép cho các dự án công nghệ lạc hậu, tác động xấu đến môi trường; các ngành chức năng thẩm tra kỹ các dự án trước khi cấp phép…
Có thể bạn quan tâm
13:53, 29/11/2018
10:39, 27/11/2018
11:00, 26/09/2018
Ông Nguyễn Văn Phóng – Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên cho biết, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị, UBND các xã, phường bám sát các kế hoạch, các văn bản chỉ đạo về cải cách hành chính.
Bước đột phá trong công tác cải các hành chính của tỉnh Hưng Yên là ứng dụng và triển khai đồng bộ trong cơ quan UBND, các cơ quan, đơn vị trực thuộc và UBND phường, xã phần mềm Văn phòng điện tử. Hiện nay 100% văn bản xử lý, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo thành phố và các phòng, ban, đơn vị thuộc thành phố và UBND phường, xã đều được triển khai trên phần mềm.
Lãnh đạo tỉnh yêu cầu các sở, ngành, UBND các cấp phải công khai, minh bạch các chủ trương, chính sách, thủ tục hành chính để người dân, doanh nghiệp dễ dàng áp dụng.
Thực hiện nhiệm vụ kiểm soát thủ tục hành chính năm 2018, UBND tỉnh Hưng Yên đã ban hành Quyết định số 29/QĐ - UBND ngày 6/1/2018 về việc ban hành Kế hoạch kiểm soát thủ tục hành chính; ban hành Quyết định số 28/QĐ - UBND ngày 6.1.2018 về việc ban hành Kế hoạch rà soát, đơn giản hoá thủ tục hành chính tỉnh. Đặc biệt, thực hiện cơ chế một cửa, một cả liên thông, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 14/2018/QĐ - UBND về Quy định thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại cơ quan hành chính nhà nước. Đến nay, 100% số cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, số đơn vị hành chính cấp huyện và số đơn vị hành chính cấp xã đã thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; có 25 cơ quan, đơn vị ở cả 3 cấp hành chính đã triển khai thực hiện mô hình một cửa hiện đại và đang thực hiện nhân rộng mô hình đến tất cả các cơ quan hành chính các cấp trên phạm vi toàn tỉnh.
Mô hình một cửa mang đến hiệu ứng tích cực
Ông Phạm Văn Tuệ, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Hưng Yên chia sẻ: Công tác cải cách hành chính tại các cơ quan, đơn vị và các địa phương trong tỉnh được quan tâm đẩy mạnh và có nhiều chuyển biến tích cực. Theo đó, công tác chỉ đạo, điều hành đã được quan tâm hơn; việc xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện đã được chú trọng; cơ chế một cửa, một cửa liên thông dần phát huy hiệu quả; việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của các cơ quan hành chính các cấp dần phát huy hiệu quả thiết thực.
Việc bố trí phòng làm việc riêng cho bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại các cơ quan, đơn vị được quan tâm, cơ sở vật chất được đầu tư khang trang; việc tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính có phiếu hẹn, phiếu bàn giao, sổ theo dõi đúng quy định.
Tính đến nay, tổng số thủ tục hành chính của các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, UBND cấp huyện và cấp xã giải quyết theo cơ chế một cửa là 1.915 thủ tục, trong tổng số 2.339 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết trên địa bàn tỉnh. 42 thủ tục và 2 nhóm thủ tục hành chính thực hiện theo cơ chế một cửa liên thông...
Hưng Yên đã có nhiều cố gắng cải cách hành chính, thực hiện cơ chế "một cửa liên thông, đổi mới phương thức hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước theo hướng hiện đại hoá, chuyên môn hoá. Qua đó góp phần tích cực làm thay đổi mối quan hệ giữa chính quyền với người dân, tổ chức; giúp chính quyền gần dân hơn, từng bước cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Đẩy mạnh đầu tư khu công nghiệp Địa bàn tỉnh Hưng Yên có quy hoạch 10 khu công nghiệp với tổng diện tích khoảng 2.400ha, trong đó hiện nay có 4 khu công nghiệp được đầu tư xây dựng hạ tầng và đi vào hoạt động, gồm: khu công nghiệp Phố Nối A, khu công nghiệp Dệt may, khu công nghiệp Thăng Long 2, khu công nghiệp Đức. Hiện nay, tại các khu công nghiệp đang triển khai khoảng 380 dự án. Về cơ bản, các khu công nghiệp này đã thu hút được các nhà đầu tư tới mở công ty, xưởng sản xuất, lấp đầy được trung bình 70% diện tích đất. Các khu công nghiệp của Hưng Yên đều nằm ở vị trí giao thông tương đối thuận lợi do vậy, thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp đạt được những kết quả tích cực. Với những điều kiện sẵn có, tỉnh Hưng Yên xác định tập trung thu hút đầu tư các dự án có công nghệ cao, có khả năng đóng góp nhiều cho ngân sách tỉnh và các dự án sạch, ít ảnh hưởng đến môi trường; tập trung nhiều vào lĩnh vực như cơ khí, điện tử, các lĩnh vực công nghiệp phụ trợ cho ô tô, xe máy và các ngành điện tử. Ông Phạm Thái Sơn, Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hưng Yên, nêu rõ: "Từ những năm 2014, 2015 đến nay, hàng năm, Hưng Yên đều thu hút được từ 300 - 350 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài. Trong đó có những dự án đầu tư khá lớn với công nghệ cao như các dự án của Nikiso, Hoya, làm các đĩa mềm máy tính, thiết bị vệ sinh Toto... Đây là những dự án có vốn đầu tư từ 70 - 100 triệu USD. Các doanh nghiệp trong nước cũng có 1 số dự án tương đối lớn, như: dự án sản xuất tôn của tập đoàn Hòa Phát, dư án của Nutifood... chủ yếu tập trung tại khu công nghiệp Phố Nối A". Sự chuyển biến mạnh mẽ của Hưng Yên trong việc thu hút đầu tư trải thảm đỏ cho các doanh nghiệp một phần nhờ có chính sách phát triển hợp lý, tư duy sáng tạo trong lãnh đạo, điều hành của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể. Hưng Yên hôm nay đã thực sự trở thành một điểm sáng về phát triển kinh tế - xã hội của vùng Đồng bằng Bắc bộ nói riêng và cả nước nói chung. |